Malaysia: Đặt mục tiêu giải quyết nạn tham nhũng trong giới trẻ

Thứ Hai, 20/06/2022, 07:30 [GMT+7]
    Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia (KBS) Datuk Seri Ahmad Faizal Azumu, cho biết, đang nỗ lực giải quyết nạn tham nhũng và lạm dụng quyền lực trong giới trẻ.
 
    Theo ông Ahmad Faizal, điều này dựa trên dữ liệu do Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia (MACC) công bố rằng, tổng số 275 thanh niên, bao gồm những người làm việc trong các cơ quan Chính phủ và học viên cao học đã bị bắt giữ vì tội tham nhũng trong thời gian từ năm 2020 đến ngày 3/6 năm nay.
 
Phó Chủ tịch MACC Datuk Seri Norazlan Mohd Razali tại Đại học Malaya
Phó Chủ tịch MACC Datuk Seri Norazlan Mohd Razali tại Đại học Malaya
    Để giải quyết nạn tham nhũng trong giới trẻ, một trong những nỗ lực được thực hiện là tổ chức các chương trình nhằm nâng cao nhận thức của giới này về các vấn đề tham nhũng.
 
    “Nhận thức này không chỉ cần được khắc sâu trong cán bộ viên chức cấp bộ, ngành mà còn trong cả học sinh, sinh viên các trường... Tham nhũng giống như một căn bệnh và nó có thể liên quan đến bất kỳ ai, không phân biệt chủng tộc và tôn giáo”, ông Ahmad Faizal nói với các phóng viên sau khi phát động Giải thể thao Malaysia cấp quận Kinta (MSL) năm 2022 tại X Park Sunway City, ngày 4/6.
 
    Trước đó, Phó Chủ tịch MACC Datuk Seri Norazlan Mohd Razali cho biết, tổng cộng 275 thanh niên từ 18 đến 30 tuổi đã bị bắt vì các tội danh tham nhũng từ năm 2020 đến ngày 3/6/2022. Trong đó, có 231 nam giới và 44 nữ.
 
    Trong cùng thời gian đó, tổng cộng 151 thanh niên đã bị buộc tội trước tòa. Cụ thể: 11 cá nhân trong độ tuổi từ 18 đến 23; 140 cá nhân từ 24-30 tuổi.
 
    Ông Norazlan cho biết thêm, trong số các hành vi phạm tội có đưa hối lộ (70 người), nhận hối lộ (123 người) và các tội danh tham nhũng khác.
 
    “Sự cám dỗ của tham nhũng, cho dù là đưa hối lộ hay nhận hối lộ là hiện hữu, đặc biệt là khi các học viên tốt nghiệp và bước vào công việc nghề nghiệp của mình”, ông Norazlan nói và hy vọng rằng, tất cả các tiếp xúc và kiến thức về tham nhũng có thể được sử dụng như một lời nhắc nhở cho các sinh viên tốt nghiệp khỏi bị mắc kẹt bởi những cám dỗ của tham nhũng.
 
    "Đó là chưa nói đến sự hy sinh của các bậc cha mẹ. Một số người trong số họ có thể đã lâm vào cảnh nợ nần hoặc thế chấp tài sản để đảm bảo con cái của họ có cơ hội... Trái tim của các bậc phụ huynh sẽ tan nát nếu một sinh viên mới ra trường đi làm được 1, 2 năm thì bất ngờ bị bắt và bị buộc tội tham nhũng”, ông Norazlan nói thêm.
 
    Tại Malaysia, Khóa học Liêm chính và Chống tham nhũng (KIAR) sẽ là một môn học bắt buộc trong tất cả các cơ sở đào tạo bậc cao bắt đầu từ năm tới.
                                                                            Đức Anh
                                                                       (Báo Thanh tra)
.