Họp Ban Chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị số 33-CT/TW

Thứ Sáu, 20/09/2019, 12:24 [GMT+7]
    Chiều ngày 19-9, Ban Chỉ đạo Tổng kết Chỉ thị số 33-CT/TW họp cho ý kiến Báo cáo tổng kết, Tờ trình của Ban Bí thư và Chỉ thị của Ban Bí thư “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30-3-2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”.
 
    Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị 33-CT/TW chủ trì cuộc họp.

 

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị

     Các thành viên của Ban Chỉ đạo đều thống nhất nhận định: Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Ban Bí thư, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, xã hội về vị trí, vai trò của luật sư và hành nghề luật trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế được nâng lên; từ đó tạo nền tảng thúc đẩy hoạt động của luật sư, đồng thời xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư cả về số lượng và chất lượng, năng lực, trình độ của các luật sư ngày càng tăng lên.

 
    Nhiều tổ chức hành nghề luật sư đã vươn ra khu vực để chiếm lĩnh thị phần liên quan đến hoạt động đầu tư, thương mại quốc tế, phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp; chất lượng tham gia tố tụng của luật sư cũng có tiến bộ rõ rệt, nhiều ý kiến tranh luận của luật sư đã được hội đồng xét xử ghi nhận, góp phần đáng kể vào việc giảm thiểu oan sai trong hoạt động của các cơ quan tố tụng, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử.
 
    Các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung phân tích, cho ý kiến vào các nội dung: Vị trí, vai trò của luật sư và hành nghề luật sư; đánh giá số lượng, chất lượng của luật sư; môi trường hoạt động của luật sư; vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động luật sư; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cho hoạt động luật sư; quản lý nhà nước đối với hoạt động của luật sư; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm của luật sư; vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

 

Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 33-CT/TW phát biểu tại cuộc họp
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 33-CT/TW phát biểu tại cuộc họp
 
    Đánh giá về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động luật sư và hành nghề luật cho thấy, công cụ và phương thức lãnh đạo của Đảng phải thông qua cơ sở đảng, nhưng hiện nay, còn tới gần 30 đoàn luật sư chưa thành lập được tổ chức đảng. Do đó, sự lãnh đạo của Đảng với tổ chức, hoạt động luật sư chưa toàn diện, mờ nhạt, còn lúng túng; cần phải có quy định, hướng dẫn cụ thể, thống nhất để phát triển tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên trong giới luật sư.
 
    Ở một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm thỏa đáng, chưa chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển nghề luật sư, như việc hỗ trợ trụ sở làm việc và kinh phí hoạt động cho đoàn luật sư tỉnh, nên đã không thu hút được các luật sư tham gia vào các hoạt động ở địa phương; đăng ký hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật còn nhiều vướng mắc do những quy định trong khâu cấp phép… Số luật sư có khả năng tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế còn ít, do chưa đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ, pháp luật nước ngoài và còn thiếu kinh nghiệm.
 
    Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Chỉ thị số 33-CT/TW đánh giá cao những ý kiến đóng góp sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn của các thành viên Ban Chỉ đạo. Đồng chí yêu cầu Tổ biên tập nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung vào báo cáo để Trung ương có cái nhìn toàn diện, chính xác về hoạt động của luật sư. Qua đó đánh giá cụ thể từng nội dung của Chỉ thị số 33-CT/TW, cũng như hiệu quả của Chỉ thị sau 10 năm thực hiện, để có những định hướng mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến luật sư và hành nghề luật sư; tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp luật sư; xây dựng đội ngũ luật sư có đủ phẩm chất, năng lực góp phần vào quá trình hội nhập và phát triển của đất nước.
  Cù Tất Dũng
.