Thứ Bẩy, 23/11/2024, 21:11 [GMT + 7]
.
.

Tìm hiểu về đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam hiện nay

Thứ Bảy, 18/05/2013, 03:18 [GMT+7]

Ngân hàng là công cụ quan trọng nhất giúp Chính phủ điều hành nền kinh tế, là kênh huy động vốn lớn nhất cho các dự án, là trung tâm thanh toán và thực thi chính sách tiền tệ, nơi tập trung khối lượng lớn tiền, ngoại tệ, các giấy tờ có giá và các tài sản quý vàng, bạc... Do đó, các loại tội phạm luôn xác định đây là mục tiêu để thực hiện các hoạt động phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các loại tội phạm coi ngân hàng là mục tiêu để thực hiện các hoạt động phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản
Các loại tội phạm coi ngân hàng là mục tiêu để thực hiện các hoạt động phạm tội nhằm chiếm đoạt tài sản

Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi và đang ở giai đoạn đầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, hoạt động ngân hàng đang bị chi phối rất lớn của các yếu tố bên ngoài. Điều này khiến hoạt động ngân hàng đang trở nên ngày càng phức tạp và rất dễ bị tác động theo chiều hướng tiêu cực nếu thiếu sự quản lý thận trọng và các chính sách chậm được đổi mới. Khi các điều kiện cần thiết cho hoạt động ngân hàng không vững chắc, hoạt động của hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng mất ổn định, có thể dẫn tới đổ vỡ mang tính hệ thống, đe doạ nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Một trong những biểu hiện dấu hiệu rõ ràng nhất cho lập luận trên đây là tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua gia tăng mạnh mẽ với nhiều hình thức vi phạm và phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp.

Pháp luật hình sự nước ta quy định: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, phải chịu hình phạt và được quy định trong Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Học viện Tư pháp, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội 2011).

Về thuật ngữ lĩnh vực ngân hàng, Đại từ điển tiếng Việt định nghĩa lĩnh vực là phạm vi hoạt động hay xem xét nào đó, phân biệt với các phạm vi hoạt động hoặc xem xét khác (Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý (Chủ biên), NXb Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh, năm 2008, trang 933). Điều 4, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 định nghĩa “ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật này. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã”. Như vậy có thể hiểu lĩnh vực ngân hàng gồm sự tồn tại của chính hệ thống ngân hàng (Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách xã hội) và các hoạt động kinh doanh tiền tệ, dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng số tiền này để cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, lĩnh vực ngân hàng là khái niệm tương đối có nội hàm chỉ sự tồn tại của các ngân hàng và hoạt động của các ngân hàng đó theo quy định của pháp luật.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Đến đây có thể hiểu tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến các quan hệ xã hội trong lĩnh vực ngân hàng được pháp luật bảo vệ, quy định trong bộ luật hình sự hiện hành của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) chưa có một chương riêng quy định về các tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Trên thực tế cũng không thể quy định riêng các tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thành một chương trong Bộ luật Hình sự được.

Qua nghiên cứu các vụ án xảy ra trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua cho thấy các hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) chủ yếu ở các chương:

- Chương XIV, các tội xâm phạm sở hữu;

- Chương XVI, các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế;

- Chương XX, các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính;

- Chương XXI, các tội phạm về chức vụ (gồm mục A, các tội phạm về tham nhũng; mục B, các tội phạm khác về chức vụ).

Bộ luật hình sự Việt Nam được sửa đổi, bổ sung năm 2009
Bộ luật hình sự Việt Nam được sửa đổi, bổ sung năm 2009

Đặc điểm tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng

(1) Các hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng đa dạng, cấu thành nhiều tội phạm cụ thể khác nhau được quy định trong Bộ luật hình sự của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điển hình là các nhóm hành vi sau đây:

- Các tội phạm về tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra phổ biến trong thời gian qua, gây tác hại nghiêm trọng đến hoạt động của ngân hàng.

Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 (khoản 2, Điều 1) ghi rõ: "Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi” (Điều 1 Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005). Các hành vi tham nhũng theo Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 của Việt Nam bao gồm:

1. Tham ô tài sản.

2. Nhận hối lộ.

3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.

8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.

10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi, cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Những hành vi tham nhũng bị coi là tội phạm khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm tham nhũng được quy định tại Mục A, chương XXI, Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999. Cụ thể là:

Khách thể của tội phạm: Xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, của tổ chức chính trị, xã hội hay của đơn vị kinh tế, tài chính… Các tội phạm về tham nhũng xâm phạm quan hệ sở sữu của Nhà nước, của các tổ chức, một số tội phạm còn xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Chủ thể của tội phạm tham nhũng là người có chức vụ, quyền hạn nhất định. Người có chức vụ ở đây có thể là người do bổ nhiệm, do dân cử hoặc là do hợp đồng hoặc một hình thức khác có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ đó. Những người khác có thể là chủ thể của tội phạm tham nhũng trong trường hợp đồng phạm.

Mặt chủ quan của tội phạm tham nhũng: Lỗi cố ý trực tiếp, động cơ vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm tham nhũng.

Lỗi cố ý trực tiếp, động cơ vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm tham nhũng
Lỗi cố ý trực tiếp, động cơ vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành của tội phạm tham nhũng

Mặt khác khách quan của tội phạm tham nhũng: Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 quy định 07 tội phạm tham nhũng gồm: Tội tham ô tài sản (Điều 278); Tội nhận hối lộ (Điều 279); Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281); Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282); Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 2830); Tội giả mạo trong công tác (Điều 284).

Thực tiễn đấu trong phòng, chống tội phạm thời gian qua cho thấy tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng đã xảy ra với hầu hết các loại hành vi cấu thành các tội phạm trên.

- Tội phạm rửa tiền qua hệ thống ngân hàng. Chủ thể thực hiện tội phạm này chủ yếu là các đối tượng người nước ngoài sử dụng tiền, tài sản có được thông qua hoạt động phạm tội để mua bán bất động sản, chứng khoán… nhằm hợp pháp hóa tiền, sau đó thông qua hệ thống ngân hàng của Việt Nam chuyển tiền về các tài khoản của chúng tại nước ngoài. Tuy nhiên, đây là loại tội phạm có độ ẩn cao.

Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về tội rửa tiền. Điều a, khoản 1, Điều 251 ghi: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

“a. Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó”.

Liên quan đến phòng, chống loại hành vi phạm tội này, ngày 18-6-2012, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ ba đã thông qua Luật phòng, chống rửa tiền. Luật có hiệu lực từ ngày 01-01-2013.

Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ ba đã thông qua Luật phòng, chống rửa tiền
Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ ba đã thông qua Luật phòng, chống rửa tiền

- Tội phạm xâm phạm sở hữu. Các hành vi phạm tội như cướp tài sản, trộm cắp tài sản, cưỡng đoạt tài sản thuộc cấu thành các tội phạm xâm phạm sở hữu mà tài sản bị xâm phạm thuộc sở hữu của ngân hàng. Điển hình của nhóm hành vi này trong thời gian gần đây là trộm cắp tài sản ở các cây ATM.

- Tội phạm sử dụng (lợi dụng) công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản qua hệ thống ngân hàng với thủ đoạn dùng khoa học công nghệ, thông qua mạng Internet xâm nhập vào các tài khoản trong ngân hàng… để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

- Tội phạm làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền qua hệ thống ngân hàng. Đối  tượng phạm tội thường mua thẻ nhựa trắng và máy ghi thẻ thông qua mạng, sau đó dùng nhiều thủ đoạn đánh cắp thông tin thẻ và mật mã giao dịch (MMGD) của chủ thẻ, làm thẻ giả và rút tiền.

- Tội phạm giả tài liệu, giấy tờ để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng mà hành vi phổ biến là các đối tượng ký các hợp đồng tiền gửi giả mạo, hợp thức hoá đầu tư tài chính của tổ chức qua việc chuyển tiền vào tài khoản trung gian của chính tổ chức mình đại diện; tạo dựng hồ sơ dự án; giả mạo hợp đồng mua bán hàng hoá; giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… để thế chấp vay ngân hàng, chiếm đoạt tài sản. Điển hình là thời gian gần đây đã có nhiều vụ các đối tượng làm giả sổ đỏ, sau đó đem thế chấp ngân hàng, mỗi vụ chiếm đoạt số tiền lên đến con số tỷ đồng, có những vụ, số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên đến con số hàng trăm tỷ đồng.

(2) Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng gồm 02 nhóm đối tượng (trong và ngoài ngành ngân hàng), trong đó nhóm đối tượng là cán bộ ngân hàng có vai trò chủ chốt thực hiện hành vi phạm tội.

- Nhóm đối tượng là cán bộ ngân hàng thường thực hiện tội phạm với các hành vi phổ biến là:  

+ Lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi tham nhũng. Thủ đoạn phạm tội này tương đối phổ biến trong hầu hết các vụ án đã xảy ra trong thời gian qua, một số cán bộ ngân hàng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện hành vi phạm tội vì động cơ vụ lợi và có sự tính toán, che giấu tinh vi khi thực hiện.

+ Lợi dụng vị trí công tác, uy tín của tổ chức ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền của các ngân hàng, tổ chức và cá nhân. Cán bộ ngân hàng lợi dụng vị trí công tác, uy tín của ngân hàng để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm rút tiền của ngân hàng hoặc chiếm đoạt tiền của các tổ chức, cá nhân, thông qua các biện pháp nghiệp vụ như: huy động vốn cho ngân hàng (thỏa thuận trả lãi suất cao hơn quy định Nhà nước cho phép), sau đó không đưa vào ngân hàng mà chiếm đoạt luôn tiền, tài sản của các cá nhân, tổ chức; Cán bộ ngân hàng sử dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm sửa chữa, tẩy xóa nâng giá trị tiền lên nhiều lần trong các chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng phát hành, rồi đem thế chấp tại chính ngân hàng mình đang công tác.

+ Cán bộ ngân hàng bị lôi kéo, mua chuộc, tiếp tay cho tội phạm. Những người ngoài ngành ngân hàng chỉ thực hiện được tội phạm khi lôi kéo, mua chuộc được cán bộ ngân hàng, chủ yếu là cán bộ trực tiếp làm công tác tín dụng, cán bộ thẩm định hồ sơ, tài sản thế chấp, hoặc lãnh đạo của các chi nhánh ngân hàng, bằng cách cho hưởng phần trăm hoặc “hoa hồng” trên tổng số tiền vay,  thực chất những hành vi đó là đưa, nhận hối lộ để có được sự thông đồng tiếp tay của cán bộ ngân hàng dưới nhiều hình thức.

+ Cán bộ ngân hàng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Loại hành vi này xảy ra do lãnh đạo đơn vị ngân hàng hoặc người có trách nhiệm trong các ngân hàng cả tin, quan liêu, năng lực yếu kém thiếu kiểm tra cấp dưới dẫn đến bị lợi dụng và để xảy ra vi phạm, tội phạm.        

- Nhóm đối tượng phạm tội ngoài ngành ngân hàng, các hành vi phổ biến là:

+ Hành vi lừa đảo với các thủ đoạn như tạo dựng hồ sơ dự án để thế chấp vay vốn ngân hàng: các đối tượng phạm tội đăng ký thành lập doanh nghiệp để lấy tư cách pháp nhân, sau đó xây dựng các bộ hồ sơ dự án giả mạo để thế chấp vay ngân hàng; Giả mạo hợp đồng đồng mua bán hàng hóa để thế chấp vay vốn ngân hàng: đối tượng phạm tội thường làm giả con dấu của doanh nghiệp khác, tạo ra các hợp đồng mua bán hàng hóa; hoặc lập ra nhiều doanh nghiệp để ký kết các hợp đồng kinh tế giả mạo dùng thế chấp vay vốn ngân hàng; Giả mạo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở; hoặc lừa đảo sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân; hoặc cùng một tài sản (nhà, đất) lập ra nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở, đất ở đem thế chấp tại nhiều ngân hàng để vay vốn.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

+ Mua chuộc cán bộ nhà nước, cán bộ ngân hàng tiếp tay cho hành vi lừa đảo. Thông qua các vụ án đã khảo sát cho thấy, trong lĩnh vực ngân hàng đã có rất nhiều quy định chặt chẽ nhất là quy định về vay vốn, mặc dù hành vi và thủ đoạn của bọn tội phạm lừa đảo ngân hàng rất tinh vi, nhưng nếu không có sự tiếp tay của cán bộ Nhà nước, đặc biệt là cán bộ trong ngành ngân hàng, thì khó xảy ra các hành vi lừa đảo chiếm đoạt được tài sản của ngân hàng.

(3) Đối tượng tác động chủ yếu của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thường là tiền, vàng hoặc các loại giấy tờ có giá khác.

Khoa học Luật hình sự định nghĩa đối tượng tác động của tội phạm là một bộ phận (yếu tố) thuộc khách thể của tội phạm bị hành vi phạm tội tác động đến và gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ (Học viện Tư pháp, Giáo trình  Luật hình sự Việt Nam, NXb Tư pháp, Hà Nội 2011, trang 59).

Hành vi phạm tội có thể tác động vào các đối tượng cụ thể khác nhau của khách thể - các quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ. Các đối tượng này có thể là con người, đối tượng vật chất khác và hoạt động bình thường của chủ thể. Như vậy, có thể thấy đối tượng tác động chủ yếu của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thường là tiền, vàng hoặc các giấy tờ có giá trị khác.

(4) Tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng gia tăng về số vụ án với phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp.

Trong thời gian qua, tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng diễn ra với một số thủ đoạn chủ yếu là: (1) Skimming (dùng máy cà thẻ có gắn hộp quẹt thẻ có chức năng mã hoá để ghi trộm dãy số trên thẻ); (2) Trộm cắp thông tin cá nhân và thông tin thẻ trên hóa đơn cà thẻ; (3). Skimming lấy thông tin từ máy ATM; (4) Sử dụng phần mềm gián điệp; (5) Truy cập bất hợp pháp vào website, cơ sở dữ liệu để trộm cắp dữ liệu; (6) dùng thủ đoạn phishing (dùng phần mềm e-mail giả để lừa lấy các thông tin cá nhân); (7) Phát tán thư rác; (8) Tạo trang web bán hàng giả; (9) Thành lập công ty ma, công ty ảo để trộm cắp dữ liệu; (10) Thu thập, mua bán thông tin thẻ tín dụng trên các diễn đàn về thẻ tín dụng của hacker.

Trong lĩnh vực thẻ tín dụng, do sơ hở trong quản lý của một số ngân hàng nên đã phổ biến loại tội phạm sử dụng thẻ tín dụng đã hết hạn của nước ngoài vào một nước khác rút tiền. Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn trộm cắp thông tin cá nhân của các chủ tài khoản, sau đó in thẻ giả để rút trộm tiền của người nước ngoài và công dân trong nước.

Tội phạm làm giả thẻ tín dụng để rút tiền
Tội phạm làm giả thẻ tín dụng để rút tiền

Theo thông báo của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế INTERPOL và Tổ chức Cảnh sát các nước Asean ASEANAPOL, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao gây nhiều sự chú ý gần đây nhất là lừa đảo dưới dạng đầu tư tài chính qua mạng. Tại Việt Nam, thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã dựng lên các trang web huy động vốn theo kiểu kinh doanh đa cấp, giả danh các tập đoàn đầu tư tài chính toàn cầu như www.callyisinvest.com (đã bị sập), www.e-invest.com (đã bị sập), điển hình nhất là www.colonyinvest.com. Nhóm lừa đảo Colony Invest đã lập một địa chỉ giao dịch điện tử (website) tại nước ngoài và tuyên truyền là của một tập đoàn tài chính lớn, có uy tín. Với phương thức mời gọi góp vốn với mức lãi suất từ 2,5-3%/ngày, người môi giới được hưởng 10-15%. Thông qua hình thức đa cấp, tội phạm nhanh chóng thu được khoản ngoại tệ khổng lồ rồi bỏ trốn. Riêng vụ Colony ở Việt Nam đã có tới 38 tỉnh, thành phố có người tham gia và 16 địa phương đã khởi tố điều tra, bắt giam 12 đối tượng.

Loại tội phạm đột nhập mạng ngân hàng, ăn cắp mật khẩu, tạo lệnh chuyển tiền giả nhằm tham ô, trộm cắp tiền ngân hàng diễn ra khá phổ biến. Loại tội phạm này gồm các hacker và chính các nhân viên ngân hàng. Để rút được tiền ngân hàng, tội phạm thường lấy cắp mã kiểm soát viên, giả mạo chữ ký của kiểm soát viên, lừa thanh toán viên để thực hiện các nghiệp vụ kế toán trên máy. Bên cạnh đó, các đối tượng còn thực hiện các hành vi rửa tiền như chuyển tiền từ tài khoản trộm cắp được sang tài khoản e-money tại e-gold, e-passport, qua Western Union, thậm chí vào tài khoản của đối tượng tại các ngân hàng trong nước.

(5) Thiệt hại về tài sản do tội phạm gây ra trong lĩnh vực ngân hàng thường lớn, có những vụ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng giao dịch Điện Biên Phủ và Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam chi nhánh Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh gây thiệt hại 4.600 tỷ đồng. Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, gây thiệt hại 4.700 tỷ đồng. Vụ án cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu gây thiệt hại trên 700 tỷ đồng…

Vũ Quốc Hảo nguyên là Giám đốc Cty cho thuê tài chính II (ALC II)
Vũ Quốc Hảo nguyên là Giám đốc Cty cho thuê tài chính II (ALC II)

Nghiên cứu về đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc nhận diện hành vi phạm tội của loại tội phạm này. Qua nghiên cứu có thể thấy rằng hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay đang diễn biến rất phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới như tội phạm sử dụng công nghệ cao; móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài ngành ngân hàng để thực hiện hành vi rửa tiền… Hậu quả của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng có thể vừa đánh giá định tính vừa đánh giá định lượng, thiệt hại về vật chất do tội phạm gây ra trong lĩnh vực ngân hàng đã ở mức đặc biệt nghiêm trọng với nhiều vụ án gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.

Nghiên cứu về các đặc điểm của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để các cơ quan chức năng đánh giá về tội phạm, xu hướng vận động của tội phạm, từ đó đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh trong thời gian tới.

Nguyễn Xuân Trường

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.