Tọa đàm khoa học "Hoàn thiện hệ thống pháp luật thanh tra"
Thứ Tư, 10/11/2021, 08:44 [GMT+7]
Ngày 9/11/2021, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức găp mặt Ngày Pháp luật Việt Nam và Tọa đàm khoa học “Hoàn thiện hệ thống pháp luật thanh tra”.
Theo báo cáo đề dẫn, thời gian qua, hệ thống pháp luật ngành Thanh tra ngày càng hoàn thiện, thể hiện qua việc hàng loạt văn bản được ban hành. Đặc biệt, trong tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu ban hành liên tiếp 4 thông tư: Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định quy trình tiếp công dân; Thông tư 05/2021/TT-TTCP quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh; Thông tư 06/2021/TT-TTCP quy định về tổ chức, hoạt động của đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra; Thông tư 07/2021/TT-TTCP quy định về thẩm quyền, nội dung thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Để hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành Thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra 2010 theo định hướng nâng cao tính hệ thống của các cơ quan thanh tra, tăng tính độc lập “tương đối” của cơ quan thanh tra trong quan hệ với cơ quan và thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp; đồng thời, tăng thẩm quyền của người đứng đầu cơ quan thanh tra trong việc chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa thanh tra các bộ, ngành, địa phương và xử lý kết quả thanh tra; phân định rõ hoạt động thanh tra hành chính với hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Thanh tra Chính phủ cũng đang hoàn thiện Dự thảo Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập và tham mưu trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Tổng hợp, tham mưu thành lập Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập Dự thảo Nghị định Sửa đổi, thay thế Nghị định số 50/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ; giải trình ý kiến góp ý đối với Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, hoàn thiện dự thảo và trình Chính phủ.
Triển khai xây dựng các văn bản khác theo Kế hoạch xây dựng thể chế 2021 của Thanh tra Chính phủ (Nghị định quy định cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, xử lí đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh…); hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổng kết việc thực hiện Đề án 861 về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021. Thanh tra Chính phủ đã phát động Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng”.
Các hoạt động trên cho thấy, công tác xây dựng thể chế ngành Thanh tra ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là việc rà soát, hệ thống hóa pháp luật là một lĩnh vực quan trọng cũng được Thanh tra Chính phủ quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện thường xuyên liên tục và bài bản; hoạt động thẩm định văn bản pháp luật cũng được thực hiện đều đặn, thường xuyên; văn bản đạt chất lượng, hiệu quả, đi vào cuộc sống.
Quỳnh Hoa