Hải Dương: Tuyên truyền, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018

Thứ Ba, 29/10/2019, 09:43 [GMT+7]
    Thanh tra tỉnh Hải Dương vừa tổ chức Hội nghị tuyên truyền, tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
 
    Tại Hội nghị, các đại biểu được giới thiệu một số văn bản mới được ban hành liên quan đến pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đó là những nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng; những nội dung cơ bản của Nghị định 59/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/6/2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN, thay thế cho Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006; Chỉ thị số 50- CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 33- CT/TW ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; Nghị quyết số 113/QH13 của Quốc hội khóa 13 về tăng cường các biện pháp đấu tranh, chống tội phạm, trong đó chú trọng phòng, chống tội phạm về kinh tế, tham nhũng; Nghị quyết số 126/NQ- CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020…
 
    Sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực ở hầu hết các lĩnh vực, hệ thống quản lý Nhà nước, thể chế, chính sách được hoàn thiện; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, việc phát hiện xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc được phát hiện còn ít.
 
    Để khắc phục hạn chế trên, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019. Luật gồm 10 chương với 96 điều quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng như: Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập; bổ sung một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; quy định cụ thể về phương thức, thời điểm kê khai tài sản, thu nhập và bổ sung quy định về kê khai bổ sung; quy định cụ thể về việc kê khai bản kê khai tài sản, thu nhập; quy định cụ thể hơn về việc xử lý đối với trường hợp kê khai không trung thực.
 
    Bên cạnh đó, Luật cũng quy định một chương riêng và sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, Luật cũng quy định một chương riêng về công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
 
    Qua tập huấn, các đại biểu được nhận thức sâu sắc hơn về công tác phòng, chống tham nhũng; vận dụng sáng tạo vào thực tế; tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, địa phương và mỗi người dân nhằm thực hiện có hiệu quả công tác này. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước khi giải quyết công việc với công dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính… 
                                                                                             P.V
.