Sự lãnh đạo của Đảng trong công tác nội chính, tư pháp ở cơ sở tại Hải Phòng những khó khăn và một số kiến nghị

Chủ Nhật, 19/06/2022, 08:54 [GMT+7]
Ngày 30/7/2007, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị trong đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về phương thức lãnh đạo đối với lĩnh vực nội chính, tư pháp. Bám sát Nghị quyết số 15-Nq/TW của Ban Chấp hành Trung ương, trong những năm qua, các cấp ủy địa phương thành phố Hải Phòng đã có nhiều đổi mới trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ nội chính, tư pháp, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đồng thời tăng cường pháp chế XHCN.
 
    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sự lãnh đạo của một số cấp ủy cấp huyện đối với công tác nội chính, tư pháp còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế sau đây:
 
    Một là, phần lớn các cơ quan nội chính, tư pháp (công an, quân sự, biên phòng, kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự) thuộc quyền quyết định về công tác cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng ngành dọc. Bởi vậy, trong cấp ủy đảng ở địa phương, cơ sở, có tâm lý coi các cơ quan nội chính, tư pháp vừa là “người nhà”, vừa là “khách”. Từ đó, dẫn đến ít quyết liệt, sâu sát trong chỉ đạo công tác nội chính, tư pháp như đối với các lĩnh vực công tác khác.
 
Đồng chí Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng (ảnh Đặng Phước)
Đồng chí Đặng Bá Cường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng (ảnh Đặng Phước)
 
    Hai là, về nguyên tắc, ban thường vụ cấp ủy địa phương, cơ sở cho ý kiến về chủ trương, nhiệm vụ trọng yếu bảo đảm quốc phòng, an ninh; cho chủ trương xử lý các vấn đề đột xuất có liên quan đến an ninh trên địa bàn, về những chủ trương lớn trong công tác xây dựng Đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang; thường trực cấp ủy cho chủ trương và phương hướng xử lý một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp, không để xảy ra tình trạng cấp ủy đang buông lỏng lãnh đạo hoặc can thiệp không đúng vào hoạt động tư pháp.
 
    Trên thực tế, ranh giới giữa cho chủ trương xử lý, không làm thay, không can thiệp với buông lỏng lãnh đạo, thậm chí “khoán trắng” cho các cơ quan nội chính, tư pháp là rất mong manh. Ở nhiều nơi, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, thường trực cấp ủy ít quan tâm đến lãnh đạo công tác nội chính, tư pháp, còn coi đây là trách nhiệm riêng của cấp ủy, tổ chức đảng ngành dọc; vai trò của cấp ủy cấp huyện trong chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh còn mờ nhạt. Trong thực tế, việc chỉ đạo thiếu sâu sát đã dẫn đến những hậu quả phức tạp, đáng tiếc. Điển hình là, trong chỉ đạo cưỡng chế thu hồi đất của Đoàn Văn Vươn (tháng 01/2012), Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã “khoán trắng”, không chỉ đạo sâu sát đối với Công an huyện, dẫn đến công tác trinh sát, nắm tình hình yếu kém, phương án xử lý tình huống sơ sài, bị động, đến khi các đối tượng sử dụng vũ khí nóng chống đối gây thương tích cho lực lượng công an, quân sự thì lực lượng bảo vệ cưỡng chế “vỡ trận”, cuộc cưỡng chế thất bại, phải hủy bỏ.
 
    Ba là, kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Theo Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng thì có thể thấy, cấp ủy cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra, giám sát cả việc chấp hành pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực nội chính, tư pháp; kiểm tra, giám sát việc xử lý một số vụ việc, vụ án. 
 
    Tuy nhiên trên thực tế ở nhiều nơi cấp ủy cấp huyện ít quan tâm đến vấn đề này, nhất là công tác kiểm tra, giám sát chấp hành pháp luật và việc xử lý vụ việc, vụ án đòi hỏi cần có chuyên môn. Chính vì thiếu quan tâm, chưa sâu sát trong công tác kiểm tra, giám sát nên đã dẫn đến một số vụ việc sai phạm trong lĩnh vực tư pháp ở nhiều nơi trong thời gian qua. 
 
    Từ những khó khăn, hạn chế trong công tác lãnh đạo của cấp ủy cấp huyện đối với nhiệm vụ nội chính, tư pháp ở cơ sở, xin kiến nghị, đề xuất một số vấn đề sau:
    
    Trước hết, quan điểm của Đảng ta trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc là tiến hành chiến tranh nhân dân, xây dựng và củng cố thế trận chiến tranh nhân dân, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện. Do đó cấp ủy, tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang địa phương phải đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương cùng cấp. Và khi cấp ủy, tổ chức đảng trong công an địa phương đã trực thuộc cấp ủy địa phương thì cấp ủy, tổ chức đảng trong các ngành kiểm sát, tòa án, thi hành án dân sự cũng cần trực thuộc cấp ủy địa phương để bảo đảm sự phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mỗi ngành. Như vậy, cần thiết tiếp tục thực hiện mô hình cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan nội chính, tư pháp sinh hoạt đảng tại địa phương, trực thuộc cấp ủy địa phương cùng cấp. 
 
    Hai là, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm nghiên cứu, ban hành các quy định cụ thể về sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh (như Bộ Chính trị đã ban hành các Chỉ thị số 52-CT/TW, Chỉ thị số 15-CT/TW, Chỉ thị số 26-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong điều tra, xử lý vụ án, vụ việc) để cấp ủy địa phương thống nhất thực hiện, vừa không buông lỏng lãnh đạo vừa không can thiệp không đúng vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan chức năng. 
 
    Ba là, cần thực sự đổi mới theo hướng cụ thể, thiết thực, nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng giáo dục quốc phòng, an ninh, bảo đảm cho cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là đối với cấp ủy cấp huyện đủ năng lực và sự tự tin khi cho chủ trương, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh; cho chủ trương xử lý các vấn đề đột xuất có liên quan đến an ninh trên địa bàn; cho chủ trương và phương hướng xử lý một số vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp ở cơ sở.
 
    Bốn là, hiện nay, cấp ủy cấp huyện không có ban nội chính, không có cơ quan chuyên trách tham mưu về công tác nội chính, tư pháp trong khi đây là lĩnh vực thường xuyên nảy sinh những vấn đề, vụ việc cần được chỉ đạo xử lý. Trước mắt, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương tăng cường biệt phái cán bộ các cơ quan nội chính, tư pháp đến làm
công tác nội chính Đảng, tham mưu giúp cấp ủy cấp huyện để nâng cao hiệu quả lãnh đạo công tác nội chính, tư pháp.
Đặng Bá Cường
(Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Hải Phòng)
.