An Giang: Tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Thứ Tư, 26/02/2020, 16:01 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang vừa ban hành Kế hoạch số 457 ngày 26/7/2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
 
    Với mục tiêu tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, lấy cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo sự chuyển biến căn bản chất lượng bộ máy hành chính, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện theo chỉ đạo, yêu cầu của Trung ương, của tỉnh. Năm 2019, các cấp, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống tham nhũng, với 807 cuộc, 31.369 lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân tham dự.
 
 An Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo lập môi trường làm việc điện tử
An Giang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo lập môi trường làm việc điện tử
    Việc rà soát nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Năm qua, đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 106 người theo danh mục vị trí công tác phải định kỳ chuyển đổi; quan tâm các vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, ở các lĩnh vực, như: đầu tư mua sắm, xây dựng cơ bản, tài chính - ngân sách, đất đai, giao thông, y tế, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo... Qua đó, góp phần ngăn ngừa các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Song song đó, thủ tục hành chính ở các cấp tiếp tục được rà soát, đơn giản hóa, niêm yết công khai với nhiều hình thức, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu để thực hiện. Triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đến tận địa chỉ người dân; nâng cao chất lượng, mở rộng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; ban hành và triển khai thực hiện Đề án An Giang điện tử. Tăng cường thực hiện trao đổi văn bản hoàn toàn trên môi trường mạng nhằm cắt giảm chi phí, tạo thuận lợi cho việc lưu trữ, trao đổi văn bản.
 
    Đặc biệt, thông qua việc thực hiện Kế hoạch số 457, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức được nâng lên, nhất là việc giải quyết công việc theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở các cấp đã thể hiện tốt, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. 
 
    Tỉnh An Giang tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong chính lực lượng chức năng và đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vững vàng về chính trị, tư tưởng, trong sáng về đạo đức, lối sống, thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý; nhận diện nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm để có biện pháp kiểm tra, giám sát; khắc phục ngay những sơ hở có thể gây phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 1 lần.
 
    Nâng cao chất lượng công tác đối thoại với người dân, doanh nghiệp theo hướng thực chất, cầu thị; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp để giải quyết dứt điểm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm… Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng. Đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ; chú trọng việc giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp và những việc không được làm của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, phục vụ”.
                                                                                                P.V
.