Quy định pháp luật về các nguyên tắc phòng ngừa và chống tham nhũng của Ucraina (*)

Thứ Ba, 02/10/2012, 16:26 [GMT+7]

1. Định nghĩa tham nhũng

Theo Điều 1 của Luật “Về các nguyên tắc phòng ngừa và chống tham nhũng” thì tham nhũng là lạm dụng quyền hạn công vụ và các cơ hội liên quan đến quyền này để giành lợi ích bất hợp pháp hoặc chấp nhận lời hứa/lời đề nghị cung cấp lợi ích bất hợp pháp cho chính mình hoặc người khác hoặc là đáp ứng thỏa đáng lời hứa/lời đề nghị hoặc theo lời đề nghị của người đó mà cung cấp cho pháp nhân hoặc cá nhân lợi ích bất hợp pháp, với mục đích thuyết phục pháp nhân và cá nhân phạm pháp khi sử dụng quyền công vụ và các cơ hội liên quan.

2. Các nguyên tắc cơ bản trong chính sách chống tham nhũng

Điều 3 của Luật xác định các nguyên tắc cơ bản trong chính sách chống tham nhũng của Ucraina, đó là: tính tối thượng của pháp luật; tính pháp chế; thực hiện tổng thể các biện pháp về luật, chính trị, kinh tế xã hội, thông tin và các biện pháp khác một cách toàn diện; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa; sự trừng phạt đối với tội phạm tham nhũng là không thể tránh khỏi; sự cởi mở và minh bạch của cơ quan công quyền và chính quyền địa phương; cộng đồng tham gia vào các sự kiện để ngăn chặn và chống tham nhũng, bảo vệ theo mức quốc gia các cá nhân tham gia giúp đỡ thực hiện các biện pháp đó; đảm bảo việc khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp, bồi thường thiệt hại và mất mát gây ra bởi hành vi phạm tội tham nhũng.

GS.TS Aleksandr Kopylenko

3. Các đối tượng phạm tội tham nhũng

Luật xác định các đối tượng phạm tội tham nhũng không chỉ là các quan chức chính phủ và những người thực hiện chức năng nhà nước, mà còn là các quan chức thuộc pháp nhân luật tư, cũng như các thể nhân và pháp nhân khác có liên quan đến hành vi phạm tội tham nhũng. Theo Điều 4 của Luật thì nhóm các đối tượng chịu trách nhiệm về hành vi tham nhũng bao gồm:

Một là, người được ủy quyền để thực hiện các chức năng của Chính phủ hoặc chính quyền địa phương, bao gồm Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các cơ quan hành pháp.

Hai là, những đối tượng có quyền ngang bằng các đối tượng được ủy quyền để thực hiện các chức năng của Chính phủ hoặc chính quyền địa phương, bao gồm các quan chức thuộc pháp nhân luật công, cán bộ cung cấp dịch vụ công cộng (kiểm toán viên, công chứng viên…), các quan chức của chính phủ nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Ba là, những đối tượng thường xuyên hoặc tạm thời giữ vị trí liên quan việc thực hiện chức năng tổ chức - quản lý hoặc nghĩa vụ hành chính - kinh tế, hoặc những người được ủy quyền đặc biệt thực hiện các nhiệm vụ đó trong pháp nhân luật tư, không phân biệt hình thức pháp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.

Bốn là, các quan chức thuộc pháp nhân luật tư, cũng như những cá nhân - trong trường hợp nhận được từ những người được nêu trên, hoặc có sự trợ giúp của họ để giành lợi ích bất hợp pháp.

4. Các cơ quan phòng, chống tham nhũng

Luật xác định nhóm các chủ thể có thể thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là Tổng thống, Quốc hội, Chính phủ cũng như cơ quan công quyền trong phạm vi quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Việc phối hợp thực hiện chiến lược chống tham nhũng của các cơ quan hành pháp, do Tổng thống phê chuẩn, được thực hiện bởi cơ quan có thẩm quyền đặc biệt về chính sách chống tham nhũng. Cơ quan này do Tổng thống thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Các biện pháp để xác định, ngăn chặn và điều tra tội phạm tham nhũng do các tổ chức được ủy quyền trực tiếp thực hiện trong phạm vi thẩm quyền đó. Các cơ quan đặc biệt có thẩm quyền đó, theo định nghĩa trong Luật là: Viện kiểm sát các cấp; các đơn vị đặc biệt chống tội phạm có tổ chức thuộc Bộ Nội vụ; các đơn vị cảnh sát thuế; các đơn vị đặc biệt chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức thuộc cơ quan an ninh quốc gia; đơn vị quân đội đặc biệt bảo vệ luật pháp trong lực lượng vũ trang; đơn vị an ninh nội bộ cơ quan hải quan. Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các công tố viên cấp dưới thực hiện phối hợp hoạt động cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật chống tham nhũng trong giới hạn thẩm quyền theo quy định của pháp luật (Điều 5).

5. Các biện pháp hạn chế việc lạm dụng quyền công vụ của công chức

Luật quy định những biện pháp nhằm hạn chế việc dụng quyền công vụ của công chức nhà nước. Đặc biệt họ đều bị cấm sử dụng quyền hạn của mình hoặc các cơ hội liên quan để giành lợi ích bất hợp pháp hoặc dính líu đến việc nhận lời cam kết/lời đề nghị cung cấp lợi ích như thế cho bản thân hoặc người khác, bao gồm: hợp tác bất hợp pháp với các cá nhân hoặc pháp nhân trong việc thực hiện các hoạt động kinh tế, nhận trợ cấp, tài trợ, vay vốn, nhượng bộ, ký kết hợp đồng; tác động bất hợp pháp vào quy trình bổ nhiệm chức quyền; can thiệp bất hợp pháp các hoạt động của cơ quan chính quyền nhà nước, chính quyền địa phương hoặc các quan chức; cung cấp bất hợp pháp lợi thế cho những cá nhân và pháp nhân liên quan tới việc chuẩn bị dự án, việc thông qua các văn bản pháp luật và các quyết định liên quan đến chuẩn y các kết luận (Điều 6).

6. Quy định về loại trừ xung đột lợi ích trong cơ quan nhà nước

Luật đã định hình tình huống trong xung đột lợi ích ở cơ quan nhà nước, theo đó, khi đưa ra quyết định hoặc thực hiện hành vi hành chính vì lợi ích chung thì công chức phải loại trừ bất kỳ lợi ích cá nhân. Trình tự điều chỉnh xung đột lợi ích bao gồm trách nhiệm của công chức có thẩm quyền thực hiện các chức năng nhà nước phải sử dụng các biện pháp để tránh khả năng bất kỳ xảy ra xung đột quyền lợi, cũng như khẩn cấp báo cáo trực tiếp cho người lãnh đạo về sự tồn tại của bất kỳ xung đột lợi ích nào, hoặc tình trạng có thể dẫn đến không thực hiện được, hoặc thực hiện không đúng trách nhiệm công chức (Điều 14).

Việc điều chỉnh giới hạn quan hệ công tác giữa những người thân, gần gũi có tác dụng thúc đẩy ngăn ngừa xung đột lợi ích và hành vi phạm tội tham nhũng. Người được ủy quyền thực hiện chức năng nhà nước không thể có cấp dưới trực tiếp là người thân gần gũi với mình, hoặc không thể là cấp dưới trực tiếp của người thân gần gũi đồng thời là người trực tiếp thực hiện thẩm quyền công vụ (Điều 9).

7. Quy định về việc nhận quà của công chức nhà nước

Luật chỉ cho phép tiếp nhận món quà có giá trị không vượt quá 50% mức lương tối thiểu. Những món quà do người có thẩm quyền nhận để thực hiện các chức năng của nhà nước, cũng như các món quà tặng cho các cơ quan nhà nước hoặc chính quyền địa phương được thừa nhận là tài sản nhà nước hoặc tài sản công cộng. Tất cả những món quà như vậy phải được gửi cho nhà nước hoặc cơ quan chính quyền địa phương. Trong trường hợp vi phạm các quy tắc này, hành vi của quan chức có thể bị coi là chiếm đoạt tài sản nhà nước, còn người đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự (Điều 8).

8. Nghĩa vụ cung cấp thông tin về tài sản, doanh thu, chi phí và nghĩa vụ có tính chất tài chính

Theo Luật này, trách nhiệm của công chức có thẩm quyền thực hiện chức năng nhà nước không những bắt buộc phải cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, các nghĩa vụ tài chính mà còn chi phí của họ. Quy định này cho phép kiểm soát sự tồn tại nguồn thu nhập thực sự của công chức, khả năng thu nhập và giữ gìn tài sản một cách hợp pháp. Ngoài ra, những người được ủy quyền thực hiện chức năng nhà nước hoặc chính quyền địa phương và các quan chức thuộc pháp nhân luật công được nhận tiền lương từ ngân sách nhà nước hoặc địa phương, trong trường hợp mở tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng ngoài Ucraina, trong vòng 10 ngày có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cùng số tài khoản và địa điểm của ngân hàng cho cơ quan thuế nhà nước nơi cư trú (Điều 12).

9. Kiểm tra đặc biệt đối với đối tượng được tiến cử giữ các chức vụ trong cơ quan nhà nước

Điều 11 của Luật quy định về trình tự tiến hành kiểm tra đặc biệt đối với đối tượng được tiến cử giữ chức vụ cụ thể có nhiệm vụ thực hiện chức năng nhà nước hoặc chính quyền địa phương. Cuộc kiểm tra đặc biệt sẽ được tiến hành trong thời hạn 15 ngày kể từ khi người được tiến cử giữ chức vụ có văn bản đồng ý. Nếu người được tiến cử này không đồng ý, vấn đề bổ nhiệm chức vụ đó sẽ không được xem xét.

Được phép kiểm tra các thông tin sau: các sự kiện liên quan đến trách nhiệm hình sự, bao gồm cả hành vi phạm tội tham nhũng, tiền án, xóa án và hủy bỏ án; đối tượng có bị xử phạt hành chính vì phạm tội tham nhũng trong quá khứ hay không; độ tin cậy của thông tin trong bản kê khai tài sản, thu nhập và chi phí, các nghĩa vụ tài chính; có tham gia doanh nghiệp hay không; tình trạng sức khỏe, giáo dục, văn bằng đại học, chức danh khoa học nâng cao nghiệp vụ.

10. Trách nhiệm của đối tượng tham nhũng

Theo Luật này thì đối tượng tham nhũng phải chịu trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự và kỷ luật theo luật định, phụ thuộc vào mức độ của hành vi phạm tội.

Ngoài ra, Luật còn quy định việc đăng ký nhà nước thống nhất các đối tượng phạm tội tham nhũng, là cơ sở dữ liệu tập trung thông tin của tất cả những người chịu trách nhiệm vì hành vi phạm tội tham nhũng. Những thông tin này được gửi đến cơ quan đăng ký trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày quyết định của tòa án về vụ việc này có hiệu lực (Điều 21). Cơ chế tước quyền thực hiện chức năng nhà nước trong một thời gian nhất định có thể được sử dụng, nhưng chỉ được chấp nhận trên cơ sở phán quyết của tòa án (Điều 22).

Ngoài các biện pháp xử phạt hình sự và hành chính, đối tượng phạm tội tham nhũng phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội bằng cách bồi thường đầy đủ thiệt hại tâm lý hoặc tài sản, thiệt hại gây ra cho nhà nước, cho cá nhân và pháp nhân bị vi phạm (Điều 23). Vốn và tài sản có được từ hành vi tham nhũng sẽ bị tịch thu bởi quyết định của tòa án, giá trị của những lợi ích và dịch vụ bất hợp pháp đó sẽ bị tịch thu về cho nhà nước (Điều 26).

11. Thẩm định tính chống tham nhũng các dự thảo văn bản luật

Luật giao cho Bộ Tư pháp Ucraina thực hiện thẩm định tính trách nhiệm chống tham nhũng các dự thảo luật của Ucraina, các quy định của Tổng thống Ucraina, văn bản luật khác được phát triển bởi Chính phủ Ucraina, các Bộ và cơ quan hành pháp trung ương khác. Điều này đảm bảo phát hiện ra các quy định mà theo những lý do nào đó có thể tạo điều kiện thực hiện tội tham nhũng. Mục tiêu chính của việc thẩm định tính chống tham nhũng là xác định sự hiện diện hay thiếu vắng yếu tố tham nhũng và những lời khuyến cáo nhằm loại bỏ tham nhũng. Để đảm bảo việc kiểm soát xã hội, có thể tiến hành và công bố thẩm định tính chống tham nhũng toàn xã hội đối với các văn bản luật, theo sáng kiến và dựa vào chi phí của những cá nhân và pháp nhân có mối quan tâm, cũng như của các hiệp hội dân sự (Điều 15).

GS.TS Aleksandr Kopylenko

(Giám đốc Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Ucraina)

(* ) Trích tham luận của Giáo sư, Tiến sỹ Aleksandr Kopylenko tại Hội thảo “Vai trò của Quốc hội trong phòng, chống tham nhũng” do Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) tổ chức tháng 8/2012. Đầu đề do Ban biên tập đặt.

;
.