Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

Thứ Bảy, 14/09/2013, 08:27 [GMT+7]

Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đặt ra yêu cầu “hướng dẫn để sớm thực hiện quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn”. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Đến nay, về cơ bản Quốc hội và HĐND đã tiến hành xong việc lấy phiếu tín nhiệm. Cụ thể như sau:

1. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn cho thấy, không có người nào có tỷ lệ phiếu "tín nhiệm thấp" trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội. Số người có tỷ lệ phiếu "tín nhiệm cao" đạt từ 50% trở lên có 18 đồng chí, (chiếm 38,3% tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm). Số người có tỷ lệ phiếu cộng cả 2 mức "tín nhiệm cao" và "tín nhiệm" đạt trên 50% có 29 đồng chí (chiếm 61,7%); số người có tỷ lệ phiếu "tín nhiệm thấp" từ 10% trở lên có 16 đồng chí (chiếm 34,0%).

Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm
Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm

Đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu cho thấy: Ở cấp tỉnh đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 907 người. Trong đó, có 689 người có tỷ lệ số phiếu "tín nhiệm cao" đạt từ 50% trở lên (chiếm 76%); 39 người có tỷ lệ phiếu "tín nhiệm" đạt trên 50% tổng số đại biểu (chiếm 4,3%); 02 người tỷ lệ phiếu "tín nhiệm thấp" trên 50% tổng số đại biểu (chiếm 0,3%). Có 8 tỉnh 100% người được lấy phiếu tín nhiệm có tỷ lệ phiếu "tín nhiệm cao đạt trên 50% (Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Bình, Tuyên Quang).

Ở cấp huyện có 6.141 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 58/63 tỉnh. Trong đó, có 4.514 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm cao" (chiếm 73,5%); 496 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm" (chiếm 8,1%); 12 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" (chiếm 0,2%).

Ở cấp xã, có 52.946 người được lấy phiếu tín nhiệm ở 55/63 tỉnh. Trong đó, 33.174 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm cao" (chiếm 62,7%); 6.964 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm" (chiếm 13,2%); 396 người có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" (chiếm 0,8%).

Theo đánh giá của Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả phiếu tín nhiệm nêu trên phản ánh khá sát mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm; phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước hai năm qua; phản ánh thực trạng năng lực thực tiễn, sự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Qua đó, giúp cho người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình, có phương hướng khắc phục những khuyết điểm, thiếu sót, tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp trong thời gian tiếp theo.

2. Một số vướng mắc, khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong đợt lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn lần này cũng có những hạn chế nhất định, đó là:

Thứ nhất, văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn một số điểm chưa thật rõ ràng, chưa lường hết được các tình huống xuất hiện trong thực tiễn (như việc tính mốc thời gian để làm báo cáo; người đã bị khởi tố, điều tra hoặc đang bị tạm đình chỉ công tác; người giữ chức vụ mới được HĐND bầu hoặc người giữ nhiều chức vụ do HĐND bầu…)

Thứ hai, vẫn còn có một số địa phương do nghiên cứu chưa kỹ các văn bản, công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm còn lúng túng, phải thay đổi thời gian họp HĐND, cá biệt còn có tỉnh phải tổ chức kỳ họp HĐND bất thường sau kỳ họp thường lệ giữa năm để thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm. Có một số vấn đề đã được quy định rất rõ ràng, nhưng một số địa phương vẫn chưa chủ động nghiên cứu để vận dụng và hướng dẫn cấp dưới kịp thời, làm cho HĐND cấp huyện, cấp xã gặp lúng túng, phải lùi thời gian tổ chức thực hiện công tác này.

Thứ ba, việc quy định lấy phiếu tín nhiệm thành 3 mức (tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp) là chưa phù hợp với yêu cầu của việc lấy tín nhiệm; chưa thể hiện được rõ mức độ tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Thứ tư, quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm chưa phù hợp về lý luận và thực tiễn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các đại biểu do dân cử mà không lấy phiếu tín nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp là chưa phù hợp với thực tiễn. Trong khi các chức danh do HĐND bầu đều là những người đã được dân bầu trực tiếp (tức là đã được tín nhiệm), làm việc theo chế độ tập thể, ra Nghị quyết nhưng không trực tiếp quyết định đến các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ như cơ quan hành pháp; nhưng chính những người này lại được lấy phiếu tín nhiệm bởi thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp.

3. Một số đề xuất, kiến nghị

Tại Phiên họp 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XIII cho ý kiến về báo cáo kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND các cấp, một số ý kiến cho rằng, để hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm có ý nghĩa thực tiễn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐND, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, đề xuất một số nội dung như sau:

Một là, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và HĐND cần tiến hành đồng bộ, theo quy định pháp luật; đảm bảo sự ổn định, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.

Hai là, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND trong việc xem xét, đánh giá, ghi phiếu tín nhiệm đảm bảo công tâm, khách quan, thận trọng. Coi trọng và phát huy mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch.

Ba là, đề nghị sửa Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, không lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh dân cử; mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm đến thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp. Quy định mức độ đánh giá tín nhiệm theo 2 mức: "tín nhiệm" và "tín nhiệm thấp" để thể hiện rõ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đáp ứng được mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm; đồng thời, nghiên cứu quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện 2 năm một lần để tránh trường hợp tác động đến tư tưởng của người được lấy phiếu, tạo động lực cho họ ra những quyết sách quan trọng và chịu trách nhiệm về những quyết sách đó.

Nguyễn Phương Thảo

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.