Bến Tre: Chuyển đổi số để tạo bước đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025
Thứ Ba, 29/06/2021, 06:10 [GMT+7]
Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Nghị quyết và Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những bước đột phá quan trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội.
Nghị quyết và Đề án chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định đến năm 2030 Bến Tre trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu trong chuyển đổi số khu vực đồng bằng sông Cửu Long; là nơi thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ và mô hình mới; phát triển đồng bộ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Các đại biểu dự Hội nghị công bố Đề án chuyển đổi số tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030 |
Mục tiêu chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường. Xây dựng Bến Tre trở thành trung tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số của tỉnh và vùng đồng bằng sông Cửu Long, là địa phương tiêu biểu về chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch và nông nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025: Phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Trong đó, 100% dịch vụ công trực tuyến đảm bảo mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh; 60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Phấn đấu đưa Bến Tre thuộc nhóm 30 tỉnh dẫn đầu trong xếp hạng về công nghệ thông tin.
Thực hiện phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Trong đó, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%.
Phấn đấu đến năm 2030: Có 100% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh và đưa vào khai thác hiệu quả; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Hồng Anh