Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp

Thứ Sáu, 06/09/2019, 11:06 [GMT+7]
    Ngày 05-9, tiếp tục Phiên họp toàn thể thứ 13, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp đã thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
 
    Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp năm 2012 nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng. Dự thảo Luật bổ sung quy định về căn cứ, cách thức trưng cầu giám định; sửa đổi, bổ sung quy định về trưng cầu và tiếp nhận thực hiện giám định lần đầu; bổ sung quy định liên quan đến quyền và trách nhiệm của cơ quan trưng cầu và cá nhân, tổ chức được trưng cầu; xác định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành đối với công tác giám định tư pháp.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp
    Báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng trình bày cho thấy, để làm rõ sự cần thiết sửa đổi Luật Giám định tư pháp, Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ: Qua tổng kết thi hành Luật, cần xác định rõ những vấn đề vướng mắc do quy định của Luật và những vướng mắc do khâu tổ chức thực hiện. Giám định tư pháp được quy định trong nhiều luật liên quan như: Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án hình sự… Do đó cần phân định rõ nội dung nào thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật tố tụng và các luật liên quan, nội dung nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp để xác định đúng nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Giám định tư pháp.
 
    Về tên gọi và phạm vi sửa đổi của dự án Luật, dự thảo Luật đã bổ sung mới 3 điều; sửa đổi nội dung liên quan tới 22 điều, nhóm nghiên cứu cho rằng, tên gọi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp là phù hợp. Tuy nhiên, đối chiếu với phạm vi sửa đổi, bổ sung, Nhóm nghiên cứu nhận thấy, việc bổ sung các quy định như: Căn cứ trưng cầu giám định (khoản 1, Điều 25); cách thức trưng cầu giám định (khoản 4, Điều 25); quy định người trưng cầu giám định có thẩm quyền xác định nội dung, lĩnh vực chính cần giám định và ghi rõ cơ quan, tổ chức chủ trì, cơ quan, tổ chức phối hợp tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định (khoản 7, Điều 25)... là không phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp.
 
    Qua tổng kết thi hành Luật cũng như kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp cho thấy, vấn đề vướng mắc, bất cập nhất hiện nay trong giám định tư pháp liên quan đến án kinh tế, tham nhũng chủ yếu tập trung ở loại hình giám định theo vụ việc trong lĩnh vực xây dựng, tài chính, ngân hàng, thông tin và truyền thông, kế hoạch và đầu tư, khoa học và công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn... Do vậy, Nhóm nghiên cứu đề nghị: Cơ quan soạn thảo cần rà soát, xác định rõ những vấn đề liên quan đến quy định của Luật cần phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
 
    Về thực hiện trưng cầu giám định tư pháp, khoản 4, Điều 25 dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng “phân tuyến” việc trưng cầu và tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp lần đầu theo thứ tự cấp tỉnh, khu vực và Trung ương. Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích quy định này nhằm khắc phục tình trạng cơ quan tố tụng các cấp hiện nay chỉ tập trung trưng cầu một số bộ, cơ quan ngang bộ ở Trung ương mà ít trưng cầu cơ quan, tổ chức địa phương, gây quá tải cho các cơ quan Trung ương.
 
    Cho ý kiến về nội dung này, nhiều ý kiến đề nghị, cần cân nhắc việc bổ sung quy định này. Bởi, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trưng cầu giám định trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế đối với các bộ, ngành Trung ương chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số các trưng cầu giám định tư pháp, cơ quan thực hiện trưng cầu giám định nhiều nhất bình quân cũng chỉ 20 vụ/năm. Điều này cho thấy, không đủ cơ sở để xác định là quá tải công việc. Các ý kiến cũng cho rằng, phụ thuộc vào tính chất của mỗi vụ án, nếu thực hiện quy định nói trên, nhiều trường hợp sẽ không bảo đảm tính kịp thời của yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm.
                                                                                                  Hà An
.