Banner

Bảo vệ nhà báo trong phản ánh tham nhũng liên quan COVID-19

Thứ Năm, 15/10/2020, 06:34 [GMT+7]
    Tại Nam Phi - khu vực có chỉ số CPI trung bình chỉ đạt 34/100 điểm, các nhà báo và những người làm công việc vạch trần, tố cáo tham nhũng phải đối mặt với mức độ rủi ro không lường hết được.
 
    Và đó là trong bối cảnh bình thường, chưa tính đến dịch bệnh.
 
    Những tháng vừa qua, khi đại dịch COVID-19 xảy đến, ở một số quốc gia Nam Phi, có những nhà báo, cơ quan truyền thông, tổ chức xã hội dân sự, bao gồm các đại diện của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã bị tấn công khi vạch trần tham nhũng và chia sẻ những thông tin có lợi cho cộng đồng.
 
Văn phòng của Tuần báo Canal de Moçambique bị tấn công
Văn phòng của Tuần báo Canal de Moçambique bị tấn công
    Mozambique
 
    Hồi tháng 8/2020, một nhóm người đã đột nhập vào văn phòng của Canal de Moçambique - tuần báo nổi tiếng của Mozambique hoạt động mạnh mẽ trong việc vạch trần tham nhũng. Nhóm người này đã đổ chất đốt lên các thiết bị trong văn phòng và hủy hoại chúng.
 
    Cuộc tấn công xảy ra chỉ 4 ngày sau khi tờ báo này đăng tải một phóng sự điều tra liên quan đến cáo buộc mua sắm của các cá nhân có mối quan hệ chính trị và quan chức Chính phủ cấp cao tại Bộ Tài nguyên và Năng lượng.
 
    Trước đó, vào đầu năm nay, Canal de Moçambique cũng đã thông tin về một thỏa thuận bí mật được cho là giữa các bộ thuộc Chính phủ và một công ty khí đốt, qua đó, mang tới khoản tiền lại quả cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng.
 
    Zimbabwe
 
    Trên khắp thế giới ghi nhận một thực tế, đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho những kẻ tham nhũng làm đầy túi tiền khi viện trợ quốc tế và các hỗ trợ tài chính trị giá hàng nghìn tỷ USD được giải ngân, trong khi, công tác giám sát được nới lỏng theo quy định tình trạng khẩn cấp.
 
    Tại Zimbabwe, nhà báo điều tra Hopewell Chin’ono đã có bài báo về cáo buộc gian lận trong mua sắm liên quan đến COVID-19 trong Bộ Y tế, dẫn tới việc bắt giữ và sa thải Bộ trưởng Y tế Obadiah Moyo.
Tổng thống Emmerson Mnangagwa đã sa thải ông Moyo vì "hành vi không phù hợp" trong vụ bê bối cung cấp thuốc trị giá 60 triệu USD, theo BBC.
 
    Madagascar
 
    TI Madagascar đã thu thập được một hóa đơn cho thấy Bộ trưởng Bộ Nội vụ nước này đã sử dụng viện trợ khôi phục kinh tế trong COVID-19 để mua vật tư từ công ty mà vợ ông làm giám đốc.
 
    Ngay sau khi người đứng đầu TI Madagascar thảo luận về vụ việc trên truyền hình, các cuộc tấn công phối hợp nhằm vào bà và gia đình bà bắt đầu xảy ra.
 
    Đối với tất cả những ai nhắm vào các nhà báo và tìm cách hạn chế công việc của họ, TI gửi tới một thông điệp:
 
    “Việc phơi bày tham nhũng là quyền của mọi người. Báo chí không phải là một loại tội phạm. Công chúng có quyền biết các nguồn công quỹ được sử dụng như thế nào”.
 
    Tố cáo tham nhũng
 
    Theo nghiên cứu gần đây của TI, trên khắp châu Phi, hơn một nửa số người được hỏi tin rằng, người dân bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến chống tham nhũng. Tuy nhiên, 2/3 lại lo sợ bị trả thù vì tố cáo tham nhũng.
 
    Đại diện TI tại Nam Phi, Zambia và Zimbabwe đã điều hành hoạt động tại các trung tâm tư vấn pháp lý và vận động chính sách (ALAC), cho phép người dân báo cáo tham nhũng một cách an toàn và tiếp cận trợ giúp pháp lý.
 
    Trong 9 tháng qua, hơn 1.800 người đã liên hệ với mạng lưới ALAC của TI trên khắp thế giới để báo cáo tham nhũng và tìm kiếm hỗ trợ về các vấn đề liên quan đến COVID-19.
 
    TI kêu gọi các Chính phủ khu vực Nam Phi hỗ trợ các tổ chức xã hội dân sự, đặc biệt là các nhà báo trong nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng.
 
    Đồng thời, kêu gọi Cộng đồng Phát triển Nam Phi đi đầu trong việc ưu tiên tự do báo chí và duy trì hoạt động báo chí an toàn ở Nam Phi. Tất cả cuộc tấn công chống lại các tổ chức xã hội dân sự, nhà báo phải được điều tra một cách hợp lý và thủ phạm phải được xử lý nghiêm.
                                                                                     Hoài Phương
                                                                                    (Báo Thanh tra)
.
.