Kết quả công tác thi hành án hình sự 2013
1. Kết quả công tác thi hành án hình sự năm 2013
Về thi hành án phạt tù
Đến 31-7-2013, số lượng người bị kết án hình phạt tù do Bộ Công an đảm nhiệm là 155.467 người, tăng 11.288 người (7,83%) so với cùng kỳ năm 2012; Bộ Quốc phòng quản lý là 551 phạm nhân.
Về tổ chức đưa người bị kết án tù đi chấp hành án, công an các địa phương đã nhận được 65.422 quyết định thi hành án phạt tù do tòa án các cấp chuyển đến; đã làm thủ tục, tổ chức đưa 55.261 người đi chấp hành hình phạt; còn lại 10.161 người đang chờ hoàn tất thủ tục để đưa đi chấp hành án.
Về thực hiện chế độ tạm giữ, năm 2013, các trại giam chỉ để trốn thoát 01 phạm nhân, 134 phạm tội mới phải truy tố; số phạm nhân đánh nhau chết còn 01 vụ (giảm 02 vụ so với cùng kỳ năm 2012); không để xảy ra các vụ gây rối với sự tham gia của nhiều phạm nhân như một số năm trước đây, chỉ có 03 vụ phạm nhân gây rối trật tự nhưng đã kịp thời phát hiện ngăn chặn 02 vụ.
Về công tác tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, đã có 44/49 trại giam thành lập Trung tâm dạy nghề và các trại giam đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức lao động và đào tạo dạy nghề, truyền nghề cho 18.424 lượt phạm nhân.
Phạm nhân tại Trại giam Kim Sơn (Bình Định) được tư vấn hướng nghiệp |
Về công tác hòa nhập cộng đồng, tổng kiểm tra khảo sát người chấp hành xong án phạt tù 10 năm (2002 - 2012) trên phạm vi toàn quốc cho thấy, trong tổng số 424.878 người chấp hành xong án phạt tù có 14,21% không về địa phương cư trú, không rõ đi đâu; có 25,64% vi phạm pháp luật, 3,02% số người đặc xá tái phạm. Số người chấp hành xong án phạt tù có việc làm là 226.434 người (82,26%); số người chưa có việc làm là 48.840 người (17,74%).
Về thực hiện chế độ chính sách đối với phạm nhân, các trại giam đều thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về ăn, mặc cho phạm nhân; các chế độ thăm gặp, nhận quà, gửi thư… Công tác phòng, chữa bệnh cho phạm nhân được đặc biệt quan tâm; có 190.899 lượt phạm nhân được khám bệnh, phát thuốc và gần 6.000 lượt phạm nhân được điều trị tại bệnh xá trại giam và bệnh viện. Vẫn còn 802 phạm nhân chết và 18 phạm nhân tự tử (giảm 01 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012).
Về thực hiện miễn, giảm, tạm đình chỉ thời hạn chấp hành án phạt tù, đã đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 42.815 phạm nhaan cải tạo tiến bộ; làm thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho 432 phạm nhân; làm thủ tục trả tự do cho 40.964 phạm nhân chấp hành xong án phạt tù.
Về thực hiện các quy định của pháp luật về đưa phạm nhân phục vụ việc tạm giam, tạm giữ tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ, đã tiến hành thanh tra và lập danh sách điều chuyển 241 phạm nhân đến chấp hành án tại các trại giam; đến nay, không còn trại tạm giam, nhà tạm giữ phạm nhân vượt số lượng và mức án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.
Về công tác xét đặc xá, Hội đồng tư vấn đặc xá đã trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá đợt 02-9-2013 cho 15.447 phạm nhân đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và 78 trường hợp đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Về thi hành án tử hình
Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng nhà thi hành án tử hình và lắp đặt xong các trang thiết bị, dụng cụ tại 05 địa phương (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Sơn La, Nghệ An, Đắk Lắk). Đã thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với 01 bị án. Bộ Quốc phòng đã quy hoạch quỹ đất xây dựng, khảo sát, thiết kế 03 nhà thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc trong quân đội ở 03 khu vực, nhưng đến nay chưa triển khai xây dựng.
Về thi hành án treo, cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Bộ Công an đang quản lý, theo dõi 49.490 người thi hành án treo, 4.093 người cải tạo không giam giữ, 254 người bị phạt quản chế; 33 người bị phạt cấm cư trú; 03 người bị tước một số quyền công dân và 65 người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Riêng Bộ Quốc phòng đang quản lý theo dõi 58 người thi hành án treo, 58 người cải tạo không giam giữ và 04 người bị cấm hành nghề.
Về thi hành án trục xuất
Đã thi hành án phạt trục xuất đối với 09 trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam, hiện còn 03 trường hợp chưa trục xuất được vì chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường dân sự.
Về thi hành các biện pháp tư pháp
Hiện có 107 người đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh; 08 trường hợp đang chấp hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng và 17 trường hợp đang thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.
Về một số công tác khác
Có 60 phân trại đã được xây dựng cơ bản; 31 phân trại đang trong quá trình đầu tư; còn 65 phân trại chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo, nên các trại giam đều thiếu cơ sở giam giữ. Có 63/63 Công an các tỉnh, thành phố thành lập Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và bổ trợ tư pháp; Công an cấp huyện đã thành lập Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp để triển khai các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự. Đã bố trí 37.473 cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp trên toàn quốc.
Hầu hết cán bộ, chiến sỹ lực lượng Cảnh sát thi hành án hình sự đã cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp vi phạm quy định về chế độ quản lý và chính sách đối với phạm nhân, đã có 106 trường hợp bị xử lý kỷ luật.
Nhìn chung, công tác thi hành án hình sự đã bảo đảm thực hiện nghiêm túc. Các cơ sở giam giữ được bảo đảm tuyệt đối an toàn, số phạm nhân trốn thấp nhất từ trước đến nay. Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị kết án tù, tử hình được nghiêm minh, công tác giáo dục, cải tạo đã có những cải cách tích cực và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác thi hành án hình sự năm 2013 theo Nghị quyết 37/2012/QH12 của Quốc hội. Tổ chức cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện cơ bản đã được kiện toàn, công tác quản lý, theo dõi những người chấp hành xong án phạt tù, những người được đặc xá trở về địa phương cũng được Công an các địa phương chú trọng. Việc thi hành hình phạt tử hình bằng tiêm thuốc độc đã bước đầu được triển khai, bảo đảm an toàn.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án hình sự còn một số tồn tại, hạn chế:
- Số người bị kết án phạt tù tăng nhanh, tính chất tội phạm nguy hiểm, diễn biến phức tạp hơn đã tạo áp lực rất lớn cho công tác giam giữ, giáo dục phạm nhân và ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, biên chế cán bộ các trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong giai đoạn hiện nay.
- Số người bị kết án phạt tù mà bản án đã có hiệu lực pháp luật còn ở các Trại tạm giam, Nhà tạm giữ để chờ hoàn tất thủ tục đưa đi chấp hành án rất lớn. Vẫn còn 6.325 người bị Tòa án xử phạt tù còn ở ngoài xã hội. Số phạm nhân phạm tội mới trong thời gian chấp hành án phạt tù còn cao. Số phạm nhân tự sát, chết do đánh nhau hoặc do công tác quản lý còn sơ hở vẫn còn khá nhiều.
- Công tác tổ chức giam giữ người bị kết án tử hình còn dàn trải ở 63 tỉnh, thành phố nên phân tán về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, biên chế cán bộ, chưa áp dụng thống nhất các chế độ theo hướng cải thiện các điều kiện cho người bị kết án tử hình trong giai đoạn chờ thi hành án.
- Chất lượng công tác giáo dục, dạy nghề cho phạm nhân vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là xây dựng các chương trình, nội dung giáo dục, dạy nghề phù hợp với từng loại phạm nhân. Hiện nay, việc tổ chức giao dục, dạy nghề cho phạm nhân chủ yếu là các trại giam thực hiện, ngân sách đầu tư cho công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân còn hạn chế.
- Công tác thi hành án tại xã, phường, thị trấn, công tác tái hòa nhập cộng đồng tại một số địa phương chưa thật sự được quan tâm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan công an và chính quyền cơ sở ở nhiều địa phương trong việc theo dõi, quản lý các đối tượng tại ngoại, hoãn chấp hành án phạt tù thiếu chặt chẽ, kịp thời, sơ hở dẫn đến đối tượng trốn thi hành án hình sự còn nhiều.
- Cơ sở vật chất, phương tiện, kinh phí tuy chưa bảo đảm, còn thiếu cơ sở giam giữ. Nhiều công trình, phương tiện phục vụ giam giữ, giáo dục – dạy nghề chưa được đầu tư xây dựng cơ bản và bảo đảm an toàn trại.
- Lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ thi hành án và hỗ trợ tư pháp còn thiếu, trình độ nghiệp vụ, pháp luật của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chưa có chế độ, chính sách đặc thù cho cán bộ cấp xã làm công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
- Giảm số tội danh áp dụng khung hình phạt tử hình để thực hiện rõ chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta. Cải tiến công tác giam giữ người bị kết án tử hình theo hướng tập trung giam giữ vào 02 trại giam (Bắc - Nam) nhằm khắc phục tình hình giam giữ phân tán và có điều kiện để tập trung xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện các điều kiện giam giữ người bị kết án tử hình; giảm biên chế cán bộ làm nhiệm vụ quản lý và thi hành án tử hình ở các địa phương, đồng thời, giảm cơ bản việc xây dựng các nhà thi hành án tử hình ở các địa phương, bảo đảm thiết thực, tiết kiệm, chống lãng phí.
- Thu hẹp diện đối tượng đặc xá và áp dụng chế định tạm tha có điều kiện đối với những phạm nhân đã cải tạo tiến bộ, có nhân thân tốt, ít có khả năng tái phạm, xét thấy không cần thiết phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù tại trại tạm giam.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết thời hiệu thi hành án hình sự và quyết định xóa án tích. Theo đó, giao cho cơ quan thi hành án hình sự đề nghị với Tòa án nơi người bị kết án đủ điều kiện được hưởng thời hiệu, người chấp hành xong hình phạt đủ điều kiện xóa án tích cư trú ra quyết định, tạo thuận lợi cho người được hưởng thời hiệu thi hành án hình sự, xóa án tích được thuận tiện và nhanh chóng.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về xuất, nhập cảnh đối với người nước ngoài có hình phạt trục xuất bị phạt bổ sung tiền hoặc thực hiện nghĩa vụ dân sự mà không có điều kiện thực hiện để tháo gỡ khó khăn trong công tác thi hành án trục xuất hiện nay.
- Bảo đảm đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ làm công tác thi hành án hình sự, nhất là ở cơ sở.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)