Thứ Ba, 3/12/2024, 20:35 [GMT + 7]
.
.

Một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 nhằm phòng, chống tham nhũng

Thứ Bảy, 05/04/2014, 06:24 [GMT+7]
    Luật đất đai được Quốc hội khóa XIII,Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 29 -11- 2013. Luật đất đai năm 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương với 66 điều so với Luật đất đai năm 2003. So với Luật đất đai 2003, Luật đất đai năm 2013 có những điểm mới quan trọng đó là:
 
    1. Điều 4 Luật đất đai năm 2013 khẳng định lại: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Điều này phù hợp với quá trình chuyển đổi kinh tế của đất nước ta. Luật đất đai năm 2013 quy định cụ thể các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như: Bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số,
người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân. 
    2. Bổ sung những nội dung cơ bản trong việc điều tra, đánh giá về tài nguyên đất đai để phục vụ cho kinh tế, xã hội mà Luật đất đai năm 2003 chưa quy định cụ thể. 
    3. Quy định cụ thể từ nguyên tắc đến nội dung và mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo đó, người sử dụng đất có quyền tham gia đóng góp ý kiến của mình từ khi lập quy hoạch, đồng thời, quy định bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch.
    4. Quy định, rõ các đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và điều kiện để triển khai thực hiện các dự án đầu tư để Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Qua đó khắc phục một cách có hiệu quả việc giao đất, cho thuê đất một cách tràn lan mà không tính đến năng lực của các chủ đầu tư trong việc triển khai các dự án gây nên tình trạng sử dụng đất lãng phí, kém hiệu quả như trong thời gian vừa qua.
    5. Quy định cụ thể những trường hợp Nhà nước cần thu hồi đất, nhằm khắc phục, loại bỏ những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất, tạo nên các dư luận xấu trong xã hội.
    6. Quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm một cách công khai, minh bạch đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi; điều tiết một cách hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. 
    7. Quy định vấn đề về tài chính đất đai theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; về giá đất, khung giá đất do Chính phủ ban hành, định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá cho phù hợp. Căn cứ vào khung giá đất do Chính phủ ban hành, UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01-01 của năm đầu kỳ.
    8. Bồi thường và hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt là đất ở.     
    9. Bảo đảm quyền và lợi ích của những người sử dụng đất hợp pháp được cấp giấy chứng nhận và bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
    10. Nâng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp lên 50 năm; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với cơ chế thị trường.
    11. Bổ sung các quy định về hệ thống thông tin, hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá một cách công khai, minh bạch và bảo đảm dân chủ trong điều kiện đất đai thuộc sở hữu toàn dân.
 
    Để triển khai Luật đất đai năm 2013 một cách hiệu quả, cần bảo đảm các yêu cầu sau: 
    Yêu cầu thứ nhất là về nhận thức: Tất cả các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai và cán bộ, công chức có thẩm quyền cần có tư duy đúng, đầy đủ các chế định cơ bản trong Luật đất đai. Trong đó, chế định quan trọng, cốt lõi nhất xuyên suốt Luật đất đai, đó là Điều 4 Luật đất đai năm 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”. 
    Điều 4 gồm các mệnh đề sau: Mệnh đề thứ nhất: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Chủ sở hữu đất đai ở Việt Nam chính là toàn thể nhân dân Việt Nam. Nhân dân là người có đầy đủ ba quyền sở hữu: Quyền sử dụng, quyền chiếm hữu, quyền định đoạt, chỉ trong một số trường hợp do luật định nhân dân ủy quyền cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền định đoạt đất đai của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp lập quy hoạch, thu hồi quyền sử dụng đất hợp pháp cần phải hỏi ý kiến người có đất bị thu hồi và cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần giải trình về các vấn đề liên quan đến mảnh đất. 
    Trong khi Nhà nước ta chấp nhận phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhưng chỉ công nhận một chế độ sở hữu đất đai, đó là chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Ở đây đã có một độ vênh nhất định khi xác định quyền sở hữu tài sản của cá nhân và tổ chức sử dụng đất. Chính độ vênh này tạo ra kẽ hở để lợi dụng tham nhũng. Bởi vậy, nếu trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 không quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và không có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng từ phía người dân, từ các cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước cấp trên thì sẽ tạo điều kiện cho tham nhũng đất đai tồn tại và phát triển.
    Mặt khác, đối với người dân, họ cho rằng đất đai là của họ, do ông cha để lại, do có công khai phá, do mua bán, chuyển nhượng mà có. Còn cán bộ, công chức nhà nước thì thường cho mình có quyền lực đối với đất đai, vì mình đại diện cho chủ sở hữu. Trên thực tế, người đại diện chủ sở hữu thường có quyền hành lớn hơn so với người chủ sở hữu, ví dụ họ có quyền lập quy hoạch trên bất cứ mảnh đất nào, dù là đất ở ổn định, lâu đời của người chủ sở hữu, dù là có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, họ có quyền di dời chủ sở hữu toàn dân đến nơi ở khác để xây dựng một công trình nào đó. Hệ quả là: Quyền lực càng lớn, càng độc quyền trong đất đai thì tư duy tham và nhũng càng lớn, nếu như quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ.
    Mệnh đề thứ hai: Nhà nước thống nhất quản lý. Chương II của Luật đất đai năm 2013 (từ Điều 13 đến Điều 28) quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước về đất đai. Theo đó, Nhà nước thống nhất quản lý bằng nhiều công cụ, trong đó trước hết là bằng quy hoạch sử dụng đất. Quy hoạch là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… mà mục tiêu này do Nhà nước đề ra. Quy hoạch được duyệt chính là cơ sở để xác định xem mảnh đất cụ thể được sử dụng như thế nào, người sử dụng đất là ai, họ có quyền gì… Do vậy, nếu người làm quy hoạch nếu kém hiểu biết hoặc không có cái tâm thì tiền tỷ từ ngân sách nhà nước có thể đổ xuống sông, xuống biển, mà công trình lại không sử dụng được. Bài học từ những dự án trường học, chợ, công viên… bỏ hoang, hoặc sử dụng kém hiệu quả khắp nơi trong cả nước vẫn còn đó. Tham nhũng và lãng phí trong quy hoạch là vô cùng lớn.
    Mệnh đề thứ ba: Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai. Nhà nước trao quyền sử dụng đất bằng các quyết định hành chính như quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất, quyết định công nhận quyền sử dụng đất. Bản thân quyền sử dụng đất là một loại tài sản được quy định trong Bộ luật dân sự, nhưng tài sản này có hợp pháp hay không còn phải dựa vào một quyết định hành chính. Bởi vậy, sẽ tạo ra cơ chế xin - cho, mà đã “xin và cho” thì rất có thể xảy ra nhũng nhiễu và hối lộ. Cơ chế để có đất thì đa dạng như giao đất, thuê đất, đấu giá, đấu thầu, nhận chuyển nhượng… nhưng khi chấm dứt quan hệ pháp luật đất đai thì chủ yếu vẫn chỉ áp dụng một cơ chế Nhà nước quyết định thu hồi đất của người đang sử dụng để giao hoặc cho thuê trực tiếp cho nhà đầu tư đã được chỉ định, với giá đất để tính bồi thường và giá đất để nhà đầu tư phải trả cho Nhà nước đều do cơ quan có thẩm quyền giao đất quyết định. Chắc chắn rằng, cơ chế như vậy, nếu không được giám sát chặt chẽ, không công khai, minh bạch sẽ có nguy cơ tham nhũng. 
    Yêu cầu thứ hai là cơ chế thi hành luật, cơ chế hành vi: Lâu nay, thường chỉ tập trung vào việc tuyên truyền Luật một cách rầm rộ đến các cơ quan, tổ chức mà ít chú ý đến việc áp dụng Luật vào thực tiễn thông qua người sử dụng đất. Từ khâu ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến lập quy hoạch, thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi… người dân sử dụng đất thường ở thế thụ động, không được coi là một bên tham gia đầy đủ. Nếu như được hỏi ý kiến thì đó chỉ là người sử dụng đất là tổ chức, nhà đầu tư lớn. Trong trường hợp này người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình, nhà đầu tư nhỏ dễ bị lép vế, o ép làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đơn cử, khi Nhà nước quy hoạch một khoảng đất làm Trung tâm thương mại, công viên, vườn hoa, nhà xưởng,… vì lợi ích công cộng, phát triển kinh tế, thì Nhà nước vận động người có đất riêng lẻ hy sinh vì lợi ích cộng đồng. Thế nhưng, trong cơ chế thị trường liệu có sự hy sinh của người này cho người kia hưởng lợi? Liệu một người có nhà ở, có đất nông nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho cả gia đình có tự nguyện giao đất cho dự án làm công viên, nơi nghỉ mát, sân chơi... trong khi đó họ chưa đủ cơm ăn, áo mặc, chưa có việc làm. Mọi cơ chế để thi hành Luật cần phải
xuất phát từ cuộc sống, giải quyết vấn đề của cuộc sống đặt ra với mục tiêu bảo đảm sự công bằng, an sinh và nhân văn. 
    Để đẩy lùi và hạn chế tham nhũng đất đai ở mức thấp nhất, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến để mọi người hiểu và thi hành đúng các quy định của Luật đất đai mới, thì nhiệm vụ trước hết thuộc về cơ quan nhà nước phải rà soát tất cả các quy định có liên quan đến đất đai, như quy định về đầu tư công, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Luật xây dựng… đồng thời, tạo ra cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu từ phía các cơ quan của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, cũng phải nhận thức rõ rằng: Luật đất đai mới có thực sự bền vững hay không phải xuất phát từ sự bền vững của chính những người sử dụng đất. 
    Hiệu quả của quản trị nhà nước là cơ chế phòng ngừa tham nhũng và phòng ngừa các rủi ro, không phải ở chỗ phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm minh. Xử lý nghiêm chỉ là phần ngọn của cuộc đấu tranh PCTN. Hy vọng, những văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013, những văn bản pháp luật khác có liên quan tạo ra một cơ chế hữu hiệu để PCTN trong lĩnh vực đất đai có hiệu quả.
PGS, TS Trần Thị Cúc
(Học viện Hành chính Quốc gia)
;
.