Tạo cơ sở pháp lý để Kiểm toán Nhà nước thực hiện phòng, chống tham nhũng

Thứ Sáu, 25/10/2019, 06:37 [GMT+7]
    Thực hiện nhiệm vụ được giao, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống tham nhũng, đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin trong nhân dân. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động đấu tranh, phòng chống tệ nạn xã hội thời gian tới.
 
    Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm tra, đối chiếu các đơn vị liên quan, đã phát hiện nhiều sai phạm, truy thu cho ngân sách nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán năm 2018, đã phát hiện, kiến nghị xử lý tài chính 92.600 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi cho ngân sách nhà nước 44.466 tỷ đồng. Qua đối chiếu thuế 2.969 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 43 địa phương, Kiểm toán Nhà nước xác định tăng thu ngân sách nhà nước 1.684,6 tỷ đồng, kiến nghị giảm lỗ 3.341,5 tỷ đồng.
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
    Thực liện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xẩy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: Đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại với phương châm phòng là chính. Kiểm toán Nhà nước đã tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán, đôn đốc thu hồi nhanh chóng, dứt điểm tiền, tài sản của Nhà nước bị thất thoát.
 
    Bên cạnh đó, việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước được thực hiện định kỳ, có định hướng đã tạo được dư luận tốt. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân nhiều vụ việc; chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự sang cơ quan điều tra.
 
    Để thực hiện tốt yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tương thích phù hợp với Luật Thanh tra, cần quy định thêm căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng vào Luật Kiểm toán Nhà nước theo hướng bổ sung căn cứ để ban hành quyết định kiểm toán “Có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
 
    Theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Kiểm toán Nhà nước được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng.
 
    Do đó, để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật bổ sung vào Điều 10 nội dung: Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 
    Đồng thời, dự thảo Luật quy định quyền xác minh của Kiểm toán Nhà nước, phương pháp xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
 
    Trong quá trình thực hiện kiểm toán, khi nghi ngờ một nội dung nào đó có dấu hiệu tham nhũng, cần phải được kiểm tra, xác minh, làm rõ. Trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm, Kiểm toán Nhà nước chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Để có cơ sở hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, các biện pháp tổ chức xác minh, tránh lạm dụng việc xác minh khi được giao nhiệm vụ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cần ban hành quy trình, biện pháp nhằm kiểm tra, xác minh hiệu quả và quản lý Kiểm toán viên nhà nước trong việc thực hiện xác minh.
 
    Bên cạnh đó, để thực hiện tốt yêu cầu của Luật Phòng, chống tham nhũng, dự thảo Luật quy định thêm căn cứ ban hành quyết định kiểm toán trong trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Việc quy định này phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thanh tra hiện hành.
                                                                                               Đỗ Bình
                                                                                               (TTXVN)
.