UAE chủ trì phiên họp đặc biệt của Hội nghị chống tham nhũng

Thứ Tư, 12/05/2021, 06:23 [GMT+7]
    Phiên họp đặc biệt của Hội nghị các quốc gia thành viên tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) được tổ chức vào ngày 7/5/2021 tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Vienna (Áo). Tiến sĩ Harib Saeed Al Amimi, Chủ tịch Tổ chức Kiểm toán Tối cao, Chủ tịch phiên thứ tám của Hội nghị các quốc gia thành viên tham gia UNCAC chủ trì phiên họp.
 
    Phiên họp đặc biệt này được tổ chức để thông qua bản cuối cùng của Dự thảo Tuyên bố Chính trị, phù hợp với việc tham vấn và đàm phán chính thức về cấu trúc và phạm vi của Tuyên bố, theo quan điểm của các quốc gia thành viên đưa ra trong các phiên thảo luận kéo dài trong hơn 6 tháng.
 
Phiên họp thứ tám của Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)
Phiên họp thứ tám của Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)
    Dự thảo Tuyên bố Chính trị sẽ được trình bày tại Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc về những thách thức và biện pháp phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy hợp tác quốc tế vào tháng 6/2021.
 
    Theo Tiến sĩ Al Amimi, dự thảo này là một câu trả lời với kết quả của Phiên họp lần thứ tám Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC, diễn ra từ ngày 16 - 20/12/2019 tại Thủ đô Abu Dhabi, phù hợp với các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nhiệm vụ hội nghị là thực hiện các biện pháp cần thiết để chuẩn bị cho Tuyên bố Chính trị.
 
    ''Tuyên bố Chính trị bao gồm một loạt thủ tục và biện pháp mà các quốc gia phải tuân thủ nhằm thúc đẩy quá trình chống tham nhũng và tăng cường các nguyên tắc liêm chính, trách nhiệm giải trình, minh bạch và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các quốc gia thành viên thông qua hợp tác quốc tế, cũng như những biện pháp phòng ngừa cần thực hiện trong các cuộc khủng hoảng và trường hợp khẩn cấp'', ông Al Amimi nói và cho biết thêm rằng, dự thảo phản ánh những quan ngại của các quốc gia thành viên về mức độ nghiêm trọng của các vấn đề và các mối đe dọa do tham nhũng gây ra đối với sự ổn định và an ninh của xã hội, các thể chế và giá trị của dân chủ, giá trị đạo đức và công lý, và gây nguy hiểm cho sự phát triển bền vững và pháp quyền.
 
    Ông Al Amiri cũng nhấn mạnh, quá trình chống tham nhũng sẽ chỉ đạt được kết quả bằng các hành động phối hợp giữa các quốc gia thành viên và sự hợp tác của các tổ chức và cá nhân trong việc giải quyết mọi hình thức tham nhũng ở mọi nơi và mọi lúc.
                                                                                              Đức Anh
                                                                          (Báo Thanh tra)
.