Một số vướng mắc trong hoạt động tiếp công dân

Chủ Nhật, 15/09/2013, 15:40 [GMT+7]

Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua hoạt động tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về tiếp công dân. Công tác tiếp công dân đã thu được những kết quả nhất định: Theo Báo cáo tổng kết việc thực hiện công tác tiếp công dân của Thanh tra Chính phủ ngày 15-11-2012, từ năm 2008-2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 1.571.505 lượt người đến khiếu nại, tố cáo với 830.855 vụ việc; trong đó có 13.876 đoàn đông người với 161.123 người, 8.824 vụ việc; đã tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 257.419 đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.

Cán bộ VKSNDTP Hải Phòng tiếp công dân
Cán bộ VKSNDTP Hải Phòng tiếp công dân

Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số cơ quan chuyên môn; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều nơi đã thành lập Trụ sở, ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân, bố trí công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, đầu tư cơ sở, trang thiết bị cho Trụ sở, công tác tiếp công dân đã dần dần đi vào nề nếp. Một số địa phương đã chủ động, sớm tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân ở các cấp, các ngành.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song thực tiễn công tác tiếp công dân trong thời gian qua cho thấy tồn tại một số vướng mắc, bất cập: Quy định về tên gọi, mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động của Tổ chức tiếp công dân từ Trung ương đến địa phương còn thiếu thống nhất. Nhiệm vụ, quyền hạn của người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, người làm công tác tiếp công dân chưa được quy định đầy đủ và rõ ràng. Phạm vi trách nhiệm, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức thường trực tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng, của Trụ sở tiếp công dân các cấp chưa rõ ràng. Mối quan hệ giữa Trụ sở tiếp công dân ở Trung ương với cơ quan thường trực tiếp dân ở địa phương và mối quan hệ giữa Trụ sở tiếp công dân với cơ quan thanh tra, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chưa đầy đủ. Tiêu chuẩn, chế độ chính sách đối với người tiếp công dân; trình tự, thủ tục tiếp công dân, công tác quản lý về tiếp công dân… chưa được quy định đầy đủ và cụ thể. Việc tiếp công dân còn hình thức, chưa hiệu quả, có tình trạng khoán trắng cho công chức tiếp công dân hoặc cơ quan chức năng; có nơi còn biểu hiện thiếu tinh thần trách nhiệm, thái độ không đúng mực đối với người dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tình trạng né tránh trách nhiệm, hướng dẫn công dân không đúng quy định vẫn còn xảy ra. Chế độ thông tin về tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân, cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được đầy đủ, kịp thời; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu  nại, tố cáo và tiếp công dân chưa được quan tâm đúng mức.

Những tồn tại trên xuất phát từ một số nguyên nhân sau:

Một là, nhận thức của một số lãnh đạo bộ, ngành, địa phương chưa đúng mức, chưa thực sự coi công tác tiếp dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần ổn định chính trị, xã hội, phát huy quyền dân chủ của công dân.

Hai là, các quy định pháp luật về tiếp công dân chưa được ban hành đầy đủ, chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, chưa tương xứng với tính chất, yêu cầu của công tác tiếp công dân. Chưa phân định rõ việc tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo với kiến nghị, phản ánh; chưa quy định rõ việc tiếp công dân của người đứng đầu với việc tiếp công dân của công chức, giữa việc tiếp công dân thường xuyên với việc tiếp công dân theo yêu cầu khẩn thiết đối với vụ việc phức tạp, có nhiều người tham gia…

Ba là, do công tác tiếp công dân là hoạt động phức tạp, đòi hỏi vừa linh hoạt, mềm dẻo vừa đúng nguyên tắc, đúng quy định pháp luật; trong khi năng lực, trình độ và kỹ năng của một bộ phận cán bộ tiếp công dân còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Mặt khác, nhiều vấn đề do lịch sử để lại hoặc chính sách, pháp luật về các lĩnh vực nhạy cảm như nhà ở, đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng… còn nhiều bất cập nên việc giải thích, trả lời cho công dân gặp nhiều vướng mắc.

Bốn là, việc tiếp công dân chưa gắn với việc xem xét, giải quyết vụ việc của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước. Việc tiếp công dân của các Trụ sở chưa gắn với việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, giải quyết của các cấp, các ngành; vì vậy, hiệu quả công tác tiếp công dân chưa cao.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên; nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, cần nghiên cứu, xây dựng Luật tiếp công dân đáp ứng được những yêu cầu sau:

Thứ nhất, Luật tiếp công dân phải góp phần giải quyết những bất cập đang đặt ra trong thực tiễn; làm rõ mục đích của công tác tiếp công dân; xây dựng cơ chế hữu hiệu, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một cách đầy đủ, công khai và minh bạch.

Thứ hai, xác định rõ tổ chức, nhiệm vụ của Trụ sở tiếp công dân; nhiệm vụ, quyền hạn người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, người tiếp công dân; mối quan hệ giữa các Trụ sở tiếp công dân, giữa Trụ sở tiếp công dân với các cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định rõ hoạt động tiếp công dân, quản lý về công tác tiếp công dân.

Thứ ba, hoạt động tiếp công dân không thể tách rời quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trên thực tế, nhiều trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đại diện các cơ quan, đơn vị hữu quan khi tiếp công dân cũng đồng thời trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân; do đó, cần gắn trách nhiệm tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cũng như các cá nhân có thẩm quyền khác. Đây cũng là một trong những phương thức hữu hiệu để tăng cường trách nhiệm giải trình của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị với công dân; là cách thức để công dân đánh giá được năng lực, phẩm chất, uy tín của người đứng đầu.

Thứ tư, cần quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân. Theo đó, Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện cần thiết về kinh phí, trụ sở, tổ chức bộ máy, biên chế và có chế độ chính sách đối với cán bộ tiếp công dân để thực hiện có hiệu quả hoạt động tiếp công dân; đồng thời, cần quy định nghĩa vụ và các chế tài xử lý đối với cán bộ, công chức khi tiếp công dân, như: không tôn trọng công dân đến khiếu nại, tố cáo; không hướng dẫn, giải thích cho công dân về những nội dung khiếu nại, tố cáo; không theo dõi, ghi chép, phân loại và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo… Quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc kịp thời công bố công khai, minh bạch các thông tin có liên quan đến phạm vi hoạt động của mình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.