Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
Thứ Sáu, 09/07/2021, 06:59 [GMT+7]
Hội đồng lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Tại Hội thảo, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh đã cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra về chính sách pháp luật đất đai qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI (Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012); bối cảnh mới, quan điểm, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Quang cảnh buổi Tọa đàm |
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012, cả nước nói chung và Quảng Ninh nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai từng bước được tăng cường; các quyền của người sử dụng đất được mở rộng và được nhà nước bảo đảm; thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất đã được hình thành và phát triển nhanh, ổn định. Kết quả đó khẳng định các quan điểm chỉ đạo, định hướng chính sách, pháp luật về đất đai được xác định trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 là đúng đắn, phù hợp với đặc điểm, tình hình phát triển KT-XH của đất nước trong giai đoạn vừa qua.
Bên cạnh những mặt tích cực, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW vẫn còn bộc lộ một số vấn đề, như: Chính sách GPMB vẫn còn bất cập, trong 80% các vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai có đến 70% liên quan đến GPMB; một số quy định xử lý các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật đất đai còn chưa rõ ràng; thời gian thu hồi đất do vi phạm còn kéo dài, chế tài xử lý chưa đủ mạnh dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai, mất cơ hội để thu hồi đất phục vụ phát triển KT-XH.
Từ những vấn đề nêu trên, tỉnh Quảng Ninh đề nghị cần nghiên cứu một số giải pháp sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai; đẩy mạnh CCHC trong lĩnh vực đất đai; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về đất đai, đảm bảo quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và không chồng chéo; rà soát, sửa đổi thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hướng vừa bảo đảm quyền quản lý thống nhất của Trung ương, vừa phát huy quyền chủ động của địa phương; thu hẹp các đối tượng được giao đất và mở rộng đối tượng được thuê đất; hạn chế tối đa các dự án được giao thuê đất, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần và chuyển sang đất ở; xử lý dứt điểm những trường hợp đất đã giao cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức đoàn thể nhưng không sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích, trái pháp luật; có chế tài đồng bộ, cụ thể, chặt chẽ hơn nữa để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng.
Các ý kiến trao đổi cũng đã tập trung làm rõ hơn về kinh nghiệm của Quảng Ninh trong xây dựng đội ngũ cán bộ; cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực và việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; kinh nghiệm trong việc phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng; kinh nghiệm trong việc xây dựng nghị quyết và triển khai quán triệt, học tập nghị quyết tới cán bộ, đảng viên.
Nguyễn Sự