Nêu gương để Đảng mạnh, dân tin
Thứ Sáu, 10/04/2020, 07:26 [GMT+7]
Mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng là về đạo đức. Người căn dặn: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân".
Đạo đức người cách mạng
Đề cập đến đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên, phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính" được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến nhiều nhất trong các bài nói, bài viết của mình. Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trước lúc đi xa, một lần nữa Người nhấn mạnh: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư".
Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” |
GS.TS Hoàng Chí Bảo, người dành hơn 30 năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, lý thuyết đạo đức của Bác là đạo đức cách mạng, quy tụ vào bốn giá trị, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính. Có đủ cần, kiệm, liêm, chính mới chí công vô tư được, mới vô ngã, vị tha được, mới có thể đứng ngoài vòng danh lợi để suốt đời vì nước, vì dân được. Bác nói cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức cơ bản để làm Người, phải đủ cả bốn đức mới là con người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Nhưng ở đời, nhân vô thập toàn, cho nên muốn có đủ bốn đức thì suốt đời phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân mà Bác gọi là chống giặc nội xâm ngay ở trong lòng. Bác còn hình dung đây là cuộc chiến đấu suốt đời mà sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng.
Bốn phẩm chất cơ bản được Hồ Chủ tịch nhấn mạnh nhiều lần trong các bài nói, bài viết hàm ý rằng phải tu dưỡng, tôi rèn "cần, kiệm, liêm, chính" để xứng đáng là con Người, đặc biệt đối với những cán bộ, đảng viên - những công bộc do dân tin tưởng lựa chọn thì hơn ai hết phải thấm nhuần, soi, sửa và hành động cho đúng đạo lý. Thế nhưng bên cạnh những gương sáng đảng viên thì có không ít những cán bộ của Đảng vì thiếu tu dưỡng, rèn luyện đã để lại điều tiếng muôn đời.
Bước qua ranh giới, bên kia là bóng tối, là tội ác
Ngay những tháng đầu năm nay, Bộ Chính trị đã kỷ luật Bí thư Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 vì những sai phạm kéo dài trong quá trình hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng và kéo dài của những cá nhân và tổ chức Đảng này không chỉ gây thiệt hại lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố mà còn gây bức xúc trong xã hội. Vi phạm các nguyên tắc của Đảng, triển khai công việc trái với chủ trương của Hội đồng Nhân dân thành phố, đặt lợi ích cá nhân lên trên khi thừa hành công vụ là khởi nguồn cho những sai phạm nối tiếp sai phạm của nhiều đảng viên nắm giữ những vị trí quan trọng trong tổ chức Đảng của thành phố nhiệm kỳ vừa qua.
Năm 2019, dư luận bàng hoàng, rồi căm phẫn khi biết rằng một đường dây tổ chức đánh bạc trên mạng quy mô lớn, với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng có sự tham gia của cả những người từng là sỹ quan cao cấp của ngành Công an. Đau lòng bởi những người này lẽ ra phải thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, đấu tranh với các loại tội phạm, đưa ra ánh sáng những hành vi vi phạm pháp luật thì họ lại sử dụng quyền năng và địa vị để “bảo kê” tội phạm nhằm hưởng lợi.
Trong môi trường đầy rẫy sự cám dỗ, nếu không đủ bản lĩnh, không giữ được sự liêm chính, cốt cách thì cán bộ dễ dàng tha hóa, biến chất, nghiêm trọng hơn là đồng lõa, tiếp tay cho các hành vi phạm pháp. Những sai phạm này đã đánh thẳng vào niềm tin của người dân đối với cán bộ, hủy hoại những thành quả tốt đẹp bấy lâu Đảng đã gây dựng.
Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân", tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh: "Tất cả đảng viên dẫu ở cương vị nào, trọng trách nào, không bao giờ được buông lỏng sự tự ý thức, rèn luyện của bản thân. Đặc biệt, kiên quyết chống và bài trừ những kẻ thoái hóa biến chất. Đây là việc làm lớn nhất của Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhằm chăm lo giữ vững bản chất cách mạng và tính tiên phong của Đảng."
Đất nước sau gần 35 năm đổi mới, cùng với nhiều thành tựu đáng trân trọng, đang phải chịu sự tác động của toàn cầu hóa và mặt trái kinh tế thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách của không ít cán bộ, đảng viên. Sự phân hóa giàu - nghèo làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn xã hội; dễ nảy sinh tham nhũng, tội phạm, bạo lực; kích thích chủ nghĩa cá nhân, lối sống chạy theo đồng tiền, bất chấp đạo lý…
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã rất bất bình khi một vị cán bộ của quận Thủ Đức cùng với người thân trong gia đình thản nhiên trong nhiều năm xây dựng không phép 7 công trình gồm nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí… với tổng diện tích hơn 1.800 m2.
Hành vi nhận hối lộ của 5 cựu cán bộ Thanh tra tỉnh Thanh Hóa để bỏ qua những sai phạm trong quá trình thanh tra trên địa bàn huyện Thiệu Hóa, cụ thể là giúp doanh nghiệp giảm số tiền truy thu thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước, đã bị phát giác, để lại nỗi buồn khôn nguôi bởi những chính những người bảo vệ pháp luật lại vi phạm pháp luật.
Những hành vi sai phạm bị xử lý nghiêm minh, nhưng việc những công bộc được trao quyền đã tận dụng để tư lợi, chắc chắn để lại khoảng trống trong niềm tin của người dân đối với cán bộ, đặc biệt là vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Có nhiều con đường dẫn đến sự tha hóa, biến chất của người cán bộ, nhưng nguyên nhân quan trọng là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên - những người được Nhà nước trao quyền đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi "cán bộ, đảng viên giữ nhiều trọng trách, thường xuyên phải đối mặt với những cám dỗ của tiền bạc, của cải vật chất, quyền lực, lợi ích cá nhân" thì câu chuyện giữ gìn đạo đức của người cán bộ, đảng viên càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nêu gương - phương thức lãnh đạo của Đảng
Để thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải thống nhất giữa lời nói và việc làm, thực hiện tốt vai trò nêu gương của người cán bộ, đảng viên, “nói đi đôi với làm”, phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương. Nêu gương và noi gương chính là thực hành đạo đức và phải trở thành một phương thức lãnh đạo, là trách nhiệm và đạo lý của người cán bộ.
Chỉ khi mỗi người cán bộ, đảng viên ý thức rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn, rèn rũa đạo đức cách mạng, sống trách nhiệm với chính mình, với dân, với nước, mới đẩy lùi được những nguy cơ suy thoái mà Đảng đã chỉ ra. Nêu cao thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên chính là mấu chốt để gìn giữ và nhân lên niềm tin yêu của nhân dân với Đảng.
Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đã nhiều lần được đề cập trong các văn bản, nghị quyết, quy định của Đảng. Từ việc nêu rõ 7 nội dung cần nêu gương tại Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, cho tới nghiêm cấm một số việc và yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm một số việc, nhằm tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, giữ gìn hình ảnh, uy tín của Đảng được quy định rõ tại Quy định số 55-QĐ/TW, cho thấy Đảng ta luôn đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Tiếp đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu tiên ban hành Quy định 08-QĐi/TW đề cập cụ thể trách nhiệm nêu gương của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng một lần nữa khẳng định việc nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó, để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng; được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng thì người đảng viên, người cán bộ lãnh đạo phải nêu gương. Muốn thu hút, lôi kéo, động viên được quần chúng theo mình, người lãnh đạo không chỉ đi tiên phong, mà còn là người nêu gương cho những người đi theo.
Thực tế thời gian qua đã cho thấy sự sa ngã của những đảng viên - một thời từng là những cốt cán được Đảng tin, dân trọng - chính là hậu quả của sự thiếu rèn luyện đạo đức cách mạng thường xuyên và liên tục bởi lằn ranh giữa ánh sáng và bóng tối, giữa cái thiện và cái ác, giữa người đại diện công lý và kẻ phạm tội trong nhiều trường hợp là rất mong manh. Khoảnh khắc mà người cán bộ, đảng viên lãng quên lời thề trước Đảng kỳ, quay lưng lại với sự nghiệp cách mạng của Đảng chính là lúc tuột dốc về đạo đức và phẩm giá, mất đi sự tin tưởng của quần chúng, nhân dân.
Thực tiễn 90 năm phát triển của Đảng ta cũng đã cho thấy dân tin yêu và đi theo con đường của Đảng bắt đầu từ những gương cán bộ, đảng viên cụ thể, nói đi đôi với làm. Nhiều đảng viên gương mẫu, Đảng sẽ mạnh, dân sẽ luôn tin tưởng và sẵn sàng thực hiện mọi chủ trương, đường lối đúng đắn mà Đảng đề ra, đất nước sẽ luôn phồn thịnh và người dân được ấm no, hạnh phúc.
Quỳnh Hoa
(TTXVN)