Chủ tịch Hồ Chí Minh - tên Người còn mãi với non sông

Thứ Năm, 02/09/2021, 08:32 [GMT+7]
    Cách đây 76 năm, ngày 2/9/1945 trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc.
 
    Trong suốt chiều dài lịch sử của cách mạng Việt Nam, mỗi thắng lợi, mỗi bước đi lên đều gắn liền với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; người làm rạng rỡ non sông, đất nước ta.
 
    Từ Bến Nhà Rồng đến Quảng trường Ba Đình lịch sử
 
    Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, nhiều cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh yêu nước, chống thực dân Pháp đều lần lượt thất bại, phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước khủng hoảng sâu sắc về đường lối, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí lên đường ra đi tìm đường cứu nước khi mới vừa tròn 21 tuổi, với khát vọng cháy bỏng “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” (1).
 
76 năm đã qua, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn luôn ngời sáng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất, bảo vệ và thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
76 năm đã qua, tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, chân lý của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn luôn ngời sáng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất, bảo vệ và thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN
    Trên chặng đường bôn ba đầy khó khăn, gian khổ ấy, người thanh niên Nguyễn Tất Thành, nhà hoạt động quốc tế xuất sắc Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tìm ra con đường giải phóng cho dân tộc: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” (2). Năm 1920, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc của dân tộc Việt Nam Nguyễn Ái Quốc trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và cũng là người cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
 
    Tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã dần xây dựng được một hệ thống lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc phù hợp với thực tiễn Việt Nam và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho sự ra đời của một chính đảng cách mạng ở Việt Nam. Từ ngày 3 đến 7/2/1930, tại  Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đây Việt Nam đã có một chính Đảng chính thức, thực hiện vai trò tổ chức, lãnh đạo, nhân dân làm cách mạng.
 
    Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã gắn kết thành một khối, phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám lịch sử năm 1945. 
 
    Ngày 2/9/1945 trên  Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Nước ta từ một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, một nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhân dân ta từ người nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.
    
    Sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam
 
    Trước việc thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam, ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, Bác nhấn mạnh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ…” (3).
 
    Cùng với Trung ương Đảng, Bác đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ngày 7-5-1954. Chiến thắng này không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam, mà còn cổ vũ các dân tộc thuộc địa vùng lên giành độc lập, đánh đổ chế độ thực dân, đế quốc.
 
    Trong 15 năm lãnh đạo sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc (từ năm 1954 đến tháng 9-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng sáng suốt đề ra đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ cách mạng: Đưa miền Bắc tiến lên CNXH và thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, tiến tới thống nhất nước nhà. Ngay cả khi chuẩn bị đi vào cõi vĩnh hằng, Người vẫn khẳng định: “Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn” (4).
 
    Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”; thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác; trên cơ sở đường lối đúng đắn, sáng tạo của Đảng, với sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, quân và dân ta đã đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối, hoàn thành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đưa cả nước đi lên CNXH. 
 
    "Phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho quốc dân"
 
    Không chỉ hết lòng vì nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất mực thương dân. Lòng yêu nước và thương dân của Người luôn gắn bó hòa quyện, bổ sung cho nhau. Vì: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” (5), nên phải làm sao cho mọi người được ăn no mặc ấm, được sung sướng, tự do. Người yêu cầu, Đảng và Nhà nước, cán bộ đảng viên phải nhận thức rõ điều đó, phải phấn đấu cho mục tiêu đó.
 
    Tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân, “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”, Người luôn nhắc nhở, từ người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, đến mỗi cán bộ, đảng viên, đều phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, phải chăm lo đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, “việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh” (6)
 
    Không chỉ có vậy, Người còn đau nỗi đau của dân, buồn nỗi buồn của dân; chịu khổ trước dân, vui hưởng sau dân... Dù rất bận với công việc của người đứng đầu đất nước, nhưng Bác vẫn dành thời gian gặp gỡ các tầng lớp nhân dân; viết thư thăm hỏi, tặng quà cho những người cao tuổi mẫu mực, những thanh, thiếu niên, nhi đồng học hành chăm ngoan, làm nhiều việc tốt; gương mẫu thực hiện tiết kiệm, “10 ngày nhịn ăn một bữa” để chia sẻ với đồng bào nghèo đói…
 
    Có thể thấy, ý chí cứu nước, giành độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân là tinh thần chủ đạo, xuyên suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, đúng như Người đã bộc bạch: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc cho quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo - là vì mục đích đó” (7); Hay “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” (8)
 
    Chính lòng yêu nước thương dân ấy, mong muốn ấy của Người đã trở thành niềm động viên to lớn, truyền thêm sức mạnh cho mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết một lòng, ủng hộ kháng chiến, tham gia kháng chiến và giành thắng lợi.
 
    Ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam
 
    Tiếp tục đi theo con đường cách mạng vẻ vang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nguyện kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Người; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đi lên CNXH.
 
    Nước Việt Nam từ một xứ thuộc địa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu đã vươn lên trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từng bước hoàn thiện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng-an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Đúng như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.
 
    Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch của đất nước sau 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế là minh chứng sinh động khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; khẳng định sự đúng đắn về đường lối cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra. Và chính trong quá trình vận động của cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam vững bước đi tới tương lai.
    
    (1): Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của BCH TƯ Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr 5,6.
    (2): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.10, tr.241
    (3): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.480
    (4): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.12 tr.509
    (5): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.56
    (6): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.56,57
    (7): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.240
    (8): Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4 tr.161
 
Minh Duyên/TTXVN
.