Tư duy triết học trong phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 03/02/2014, 00:10 [GMT+7]

    Trong giai đoạn hiện nay, người làm công tác PCTN, đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần phải không ngừng nâng cao trình độ nhận thức lý luận cũng như thực tiễn, tăng cường nghiên cứu, vận dụng tư duy biện chứng, tư duy lịch sử của triết học Mác-Lênin để áp dụng vào việc phân tích, giải quyết công việc.
    1. Vận dụng tư duy quá trình để nhận định tình hình - kiên định, quyết tâm chống tham nhũng
    Tư duy quá trình là phương thức tư duy của chủ nghĩa duy vật lịch sử, sự vận động và phát triển của xã hội là một quá trình tuân theo quy luật nhất định. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta thoát ly hoặc bỏ qua một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó. Vận dụng tư duy quá trình để áp dụng vào công tác đấu tranh PCTN đòi hỏi chúng ta phải đặt PCTN trong bối cảnh lịch sử và hiện tại để khảo sát, nhận định và đánh giá. Mỗi cán bộ, công chức, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác PCTN cần phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc cuộc chiến chống tham nhũng là một quá trình lâu dài, phức tạp và vô cùng gian nan. Từ đó, tạo ra cho chúng ta một quyết tâm chính trị kiên định, thường xuyên, liên tục và một niềm tin về kết quả trong cuộc đấu tranh PCTN.

    Thứ nhất, giải quyết vấn đề tham nhũng là một quá trình mang tính lịch sử. Tham nhũng là một hiện tượng lịch sử xã hội, Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện thể chế, trong giai đoạn lịch sử đặc thù của chuyển đổi hình thái xã hội mà chúng ta thường gọi là giai đoạn quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, bước đầu thiết lập thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy, một vài cơ chế, thể chế vẫn chưa được hoàn thiện. Điểm lại những nhận định, đánh giá trong một số nghị quyết của Đảng về PCTN (từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương sáu (lần 2) - khóa VIII) đến nay thì quy mô, tính chất, mức độ tham nhũng, lãng phí không những chưa đạt được yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi, mà tình trạng tham nhũng, lãng phí ngày càng nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành; nếu không được hạn chế và từng bước loại bỏ sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ(1). Những tồn tại, yếu kém trên cho chúng ta thấy rằng trong giai đoạn hiện nay, quyết tâm chống tham nhũng không thể một sớm, một chiều giải quyết được, mà tất yếu là một quá trình lịch sử lâu dài.
    Nhìn nhận vấn đề tham nhũng hiện nay dưới góc độ lịch sử, một mặt chúng ta phải coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, giải quyết những vấn đề bức xúc nổi cộm, mặt khác, cũng cần phải xác định “tác chiến trường kỳ”, từng bước loại trừ tận gốc những mầm mống phát sinh tham nhũng, không ngừng đưa cuộc đấu tranh chống tham nhũng đi vào chiều sâu.

    Thứ hai, tham nhũng là vấn đề mà mọi quốc gia trên thế giới đều phải đối mặt. Trên thế giới, bất luận ở các quốc gia phát triển hay đang phát triển đều đang bị tham nhũng tác động ở các mức độ khác nhau, vì thế cuộc chiến chống tham nhũng đang hàng ngày, hàng giờ xảy ra mọi nơi, mọi lúc trên tất cả các quốc gia. Ở Việt Nam, tham nhũng được xác định là “quốc nạn” cản trở những nỗ lực đổi mới, nó tác động tiêu cực tới sự phát triển của đất nước, bóp méo các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Nghiêm trọng hơn, tham nhũng còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta(2).
    Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang có quyết tâm nhằm thiết lập bộ máy chính trị trong sạch, đấu tranh chống tham nhũng trong bối cảnh đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, trong điều kiện môi trường quốc tế đan xen phức tạp, các loại mâu thuẫn xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, điều đó đặt ra cho công tác PCTN nhiều thách thức mới. Nhìn nhận công tác PCTN dưới góc độ toàn cầu, chúng ta phải xuất phát từ điều kiện, tình hình trong nước, kiên trì thực hiện chủ trương, đường lối đúng đắn về PCTN mà Đảng đã đề ra; đồng thời, không ngừng tăng cường giao lưu, hợp tác quốc tế, tích cực tiếp thu có chọn lọc những thành quả, kinh nghiệm của nước ngoài, không ngừng mở rộng, nâng cao chất lượng trong công cuộc đấu tranh PCTN. Hơn nữa, chúng ta cũng phải ý thức sâu sắc sự vất vả, nhận thức được nguy cơ để tăng cường trách nhiệm, thiết thực giải quyết những vấn đề nổi cộm trước mắt; đồng thời, từng bước tiến tới giải quyết tận gốc vấn đề tham nhũng, lãng phí ở nước ta. Mặt khác, đòi hỏi chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác với các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tham nhũng với mưu đồ chính trị nhằm cố ý chia rẽ, phân hóa, bôi nhọ Đảng và Nhà nước ta.

    2. Vận dụng tư duy biện chứng để tìm ra con đường thúc đẩy công tác PCTN
    Tư duy biện chứng là sự vận dụng phương pháp tư duy của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhằm nhấn mạnh tính toàn diện, tính liên kết để nhận thức và giải quyết vấn đề. Nếu xác định công tác PCTN là công việc khó khăn, phức tạp, thì việc vận dụng tư duy biện chứng để thúc đẩy công tác PCTN cần phải kiên trì nguyên tắc cân bằng, hài hòa trong quá trình phát triển; không được hữu khuynh, quá xem nhẹ hay quá coi trọng bên nào, không ngừng tăng cường tính hệ thống, tính tổng thể trong công việc nói chung.
   

    Thứ nhất, nắm vững mối quan hệ giữa toàn cục và cục bộ. Công tác PCTN trở thành một bộ phận quan trọng cấu thành nên toàn cục trong sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội, do vậy, nhất định phải nắm chắc toàn cục, tuân theo toàn cục. Trên các mặt công tác, từng bước tăng cường ý thức đại cục, ý thức trách nhiệm và ý thức phục vụ, kiên trì đặt công tác PCTN trong đại cục, lợi ích quốc gia, khiến cho công tác PCTN góp phần vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Trước những thay đổi nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật, đòi hỏi cần phải nhạy bén trong công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, người làm công tác đấu tranh PCTN cần phải phát huy hơn nữa sự quan sát, suy nghĩ tìm tòi để đưa ra phương pháp đấu tranh hiệu quả với những vấn đề tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã bộc lộ hoặc có thể phát sinh trong quá trình cải cách phát triển; kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý, bảo đảm cho cải cách, phát triển được thực thi đúng hướng và hiệu quả. Xét trên bình diện hiệu quả, phát huy tác dụng công tác đấu tranh PCTN, lấy lợi ích cải cách, ổn định phát triển làm đại cục, là thước đo quan trọng để kiểm nghiệm hiệu quả, làm cho nhiệm vụ PCTN và phát triển kinh tế, ổn định xã hội tương trợ lẫn nhau, cùng phát triển.

    Thứ hai, nắm vững mối quan hệ giữa phòng và chống. Phòng và chống tham nhũng có mối quan hệ tương trợ lẫn nhau, là hai mặt của một vấn đề, không thể thiên vị bên nào. Trong tình hình hiện nay, phải hết sức nghiêm khắc với hiện tượng tham nhũng, cần duy trì nghiêm công tác chống tham nhũng, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, bất kể phát sinh ở đâu, thời gian nào, liên quan đến ai đều phải được điều tra, xử lý một cách triệt để, quyết không nhân nhượng, không chùn bước. Hệ thống pháp luật trước tiên là để cảnh báo giáo dục những người có chức, có quyền, sau đó là phải đủ sức răn đe để họ không dám tham nhũng. Mặt khác, cần chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, xây dựng các quy chế, chính sách tiền lương, quy định về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức...

    Thứ ba, xác định các vấn đề trọng điểm trong công tác PCTN. Tiến hành công tác đấu tranh PCTN cần phải suy nghĩ đến mâu thuẫn chủ yếu và thứ yếu; xác định được vấn đề chung, nhưng cũng phải nhận định được đâu là trọng điểm. Trong tình hình mới, nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN liên quan đến phạm vi rộng, nhất định cần phải xác định được trọng điểm. Ở nước ta, trước mắt cần phải nắm chắc nhiệm vụ theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XI, đặc biệt là một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được nêu trong Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-5-2012 tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)(3). Tập trung lực lượng nắm chắc, xác định được đâu là khâu mắt xích để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng điểm, lấy đó làm đòn bẩy để có tác dụng kéo theo nhiệm vụ toàn cục phát triển.

    Thứ tư, nắm vững mối quan hệ trước mắt và lâu dài. Công tác PCTN có tính giai đoạn, có những vấn đề nóng cần phải giải quyết cấp bách, tuy nhiên, cũng có những vấn đề mang tính cơ bản, trường kỳ. Nhìn chung, việc sắp xếp nhiệm vụ PCTN, nhất thiết phải coi trọng sự kết hợp giữa nhiệm vụ khẩn cấp trước mắt và mục tiêu lâu dài. Một mặt, tập trung vào hiện tại, đầu tư nguồn lực vào tính cấp thiết, tranh thủ giải quyết những vấn đề mới nổi, bức xúc trong nhân dân, mặt khác, cần phải quan sát, suy nghĩ dài hơi, tích cực lập kế hoạch khoa học, tăng cường tính chủ động trong việc dự báo về công tác PCTN.

    3. Vận dụng tư duy nắm chắc thực tiễn - cố gắng đạt được hiệu quả trong công tác PCTN
    Tư duy thực tiễn là quan điểm, phương thức tư duy triết học của chủ nghĩa Mác-Lênin, nhấn mạnh suy nghĩ và giải quyết vấn đề phải dựa vào bản chất của sự vật hiện tượng, vào phương thức quan sát và nhận thức thế giới trong hoạt động thực tiễn của con người. “Nắm chắc” nằm trong phạm trù chủ quan của quá trình hiện thực khách quan về sự chuyển hóa của sự vật hiện tượng, là quá trình nhận thức lý tính hướng tới hoạt động thực tiễn, là mắt xích quan trọng không thể thiếu trên mọi phương diện công tác. Vận dụng tư duy nắm chắc thực tiễn nhất thiết phải xác định thực tiễn là trung tâm, kiên trì tư tưởng tất cả đều xuất phát từ thực tế. Xuất phát từ nhận thức đó, khi xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách về PCTN một yêu cầu mang tính tiên quyết là phải phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, thực hiện sự thống nhất hữu cơ giữa “biết” và “hành”.

    Thứ nhất, nắm chắc sự kết hợp thực tế. Kiên trì hướng về thực tế, liên hệ mật thiết với thực tế, đó là phương pháp trọng yếu, tất yếu để nắm bắt thực tiễn. Quán triệt các chủ trương, chính sách, yêu cầu của Trung ương, đồng thời kiên trì sự thống nhất, đối lập giữa tính phổ biến và tính đặc thù. Nắm vững chủ trương, đường lối của Trung ương và thực tế, đặc điểm của địa phương, từ đó mới đề ra chính sách, biện pháp tổng thể, chi tiết về PCTN sát với cuộc sống thực tế, khiến cho việc thực hiện các nhiệm vụ tăng thêm tính sắc bén, phong phú và hiệu quả.

    Thứ hai, nắm chắc sự tuân theo quy luật. Trong thực tiễn nắm bắt quy luật, dùng quy luật chỉ đạo thực tiễn. Chống tham nhũng là một quá trình biến động “thực tiễn, nhận thức, lại thực tiễn, nhận thức lại”, chỉ có không ngừng nhận thức quy luật, nắm chắc quy luật, vận dụng quy luật, thì mới duy trì được sức sống, sức sáng tạo. Thực tiễn đòi hỏi người làm công tác PCTN luôn phải đi sâu, đi sát, lắng nghe quần chúng nhân dân, chú trọng tổng kết công tác, suy nghĩ phát hiện quy luật, hoàn thiện biện pháp, nâng cao trình độ nghiệp vụ, vận dụng nhuần nhuyễn quy luật, nâng cao năng lực công tác và hiệu quả công việc. Kiên trì bám sát mục tiêu, không buông xuôi khi chưa đạt mục đích, đó chính là dũng khí chính trị của người làm công tác PCTN. Thực tiễn cho chúng ta thấy rằng, trong quá trình nắm bắt thực tiễn có thể sẽ gặp nhiều những mâu thuẫn, những vấn đề cần phải trao đổi, thảo luận, phải trải qua những quanh co, khúc khuỷu, phức tạp. Do vậy, công tác PCTN ngoài phương pháp khoa học, chúng ta cần phải có thái độ khoa học, đặc biệt là trong tình hình hiện nay, nạn tham nhũng, lãng phí ngày càng phức tạp, tinh vi cả về quy mô và mức độ, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành thì đòi hỏi người làm công tác PCTN cần có tinh thần khách quan, bền gan vững chí, dũng cảm đối mặt với những khó khăn, thách thức, không nên vì sợ trách nhiệm mà viện lý do để lẩn tránh, càng không được tính toán, so đo giữa cái được và cái mất mà đưa ra điều kiện này nọ.
    Với tính ưu việt của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đòi hỏi dân tộc ta phải loại bỏ được nạn tham nhũng để tạo ra một thể chế vững chắc. Muốn bảo vệ và phát huy những thành quả gần 30 năm đổi mới, đòi hỏi chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc PCTN nhằm tạo nên nền tảng cơ sở vật chất cần thiết, môi trường văn hóa lành mạnh và để bảo vệ pháp chế. Từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã không ngừng tìm tòi, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phương pháp đấu tranh PCTN. Các kinh nghiệm, phương pháp đó chính là khởi điểm lịch sử, ưu thế để triển khai cuộc chiến PCTN hiện nay. Với nhận thức như vậy, việc nghiên cứu, vận dụng tư tưởng triết học Mác-Lênin trong PCTN là một yêu cầu mang tính khoa học, khách quan, góp phần bổ sung về mặt phương pháp luận, phù hợp với tuyên ngôn chính trị của Đảng là “Lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.

(1) Xem thêm Nghị quyết Trung ương sáu lần 2 (khóa VIII); Nghị quyết Trung ương ba (khóa X); Nghị quyết Trung ương bốn (khóa XI); Kết luận 21-KL/TW ngày 25-5-2012 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).
(2) TS. Nguyễn Quốc Sửu, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, ngày 19-8-2013.
http://www.nclp.org.vn/nhanuocvaphapluat/nguyen-nhan-tham-nhung-o-nuoc-ta.
(3) Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-12-2012 đã đưa ra 6 nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: (1) Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, lãng phí; (2) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN, lãng phí; (3) Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN, lãng phí; (4) Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí; (5) Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong PCTN, lãng phí; (6) Đổi mới, nâng cao năng lực của các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác PCTN.

TS. Đỗ Văn Nhật
(Ban Nội chính Trung ương)

;
.