Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án
Thứ Sáu, 13/05/2022, 19:45 [GMT+7]
Chiều 13/5/2022, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án” tổ chức Tọa đàm khoa học kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì buổi Tọa đàm.
Tham dự buổi Tọa đàm có các đồng chí Phó Trưởng Ban, Trợ lý Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các chuyên gia, nhà khoa học; thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án và thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án.
Quang cảnh Tọa đàm |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo khẳng định, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, pháp luật về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhất là, phát huy khá hiệu qủa cơ chế kiểm soát bên trong và từ bên ngoài vào các hoạt động này, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có hoặc có nhưng chưa cụ thể, hiệu quả thực thi thấp; tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực vẫn xảy ra trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu tại Tọa đàm |
Xuất phát từ thực trạng đó và yêu cầu xây dựng các cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh, liêm chính, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII (tháng 10/2021) đã đề ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là yêu cầu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là phải “tăng cường kiểm soát quyền lực tư pháp“kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trước hết phải được tiến hành có hiệu quả ngay trong các cơ quan nội chính"…
Tại Tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung, như: Đánh giá thực trạng thực thi quyền lực và kiểm soát quyền lực, nhất là tình trạng lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực và những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc về kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; làm thế nào để kiểm soát hiệu quả quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực của Đảng với kiểm soát quyền lực của Nhà nước; cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các quyền lập pháp, hành pháp với quyền tư pháp và ngược lại; đồng thời, đề xuất, kiến nghị những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết nhằm kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động này một cách hiệu lực, hiệu qủa; từ đó, tham mưu Bộ Chính trị ban hành Quy định về về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…
Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm, phân tích sâu sắc về vấn đề kiểm soát quyền lực của chuyên gia, nhà khoa học. Đồng chí nhấn mạnh, muốn phòng, chống tham nhũng thật tốt thì phải kiểm soát quyền lực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vừa tuân theo quy chế chung về kiểm soát quyền lực, vừa phải có đặc thù riêng trong hoạt động ở các lĩnh vực này. Trong đó, các quy định đề ra phải chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu, hiểu thống nhất và phải có chế tài xử lý nghiêm vi phạm các quy định này. Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan tư pháp phải được xác định cụ thể, tránh chồng chéo; tổ chức bộ máy có tính độc lập trong thực hiện nhiệm vụ. Phải công khai, minh bạch trách nhiệm giải trình trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Về phương thức kiểm soát quyền lực, phải kiểm soát từ bên trong (trong nội bộ mỗi cơ quan, giữa các cơ quan và những người tham gia), kiểm soát từ bên ngoài (kiểm soát của cơ quan dân cử, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội), kiểm soát từ quyền lực chính trị của Đảng (Đảng lãnh đạo; hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng).
Tuy nhiên, việc kiểm soát quyền lực cần phải đảm bảo tính độc lập tương đối của các cơ quan tư pháp. Muốn kiểm soát quyền lực có hiệu quả, phải đánh giá đúng thực trạng của cơ chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; những sơ hở, khó khăn, vướng mắc, bất cập và nhận diện chính xác các loại hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động này…
Các ý kiến tâm huyết của đại biểu sẽ được Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp thu đầy đủ, hoàn chỉnh Đề án trình Bộ Chính trị.
Đặng Phước - Anh Hưng