Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong phát hiện và tố giác hành vi tham nhũng

Thứ Bảy, 01/05/2021, 06:08 [GMT+7]
    Với tính chất liên minh rộng rãi, trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) đã tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng (PCTN), thể hiện trên các nội dung chủ yếu là: Chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân đồng tình ủng hộ các biện pháp PCTN của Đảng và Nhà nước và nói không với tham nhũng, tích cực đấu tranh với tham nhũng, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong xã hội; củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. 
 
    MTTQ Việt Nam các cấp nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về PCTN và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những “sơ hở” dễ dẫn đến tham nhũng, lãng phí. 
 
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024
    Tăng cường và đổi mới phương thức giám sát đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên trong việc thực hiện chính sách, pháp luật và đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, các vụ việc mà dư luận và Nhân dân quan tâm, bức xúc như: Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; giám sát cải cách hành chính, nhất là việc giảm thủ tục, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp; tham gia tổ chức và giám sát hoạt động tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; giám sát việc công khai các kết luận thanh tra... Xây dựng quy trình tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh, tố cáo về tham nhũng, lãng phí trong hệ thống Mặt trận; phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”, các cơ quan báo chí đã tích cực tuyên truyền, phản ánh những hành vi, hiện tượng tiêu cực, góp phần cung cấp thông tin xử lý các vụ việc, tăng thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 
    Trong thời gian tới MTTQ Việt Nam tiếp tục tăng cường hơn nữa việc vận động Nhân dân tham gia PCTN, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã yêu cầu là: Phải có sự tham gia tích cực của người dân đối với công tác PCTN, lãng phí. Do vậy, trong thời gian tới công tác PCTN phải phát huy được vai trò của các tầng lớp Nhân dân trong tham gia PCTN, để thực hiện được nội dung đó cần thực hiện một số giải pháp sau:
 
    Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, thực hiện nghiêm pháp luật về PCTN. Tuyên truyền để Nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận diện rõ và có thái độ đấu tranh với hành vi tham nhũng. Tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác đấu tranh PCTN. Trong đó trọng tâm tập trung vận động mỗi người dân kiên quyết chống tham nhũng, không tiếp tay cho tham nhũng, có thái độ và hành vi chống tham nhũng; giám sát hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng quyền và trách nhiệm được giao; phát huy tinh thần đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, biến chất, quan liêu, tham nhũng của cán bộ, công chức, đảng viên và của cả người dân. 
 
    Thứ hai, MTTQ Việt Nam, các thành viên của MTTQ Việt Nam tổ chức để Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý, góp phần hoàn thiện chính sách về PCTN.
 
    Quan tâm thực hiện nhiệm vụ góp ý, phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, góp phần vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách nói chung, pháp luật về PCTN nói riêng, trọng tâm là giám sát việc thực hiện các quy định về nêu gương, quy định có liên quan đến kê khai, công khai tài sản, thu nhập, các biểu hiện không minh bạch về tài sản của cán bộ, công chức.
 
    Vận động Nhân dân chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả trong việc giám sát công tác cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã, các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức và là chỗ dựa để Nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”; nâng cao chất lượng hoạt động và sự tham gia tích cực của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng vào công tác này. 
 
    Thứ ba, thông qua việc theo dõi, giám sát việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, các kênh hoạt động và thông tin như: Thông qua đường dây điện thoại nóng, hòm thư góp ý, thông tin phản ánh, tố cáo thông qua việc tiếp công dân và xử lý đơn thư, phản ánh của báo chí, các vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, MTTQ Việt Nam kịp thời phản ánh, kiến nghị để các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
 
    Thứ tư, phối hợp với Hội nhà báo Việt Nam phát huy vai trò các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền, động viên Nhân dân tham gia PCTN; phát huy những nhân tố tích cực trong PCTN; trực tiếp phát hiện, đấu tranh với tham nhũng thông qua các tin, bài, phóng sự; nâng cao chất lượng, tác dụng của giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh PCTN, lãng phí”.
 
    Thứ năm, tham gia bảo vệ, khen thưởng đối với người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. Để Nhân dân tích cực tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng thì MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm kiến nghị tới các cơ quan chức năng thực hiện các quy định về bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng theo quy định của pháp luật. Kiến nghị thực hiện đúng các quy định về bảo vệ, khen thưởng người phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng theo đúng Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật.
 
    Có thể nói, công tác PCTN của MTTQ Việt Nam được tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn, có tác động về mặt xã hội mạnh mẽ hơn và ngày càng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi cấp, mọi ngành và của Nhân dân, trong những năm gần đây đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác PCTN của MTTQ Việt Nam, trên cơ sở xác định đúng đắn những yêu cầu cả về lý luận và thực tiễn đang đặt ra, cần thực hiện đồng bộ và nghiêm túc các giải pháp về hoàn thiện thể chế, về tổ chức thực hiện cũng như về điều kiện bảo đảm trong thực hiện PCTN.
                                                                                 Mai Loan
.