Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công tác PCTN

Thứ Ba, 03/07/2012, 14:52 [GMT+7]

Điều 35A Nghị định 68/2011/NĐ-CP, ngày 08/8/2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 37/2007/NĐ- CP về minh bạch tài sản, thu nhập đã quy định: “Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm giám sát việc thực hiện pháp luật về minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức…; tiếp nhận các ý kiến phản ánh của nhân dân, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hành vi không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu bất minh về tài sản, thu nhập thì Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Đối với cá nhân cư trú ở cấp xã, khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của MTTQ xã, phường, thị trấn có quyền phát hiện, kiến nghị xử lý hành vi không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập, có dấu hiệu bất minh về tài sản, thu nhập” (Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2007/NĐ-CP ngày 09/3/2007 của Chính phủ về Minh bạch tài sản, thu nhập (số 68/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 của Chính phủ, tr.5).

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII,

ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

thay mặt cử tri cả nước kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật PCTN

Thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác PCTN, ngày 10/01/2006, tại Hội nghị lần thứ ba (khóa VI) Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã thông qua Nghị quyết chuyên đề “MTTQ Việt Nam tham gia thực hiện Luật PCTN, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Sau  khi  có  Nghị  quyết  Trung  ương  3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực hưởng ứng, triển khai sâu rộng các hoạt động từ Trung ương đến cơ sở, trên các lĩnh vực công tác sau:

Một là, tham gia xây dựng pháp luật về PCTN

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động tham gia góp ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh, nghị định có liên quan đến PCTN, như: Luật PCTN; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật cán bộ, công chức; Luật khiếu nại, tố cáo; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập… chủ yếu là các quy định về quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; về tăng cường giám sát của MTTQ, các tổ chức thành viên và nhân dân đối với cán bộ, công chức trong PCTN.

Hai là, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN cho nhân dân, đoàn viên, hội viên

MTTQ và các tổ chức thành viên phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Nhà nước, nhất là Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của chính quyền tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, lãng phí cho nhân dân, đoàn viên, hội viên đến cơ sở, khu dân cư.

Các báo, tạp chí của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và nhiều tổ chức thành viên Mặt trận cũng đã có các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục về PCTN; thường xuyên đưa tin, bài, phản ánh về công tác PCTN; lên án, phê phán các hành vi tham nhũng; nêu gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh PCTN.

Ba là, giám sát cơ quan nhà nước, đại diện dân cử, cán bộ, công chức Nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật về PCTN

Công tác giám sát thực hiện pháp luật về PCTN của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tập trung vào 03 nội dung sau:

Thứ nhất, thông qua việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân; qua việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước, nếu phát hiện dấu hiệu tham nhũng, MTTQ kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý. Trong hơn 5 năm qua, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp, nhất là cấp cơ sở đã kiến nghị nhiều hành vi vi phạm của cán bộ, công chức. Nhiều vụ việc đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Thứ hai, trong quá trình hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ra ứng cử đại biểu  Quốc hội khóa XII, XIII; đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2011-2016, Ủy ban MTTQ các cấp đã thống nhất không đưa vào danh sách những ứng cử viên có dấu hiệu tham nhũng; không trung thực trong kê khai tài sản hoặc vi phạm pháp luật về bầu cử.

Thứ ba, vận động nhân dân thực hiện các quy định pháp luật về PCTN. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống Mặt trận trong thời gian qua.

Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn có quy định: “Hai năm một lần, Ủy ban MTTQ cấp xã tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã” (Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường trị trấn, số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ký Nghị quyết liên tịch để hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh này.

Năm 2006, MTTQ các địa phương trong cả  nước  đã  triển  khai  việc  lấy  phiếu  tín nhiệm đối với Chủ tịch HĐND; Chủ tịch UBND cấp xã; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố. Số người được lấy phiếu tín nhiệm là 50.317 người. Kết quả như sau: 43.554 người đạt số phiếu tín nhiệm từ 70%-100% (chiếm tỷ lệ 86,56%); 5.329 người đạt số phiếu tín nhiệm từ 50%-70% (chiếm tỷ lệ 10,59%); có 1.434 người đạt số phiếu tín nhiệm dưới 50% (chiếm tỷ lệ 2,85%).

Sau đó, Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã,  phường,  thị  trấn  không  quy  định  lấy phiếu tín nhiệm với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm tới Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Năm 2008, có 8.112 xã, phường, thị trấn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã. Kết quả đã có 442 người số phiếu tín nhiệm đạt dưới 50% (chiếm tỷ lệ 1,34%). Trong số 442 người có phiếu tín nhiệm dưới 50%, có 183 Chủ tịch, Phó Chủ  tịch HĐND (chiếm 41,4%) và 259 Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND (chiếm tỷ lệ 58,59%).

Năm 2009, có 3.119 xã, phường, thị trấn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với 12.170 người. Kết quả, có 219 người có tỷ lệ phiếu dưới 50% (chiếm tỷ lệ 1,8%).

Năm 2010, có 6.797 xã, phường, thị trấn tổ  chức  lấy  phiếu  tín  nhiệm  với  21.481 người. Kết quả, có 366 người đạt số phiếu tín nhiệm dưới 50% (chiếm tỷ lệ 1,7%). Trong số những người có tỷ lệ tín nhiệm dưới 50%, có 199 người là Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND  xã  (chiếm  tỷ  lệ  54,37%)  và  167 người là Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã (chiếm tỷ lệ 45,63%).

Những trường hợp có phiếu tín nhiệm dưới 50%, Ủy ban MTTQ đã có văn bản đề xuất, kiến nghị với cấp ủy Đảng, HĐND xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Thông qua việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, vai trò giám sát của MTTQ đã và đang từng bước được nâng lên, góp phần giám sát hoạt động của cán bộ, công chức ở cơ sở, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân ở địa bàn khu dân cư.

Ủy ban MTTQ các địa phương đã tập trung củng cố tổ chức và chỉ đạo hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng để giám sát công tác phòng ngừa tham nhũng và phát hiện những hành vi tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: quản lý đất đai, đền bù và giải phóng mặt bằng; đăng ký hộ tịch hộ khẩu; cấp phép xây dựng, kinh doanh; thu chi các loại quỹ, lệ phí, các khoản đóng góp của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, vẫn còn những hạn chế và yếu kém:

- Công tác thông tin, tuyên truyền và giáo dục về PCTN trong nhân dân, đoàn viên, hội viên của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên thực hiện chưa thường xuyên, vẫn mang tính phong trào, hiệu quả chưa cao.

- Việc triển khai thực hiện các quy định về phòng  ngừa  tham  nhũng  thiếu  đồng  bộ; nhiều thủ tục hành chính còn rườm rà, chồng chéo. Một số chế độ, định mức, tiêu chuẩn cho cán bộ, công chức không phù hợp với thực tiễn, chậm được sửa đổi, bổ sung. Chưa có cơ chế, chính sách, hành động cụ thể bảo vệ những người dũng cảm phát hiện, tố cáo đúng những hành vi tham nhũng.

- Việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm các chức danh ở cấp xã, phường, thị trấn cho thấy còn nhiều điều phải suy ngẫm. Trước hết, tỷ lệ 98-99% cán bộ công chức đạt tín nhiệm cao là chưa thực chất, còn nể nang nhau (Ý kiến người dân tại TP. Hà Nội cho thấy: “98-99% cán bộ chủ chốt xã, phường có số phiếu tín nhiệm đạt (từ 50% trở lên) là chưa thực chất. Cán bộ tốt như vậy, sao người dân còn khiếu kiện vượt cấp, kêu ca nhiều? Để xảy ra những vụ việc nhức nhối về xây dựng như phường Trúc Bạch, Bạch Mai mà cán bộ vẫn được đánh giá tốt là có “vấn đề”?; “70% cán bộ đạt số phiếu tín nhiệm từ 90-100% như báo cáo là quá cao, không thực chất. Có lẽ ở đây có sự động viên nhau” - Chủ tịch MTTQ quận Hoàn Kiếm nhận định; “kết quả cao là do khi bỏ phiếu còn có sự nể nang nhau, thậm chí có sự nâng đỡ của người này, người kia” - Phó Chủ tịch MTTQ TP. Hà Nội cho biết). Hai là, việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ chủ chốt xã, phường vẫn mang tính hình thức (Cử tri ở thành phố Hà Nội phản ánh: Không ít nơi tổ chức hội nghị lấy phiếu tín nhiệm còn mang tính hình thức; nhiều đại biểu đến dự hội nghị, nhưng không biết phát biểu gì, chỉ nói chung chung; cá biệt, nhiều đại biểu không biết những cán bộ trong diện lấy phiếu tín nhiệm. Cán bộ Mặt trận cố tình không ghi vào biên bản những ý kiến nhận xét của dân, nhất là những ý kiến phê phán gay gắt. Một số cán bộ cơ sở có biểu hiện ngại va chạm, không muốn mất lòng cán bộ lãnh đạo. Thành phần bỏ phiếu tín nhiệm là những Ủy viên ủy ban MTTQ cấp xã (người dân không được bỏ phiếu trực tiếp), điều này dẫn đến hình thức. Theo cơ cấu của MTTQ Việt Nam thì, các chức danh Phó Chủ tịch UBND, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, chi hội trưởng các đoàn thể... đều là Ủy viên Ủy ban MTTQ xã, nên có mối quan hệ chặt chẽ với cán bộ chủ chốt UBND. Điều này dẫn đến thiếu khách quan trong khi lấy ý kiến tín nhiệm đối với cán bộ chủ chốt cấp xã, phường).

Một số kiến nghị:

1. Nhà nước sớm sửa đổi, bổ sung địa vị pháp lý của Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN; có cơ chế cụ thể để tăng cường hơn nữa sự tham gia của MTTQ và các tổ chức thành viên, các cơ quan thông tin đại chúng và nhân dân trong công tác PCTN.

2. Chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; bố trí cán bộ có năng lực, có trách nhiệm làm công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Các khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại, tố cáo đông người phải được xem xét và giải quyết ngay từ địa phương, cơ sở, tránh tình trạng người dân bức xúc, kéo về các cơ quan Trung ương vừa ảnh hưởng đến an ninh, trật tự vừa gây vất vả, tốn kém cho nhân dân.

3. Đối với những vụ việc gây bức xúc trong nhân dân và công luận, đề nghị các cơ quan hữu quan của Nhà nước tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm và thông báo công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm đấu tranh PCTN của Đảng và Nhà nước.

Đàm Văn Lợi

(Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương)


;
.