Giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí góp phần phòng, chống tham nhũng

Thứ Tư, 04/07/2012, 15:36 [GMT+7]

Những năm qua, trong công tác PCTN, báo chí đã góp phần rất tích cực và quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ những tấm gương người tốt việc tốt; là kênh thông tin quan trọng nhằm phát hiện, phanh phui những biểu hiện, hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội, các đoàn thể nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc, vụ án tiêu cực, tham nhũng trong các bộ, ngành, địa phương không phải do báo chí của cơ quan mình phát hiện, mà thường là báo chí “bên ngoài” tham gia vào việc này. Thậm chí có những vụ việc, vụ án mà cơ quan báo chí “bên ngoài” phản ánh, đưa tin, nhưng báo chí của cơ quan đó không nêu, thậm chí còn “ỉm” đi. Điều này cũng có nghĩa rằng, báo chí trong bộ, ngành, địa phương chỉ đưa vụ việc tiêu cực, tham nhũng ở bộ, ngành khác, địa phương khác.

Lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ VI

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng cơ bản và mấu chốt nhất hiện nay vẫn là căn bệnh “thành tích chủ nghĩa”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng” và tâm lý “ăn cây nào rào cây ấy”. Công tác tự phê bình và phê bình của cơ quan chủ quản báo chí và chính cơ quan báo chí còn chưa thẳng thắn, thực chất và thiếu nghiêm túc. Suy cho cùng đó cũng là biểu hiện của “lợi ích nhóm”.

Có những nguyên tắc bất thành văn như một sợi dây vô hình ràng buộc, chi phối mối quan hệ giữa cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí, đó là:

Thứ nhất, phần lớn báo chí của chúng ta, còn mang nặng tính bao cấp. Cơ quan chủ quản cấp kinh phí, trụ sở, phương tiện, điều kiện làm việc cho cơ quan báo chí dưới quyền hoạt động; bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên, chi tiền lương và các khoản phụ cấp, chế độ khác cho những người làm báo như đối với mọi cán bộ, công chức, viên chức khác. Về phía cơ quan báo chí, với tư cách là tiếng nói, cơ quan ngôn luận của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể... thì về nguyên tắc, nhất nhất phải tuân thủ sự chỉ đạo của cơ quan chủ quản thông qua một số sở, ban, cơ quan chuyên trách quản lý báo chí. Với những vấn đề “nhạy cảm”, bức xúc xảy ra ở ngành, lĩnh vực, địa phương thì trước khi đăng tải, phát sóng, các báo thường phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.

Thứ hai, mặc dù tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tạp chí đều có ghi: là tiếng nói, cơ quan ngôn luận của cấp ủy đảng, chính quyền, của tổ chức quần chúng và của nhân dân hay của hội viên này, đoàn thể khác…, nhưng trong thực tế, tiếng nói của người dân, quần chúng, hội viên, đoàn viên bình thường ít được coi trọng, đăng tải cho dù tiếng nói đó là đúng đắn, phản ánh đúng thực trạng những gì diễn ra trong thực tiễn. Do bị cơ chế cơ quan chủ quản ràng buộc, chi phối (đã nêu ở trên), cho nên, một số biên tập viên, thậm chí cả tổng biên tập biết mười mươi cán bộ lãnh đạo trong ngành, lĩnh vực, địa phương mình vi phạm Điều lệ Đảng, Điều lệ hội, chính sách, pháp luật của Nhà nước… nhưng vẫn “im như thóc”, không dám đăng tải những vấn đề tiêu cực, nổi cộm, bức xúc đó trên báo, tạp chí của bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Rất nhiều trường hợp vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì đấu tranh thì “tránh đâu”? Trong khi đó, chính những báo chí đó lại “chiến đấu” rất hăng, đưa tin rất tỷ mỷ những vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở bộ, ngành, địa phương khác. Đây là một trong những nguyên nhân làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với vai trò, tính chiến đấu của báo chí, của cấp ủy đảng, chính quyền tại bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và địa phương đó. Quần chúng nhân dân nghĩ rằng “bụt chùa nhà không thiêng”. Vì vậy, tình trạng gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp hoặc gửi đến các cơ quan báo chí thuộc bộ, ngành, địa phương khác, thậm chí tụ tập đông người đi kiện tụng vượt cấp kéo dài ở nhiều nơi là điều dễ hiểu.

Để phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng; vai trò của báo chí trong cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực, thời gian tới, thiết nghĩ cần phải làm tốt một số nội dung sau đây:

1. Cơ quan báo chí cần phải củng cố, tăng cường ban bạn đọc; hộp thư bạn đọc, xem truyền hình, nghe phát thanh. Tăng thời lượng, dung lượng phát thanh, truyền hình hoặc trang ý kiến bạn đọc một cách khách quan, trung thực sau khi đã xác minh, thẩm định bước đầu. Với bộ phận này, cần lựa chọn những phóng viên, biên tập viên, nhà báo tâm huyết, có bản lĩnh, say mê với nghề, gắn bó với quần chúng, nhân dân, sâu sát thực tế, thật sự là những người “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Các nhà báo đang tác nghiệp

2. Đối với cơ quan chủ quản báo chí, cần phải thật sự hiểu những đặc điểm, tính chất nghề nghiệp báo chí; không cào bằng, đánh đồng như những đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ khác trong bộ, ngành, địa phương mình. Đặc biệt, cơ quan chủ quản, trong đó có người đứng đầu, phải am hiểu Luật báo chí và các quy định có tính pháp quy về cơ quan báo chí và nghề làm báo. Trên cơ sở đó, xây dựng quy chế, quy định sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp của các cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng sao cho phù hợp; phân công cán bộ lãnh đạo có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và phải am hiểu báo chí để phụ trách cơ quan báo chí thuộc diện mình quản lý. Không được bổ nhiệm, luân chuyển những cán bộ không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ báo chí; chưa làm báo và chưa qua công tác lãnh đạo báo chí về tham gia ban biên tập cơ quan báo chí. Bài học thực tế cho thấy, một số nơi, lãnh đạo cơ quan chủ quản vi phạm quy định này, dẫn đến nội bộ (cơ quan báo chí, ban biên tập) mâu thuẫn, mất đoàn kết, không ổn định, nói gì đến việc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực.

3. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cơ quan chuyên môn đối với cơ quan báo chí dưới quyền thông qua chủ trương, đường lối; không được dùng mệnh lệnh áp đặt hoặc “cầm tay chỉ việc”. Cơ quan báo chí có tính độc lập tương đối với cơ quan chủ quản, trên cơ sở phản ánh và tôn trọng sự thật; tôn trọng pháp luật, lắng nghe ý kiến của quần chúng, nhân dân; sự nhạy cảm chính trị của ban biên tập, các phóng viên, biên tập viên, nhất là trách nhiệm của Tổng biên tập, người chịu trách nhiệm cuối cùng khi bài báo đã được đăng tải và tác động của nó đối với cuộc sống.

4. Cần đổi mới cơ chế lãnh đạo, quản lý báo chí bằng cách chuyển các cơ quan báo chí từ bao cấp hoàn toàn thành đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định của Chính phủ. Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí do được cơ quan chủ quản “bao cấp” theo hình thức hạch toán báo sổ (chi đến đâu cấp đến đó), điều này tạo điều kiện cho cơ quan chủ quản “dễ” sai bảo cơ quan báo chí và tổng biên tập, nhưng làm cho cơ quan báo chí ỷ lại, kém năng động, không quan tâm đến nội dung, chất lượng và hiệu quả của báo chí, cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Các cơ quan quản lý báo chí ở trung ương cần rà soát, phân loại, sắp xếp lại các cơ quan báo chí thành đơn vị sự nghiệp có thu, giảm bớt gánh nặng kinh phí cho Nhà nước, xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, làm cho các cơ quan báo chí hoạt động năng động, hiệu quả và tăng cường tinh thần trách nhiệm về hoạt động và sản phẩm của mình, tiến tới hạch toán độc lập, đứng được bằng chính “đôi chân” của mình.

5. Cần có cơ chế chống tiêu cực ngay trong các cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí. Tức là phải xử lý công khai, minh bạch những tập thể, cá nhân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để ngăn cản các cơ quan báo chí, các nhà báo phát hiện, phản ánh và đưa tin những biểu hiện, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; ủng hộ, động viên những tập thể, cá nhân tích cực tham gia phát hiện, tố giác những hành vi tiêu cực, tham nhũng ngay trong bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương của mình. Nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với những cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên, nhất là tổng biên tập, được quần chúng nhân dân phản ánh, cung cấp chứng cứ, tài liệu về hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực nhưng không tích cực vào cuộc hoặc ngăn cản cấp dưới tác nghiệp, đưa tin. Có cơ chế bảo vệ, khen thưởng thỏa đáng, kịp thời những cán bộ, phóng viên, nhà báo, quần chúng, nhân dân có công phát hiện, tích cực tố giác, dũng cảm đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngay trong chính nội bộ ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị, cơ quan mình.

Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, được sự tin tưởng, ủng hộ của quần chúng nhân dân cũng như của xã hội, nếu tháo gỡ được những cơ chế ràng buộc vô hình, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người làm báo, báo chí nước ta hoàn toàn có khả năng trở thành công cụ mạnh mẽ và hữu hiệu trong cuộc đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực trong phạm vi cả nước và ngay với cơ quan chủ quản của mình.

Vũ Ngọc Lân

(Tạp chí Dân vận, Ban Dân vận Trung ương)

;
.