Tăng cường tính liêm chính trong hoạt động hành chính công tại Ốt-xtơ-rây-li-a
1. Ốt-xtơ-rây-li-a đã áp dụng các biện pháp nhằm đảm bảo tính thanh liêm trong việc tuyển dụng và đề bạt cán bộ, trả lương thỏa đáng, cùng với việc đặt ra và thực hiện các quy tắc rõ ràng về đạo đức công vụ.
(1) Tuyển dụng và đề bạt công chức: Công khai cơ hội bình đẳng và minh bạch trong tuyển dụng, đề bạt công chức.
(2) Tiền lương cho công chức: Tiền lương không thỏa đáng khiến cho các vị trí trong hệ thống hành chính công không hấp dẫn đối với nhân tài và có thể hạn chế khả năng chống tham nhũng của công chức. Vì vậy, tiền lương thỏa đáng cho công chức thường được coi như sự hỗ trợ đối với PCTN.
Lực lượng hải quan Ốt-xtơ-rây-li-a thực thi công vụ
(3) Quy định đạo đức công vụ: các quy tắc đạo đức toàn diện và công khai cùng với việc việc thi hành kỷ luật nhanh chóng những người vi phạm là nền tảng duy trì các chuẩn mực cao về đạo đức trong khu vực hành chính công. Chuẩn mực này thường tập trung vào các xung đột lợi ích, những tình huống có ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của công chức. Trong số đó, nhiều quy định để xử lý các hành vi bị cấm như: (a) Xung đột lợi ích về thực hiện các hoạt động kinh tế hoặc chính trị; Yêu cầu công chức phải công bố các lợi ích xung đột; nếu một hoạt động phụ phát sinh xung đột, có thể cần có sự cho phép. (b) Quy định về quà biếu và sự hảo tâm. Quà biếu và sự hảo tâm đôi khi được lạm dụng nhằm ngụy trang cho tham nhũng và có thiên hướng gây xung đột lợi ích. Do vậy, quy tắc đạo đức nghiêm cấm hoặc hạn chế việc nhận quà biếu và sự hảo tâm. Những quy định này yêu cầu quà biếu phải bị sung quỹ hoặc phải báo cáo cho cấp trên. Những quy định này thường được miễn trừ đối với các món quà nhỏ. (c) Xung đột lợi ích phát sinh từ công việc sau khi thôi chức; xung đột lợi ích có thể đe dọa lợi ích của công chúng ngay cả khi công chức không còn đương chức. Do vậy, quy định những hạn chế về hoạt động chuyên môn của cựu công chức trong một khoảng thời gian hoặc với những điều kiện nhất định: công chức nghỉ hưu có ý định làm việc hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động kinh doanh nào trong vòng hai năm kể từ khi nghỉ hưu phải được chính phủ chấp thuận. (d) Hướng dẫn và đào tạo về hành vi đạo đức; xác định tầm quan trọng của việc đào tạo về đạo đức. (e) Xử lý vi phạm các quy tắc đạo đức; biện pháp kỷ luật là phương tiện có tính phổ biến nhất nhằm đảm bảo thực thi các quy tắc đạo đức. Các biện pháp kỷ luật bao gồm: miễn nhiệm, thôi việc; các ứng cử viên có liên quan đến tham nhũng hoặc lạm dụng quyền lực sẽ không được đề bạt và bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong khu vực hành chính công và một số cơ quan nhất định.
(4) Nghĩa vụ báo cáo về tài sản và các khoản nợ: tất cả công chức phải thường xuyên công khai thông tin về tài sản và các khoản nợ, mở rộng việc giám sát ra cả gia đình của công chức nhằm phòng, chống và phát hiện sự chuyển giao tài sản chính thức. Cấp Liên bang chỉ bắt buộc kê khai tài sản đối với các quan chức cao cấp, yêu cầu quan chức cấp cao và thân nhân phải báo cáo thu nhập và bất động sản sở hữu. Thiết lập quan hệ đối tác giữa các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để kiểm tra lối sống của công chức nhằm phát hiện thu nhập bất chính. Cấp Tiểu bang có những quy định cụ thể hơn với từng lĩnh vực hành chính công.
2. Tăng cường hệ thống quản trị công: tách sự can thiệp của con người ra khỏi các thủ tục hành chính và giảm bớt các mối quan hệ với khách hàng có thể dẫn đến vòi vĩnh hối lộ, thực hiện thủ tục trực tuyến không có sự can thiệp của con người và thường xuyên luân chuyển công chức là các biện pháp thường được áp dụng để đối phó với các nguy cơ tham nhũng:
Chính phủ điện tử có thể giúp hạn chế cơ hội tham nhũng. Ốt-xtơ-rây-li-a có những nỗ lực lớn nhằm triển khai chính phủ điện tử, công dân có thể theo dõi tiến độ xử lý việc sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp các dịch vụ hành chính.
Luân chuyển công chức: việc luân chuyển thường xuyên và kịp thời công chức có thể giúp ngăn chặn tham nhũng; việc luân chuyển công chức được thực hiện theo kế hoạch, theo định kỳ hoặc trong từng hoàn cảnh nhất định. Công chức có quan hệ trực tiếp với công dân phải thường xuyên thay đổi vị trí nhằm giảm thiểu một cách có hệ thống và ngẫu nhiên các tiếp xúc cá nhân giữa công chức và khách hàng để ngăn chặn tham nhũng.
Môi trường quản lý minh bạch: các quy tắc và thủ tục rõ ràng và có thể xác minh sẽ thu hẹp khoảng trống của các hành vi tham nhũng. Theo đó, thường xuyên đánh giá môi trường quản lý của mình nhằm cải thiện và cải cách, đặc biệt lưu ý các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.
3. Kiểm soát mua sắm công: để PCTN, các hệ thống mua sắm phải dựa trên tính minh bạch, cạnh tranh và các tiêu chí ra quyết định khách quan. Cải cách thủ tục mua sắm công được xác định là một ưu tiên. Ban hành các hướng dẫn về mua sắm và giao nhiệm vụ cho một cơ quan theo dõi và đánh giá các quá trình mua sắm của chính phủ nhằm quy chuẩn việc mua sắm và tăng cường tính minh bạch. Công bố các dự án mua sắm quan trọng trên công báo hoặc các tờ nhật báo, hoặc trên internet, quy chuẩn các tiêu chuẩn đối với nhà thầu; việc phê duyệt nhà thầu chịu sự giám sát của công chúng, công bố trên internet các tài liệu như thông báo mời thầu và các thông tin về việc lựa chọn nhà thầu cuối cùng.
4. Thực hiện thủ tục và thể chế kiểm toán: việc giám sát hữu hiệu là phải có sự kiểm tra từ bên ngoài của các cơ quan kiểm toán. Thẩm quyền của cơ quan kiểm toán thường bao trùm tất cả các bộ và cơ quan chính phủ; phạm vi kiểm toán bao gồm tính hợp pháp và hữu hiệu của việc chi tiêu ngân sách nhà nước. Hầu hết các cơ quan kiểm toán có thẩm quyền tiếp cận mọi hồ sơ hành chính công, thực hiện biện pháp hành pháp hoặc xử phạt.
5. Tổ chức các cuộc khảo sát: Các cuộc khảo sát giúp xác định các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng cần có sự cải cách về thể chế và khi được công bố sẽ tạo ra công luận; đánh giá các nguyên nhân và mức độ tham nhũng; đánh giá về mức độ thanh liêm của từng cơ quan chính phủ theo định kỳ. Những đánh giá này cũng nhằm thúc đẩy hệ thống hành chính công giải quyết các vấn đề đã được xác định một cách tự nguyện.
6. Chú trọng ngăn chặn tham nhũng trong lĩnh vực chính trị: Chính phủ liên bang, các bang đã ban hành các quy định hướng tới tính minh bạch và thanh liêm của các đảng phái chính trị, chính khách và quan chức cao cấp được bầu cử. Theo đó, (1) Tài trợ cho các đảng phái chính trị và chiến dịch tranh cử phải tuân theo pháp luật. Các đảng phái phải công khai thu nhập; người tài trợ phải công khai các khoản quyên góp của họ cho các đảng phái chính trị nếu vượt quá một giới hạn nhất định. Nguồn tài chính cho các chiến dịch tranh cử được điều chỉnh theo những quy định khác nhau, thường nằm trong pháp luật về bầu cử của một quốc gia. (2) Quy tắc đạo đức áp dụng đối với chính khách đắc cử: Các quy định về miễn nhiệm và các biện pháp kỷ luật áp dụng đối với công chức không áp dụng tương tự đối với chính khách đắc cử. Các quy tắc này giải quyết các vấn đề như xung đột lợi ích và nhận quà biếu; nghiêm cấm quan chức cấp cao và thân nhân, cũng như các đại biểu quốc hội, liên quan đến một số hoạt động kinh doanh nhất định.
7. Quản lý khu vực doanh nghiệp và nâng cao đạo đức kinh doanh:
- Chính phủ ban hành các quy định điều chính hoạt động kế toán doanh nghiệp, kiểm soát nội bộ và các yêu cầu về công khai thông tin liên quan. Đồng thời, quy định các cơ chế để giám sát việc thực thi các quy định này liên quan đến hoạt động kiểm tra thường xuyên sổ sách của các công ty và kiểm toán độc lập.
- Nâng cao đạo đức kinh doanh, nhiều công ty đã áp dụng các biện pháp nâng cao đạo đức trong chính doanh nghiệp như: xây dựng quy tắc đạo đức của công ty, đào tạo về đạo đức thường xuyên và thành lập các bộ phận đặc trách về tuân thủ và đạo đức. Chính phủ và các bang hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp và đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy các chương trình về đạo đức kinh doanh và tuân thủ của doanh nghiệp; Cơ quan chống tham nhũng đóng vai trò chủ động trong việc xây dựng các quy tắc đạo đức, tuân thủ và tổ chức đào tạo; tổ chức các cuộc hội thảo, phổ biến, hướng dẫn cho các công ty về biện pháp PCTN.
Nguyễn Văn Hùng
(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)