Có nên mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên hay không?

Thứ Hai, 24/03/2014, 10:54 [GMT+7]

(BNCTW) - Theo Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực, nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao cho Phòng công chứng. Tuy nhiên, từ khi Luật Công chứng 2006 có hiệu lực đến nay, cùng với Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì các tổ chức hành nghề công chứng không thực hiện việc chứng thực chữ ký người dịch nữa mà nhiệm vụ này thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Tư pháp).

Qua 6 năm thực hiện việc giao thẩm quyền chứng thực chữ ký của người dịch cho Phòng Tư pháp cấp huyện, kết quả cho thấy, tổng số chứng thực bản dịch là 3.092.369 bản trong phạm vi cả nước. Việc chứng thực chữ ký người dịch đã phát sinh nhiều bất cập như:

Một là, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu chứng thực bản dịch của người dân, doanh nghiệp. Do thủ tục chứng thực là một thủ tục hành chính nên người dân có yêu cầu chứng thực phải nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tiếp tại bộ phận "một cửa" của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, có nhiều nơi UBND cấp huyện không thể bố trí cán bộ Phòng Tư pháp trực tại bộ phận "một cửa" nên tài liệu, giấy tờ cần dịch dù được bộ phận này tiếp nhận nhưng sau đó lại bị trả lại do người có thẩm quyền chứng thực từ chối chứng thực.

Hai là, một bộ phận Phòng Tư pháp chưa thiết lập được đội ngũ cộng tác viên dịch thuật chuyên nghiệp cũng như cơ chế ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa người dịch và người chứng thực chữ ký người dịch dẫn đến chất lượng bản dịch còn chưa được kiểm soát, việc dịch sai, dịch không chính xác, không đầy đủ nội dung bản dịch cũng đã xảy ra rủi ro, thiệt hại cho khách hàng.

Nguyên nhân chính là Phòng Tư pháp chưa nhận thức hết trách nhiệm và vai trò của mình trong việc thiết lập và kiểm soát trình độ đội ngũ cộng tác viên dịch thuật dẫn đến chất lượng bản dịch còn nhiều hạn chế. Do vậy, khi xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị nên giao lại cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ-CP để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không tán thành giao cho công chứng viên thực hiện các công việc mang tính chất chứng thực vì hoạt động công chứng ở nước ta đang được phát triển theo hướng công chứng về nội dung theo hệ thống công chứng Latinh phân biệt với các hoạt động chứng thực chỉ là xác nhận về mặt hình thức, đồng thời trùng lắp với nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước.

Có thể thấy, trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động công chứng như hiện nay, khi mạng lưới các tổ chức hành nghề công chứng đang phát triển rộng khắp, gắn với địa bàn dân cư phân bổ đồng đều thì cần thiết phải quy định công chứng viên được công chứng bản dịch giấy tờ. Quy định này phù hợp với cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc công chứng, chứng thực bản dịch giấy tờ; đồng thời, giảm bớt áp lực công việc cho các cơ quan hành chính, tạo điều kiện cho các Phòng Tư pháp cấp huyện tập trung vào chức năng, nhiệm vụ chính là tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quản lý công tác tư pháp ở cơ sở. Mặt khác, cùng với những quy định mới trong dự thảo Luật như: việc dịch giấy tờ để công chứng phải do người dịch được cấp phép hành nghề dịch thuật thực hiện; người dịch phải ký và chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung bản dịch so với giấy tờ được dịch; công chứng viên chứng nhận chữ ký người dịch và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung được dịch, tư cách pháp lý của người dịch... thì việc công chứng viên công chứng bản dịch giấy tờ cũng sẽ đảm bảo chất lượng bản dịch giấy tờ hơn so với việc các Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực chữ ký người dịch.

Nguyễn Phương Thảo

;
.