Phiên họp toàn thể lần thứ 35 của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Thứ Tư, 05/05/2021, 06:14 [GMT+7]
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức Phiên họp toàn thể để thẩm tra Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.
Phiên họp đã thông qua Tờ trình của Chính phủ về Đề nghị về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo Tờ trình số 63/TTr-CP ngày 25/2/2021, Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021 được lập trên cơ sở một số nguyên tắc như ưu tiên đề xuất vào Chương trình năm 2022 và bổ sung Chương trình năm 2021 các dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện văn kiện Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, 6, 7 và 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật …; thực hiện các cam kết quốc tế; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đề nghị về Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021 đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào Chương trình năm 2021 (chỉ bổ sung vào Chương trình năm 2021 những dự án nào thật sự cấp bách, còn lại sẽ đưa vào Chương trình năm 2022). Đồng thời, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan soạn thảo, thẩm tra hoặc vào kỳ họp cuối năm nhằm bảo đảm chất lượng, tiến độ soạn thảo và thẩm định, thẩm tra. Đặc biệt, không nên bổ sung các dự án, dự thảo vào Chương trình kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ khóa XIV và Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
Quang cảnh Phiên họp |
Việc lập đề nghị Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021 phải bảo đảm phù hợp Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, không đưa vào những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đồng thời, phải bảo đảm tính linh hoạt, có “độ mở” và phải tính đến khả năng trong năm 2021 và 2022 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các dự án cần ban hành, sửa đổi, bổ sung để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII. Trên cơ sở các nguyên tắc đó, Chính phủ đề nghị đưa 09 dự án luật vào Chương trình năm 2022 và bổ sung 02 dự án luật vào Chương trình năm 2021. Tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội thông qua 07 dự án (Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Cảnh sát cơ động; Luật Dầu khí (sửa đổi)), là các dự án được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV; cho ý kiến 02 dự án (Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)). Tại Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đề nghị Quốc hội thông qua 02 dự án (Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)) là dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.
Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành với Đề nghị của Chính phủ về Chương trình năm 2022, điều chỉnh Chương trình năm 2021 và có ý kiến cụ thể về một số dự án như Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó, về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm khắc phục những quy định hạn chế, bất cập không còn phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn hiện nay của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân cũng như quyền dân chủ trực tiếp của công dân theo yêu cầu của Hiến pháp; góp phần thể chế hóa Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xác định rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (nếu theo Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị thì cần nghiên cứu, xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và dân chủ ở xã, phường thị trấn để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dễ tiếp cận của pháp luật về dân chủ ở cơ sở; trường hợp dự thảo Luật chỉ điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thì đề nghị giải trình cụ thể việc hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở để thực hiện đúng Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị).
Tại Phiên họp này, một số ý kiến đề nghị sớm đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung một số dự án để kịp thời thể chế hoá các văn kiện của Đại hội XIII, các Nghị quyết Trung ương, kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục trình các dự án đã được đưa ra khỏi Chương trình để tiếp tục chuẩn bị hoặc để phục vụ việc hoàn thiện, thống nhất hệ thống pháp luật…, nhất là Luật Đất đai, Luật Nhà ở.
Thùy Linh