Kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Thứ Sáu, 20/09/2019, 12:34 [GMT+7]
    Chiều 19-9, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. 
 
    Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh, đây là hoạt động kiểm tra định kỳ của thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với lĩnh vực được giao. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp mới được thành lập từ năm 2018, do đó, đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực tiếp tiến hành kiểm tra, giám sát, đôn đốc để tăng cường chỉ đạo, theo dõi công tác phòng, chống tham nhũng tại Ủy ban.
 
Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc
    Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống” với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn; được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, giữ vững niềm tin của nhân dân.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp…
 
    Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc đã và đang được chỉ đạo quyết liệt, song, vẫn còn phức tạp, chưa được ngăn chặn có hiệu quả.
 
    Riêng đối với Ban cán sự Đảng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc thành lập Ủy ban được đề cập tại Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII), Nghị quyết của Quốc hội giám sát tối cao về cổ phần hóa, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; cũng như các chương trình hành động của Chính phủ...
 
    Các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban đều là các doanh nghiệp trọng yếu của nền kinh tế như điện, xăng dầu, hàng không, lương thực... đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội, điều kiện để Ủy ban hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, từng bước nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đây cũng là bước quan trọng để thực hiện chủ trương phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nhà nước..
 
    Do đó, Ủy ban cần chủ động, tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực hiện có hiệu quả quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý.
 
    Bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả và bảo toàn, phát triển vốn của nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn của nhà nước.
 
    Thông qua việc kiểm tra lần này, sẽ rà soát, đánh giá việc thực hiện, đánh giá tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của Ủy ban, phát huy ưu điểm, phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân; để từ đó có biện pháp chủ động chấn chỉnh, khắc phục hoặc kiến nghị với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng tại Ủy ban nói riêng và cả nước nói chung.
                                                                                              Lê Sơn
.