Vai trò của báo chí trong chống tham nhũng nhìn từ vụ Trịnh Xuân Thanh
Thứ Tư, 01/02/2017, 19:31 [GMT+7]
Thời gian qua, báo chí đã dũng cảm, tích cực đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ở đâu có tham nhũng, tiêu cực ở đó có sự đồng tâm, hiệp lực kịch liệt lên án, đấu tranh không khoan nhượng của đội ngũ nhà báo. Bằng những tác phẩm mang đầy sức chiến đấu, thông qua nhiều hình thức, thể tài phong phú, báo chí không chỉ phê phán, phanh phui, “điểm mặt chỉ tên” từng đối tượng, sự việc cụ thể mà những kết quả điều tra công phu của họ còn là những cứ liệu ban đầu hết sức quan trọng giúp các cơ quan chức năng vào cuộc.
Một thực tế hết sức sống động là trong hầu hết các vụ tiêu cực, tham nhũng lớn ở một số cơ quan Trung ương và địa phương được phát hiện, đưa ra trước ánh sáng công luận và xử lý đến nơi đến chốn đều có công đầu của báo chí. Ví dụ như: Vụ “con bạc triệu đô” Bùi Tiến Dũng và tiêu cực lớn ở PMU18; vụ cán bộ lãnh đạo thị xã Đồ Sơn (Hải Phòng) chia chác hàng chục mảnh đất trị giá hàng tỷ đồng cùng bản án sơ thẩm “nhẹ như lông hồng”; vấn đề nhà công vụ biến thành nhà tư, vụ siêu lừa đảo Nguyễn Đức Chi cùng dự án Rusalka và những sự “ưu ái” khó hiểu từ lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa; vụ lừa đảo do Nguyễn Lâm Thái cầm đầu; vụ tham nhũng của cựu đại biểu Quốc hội Mạc Kim Tôn; vụ “ăn chặn” tiền cứu trợ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh); vụ đề án tin học hóa các hoạt động hành chính (Đề án 112); vụ Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ; vụ vi phạm trong giải phóng mặt bằng cầu Thanh Trì (Hà Nội); vụ chạy hạn ngạch (quota) dệt may tại Bộ Thương mại; vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Công ty Cổ phần bảo hiểm Petrolimex (PJICO); vụ Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và Môi trường nước TP . Hồ Chí Minh; dự án xây dựng cầu Bãi Cháy; vụ Vinashin... Gần đây là các vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên, Huỳnh Thị Huyền Như, Phạm Công Danh… Bài viết này sẽ đi sâu phân tích diễn biến vụ Trịnh Xuân Thanh để thấy rõ hơn vai trò của báo chí trong việc phát hiện, điều tra và xét xử… tham nhũng.
Bắt đầu từ những hình ảnh về chiếc xe Lexus 570 trị giá hơn 5 tỷ đồng mang biển số xanh 95A-0699 của ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang chạy trên đường phố miền Tây được người dân chụp và đăng tải lên mạng xã hội vào cuối tháng 52016. Ngay lập tức nó thu hút sự chú ý của dư luận cùng những lời bình luận không tích cực vì cho rằng chiếc xe công này quá sang so với tiêu chuẩn Nhà nước bố trí cho cán bộ cấp tỉnh, nếu nó được mua bằng ngân sách thì sai quy định. Như một vết dầu loang, hàng chục cơ quan báo chí lớn với đa dạng các loại hình từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử đến fanpage vào cuộc thông tin: “Phó Chủ tịch tỉnh bất ngờ đem xe riêng hạng sang sung công quỹ” (VietNamNet ngày 31-5-2016), “Xe Lexus hơn 5 tỷ của Phó Chủ tịch Hậu Giang được gắn biển xanh” (VnExpress ngày 01-6-2016), “Phó Chủ tịch tỉnh đổi xe 5 tỷ biển xanh sang biển trắng” (VietNamNet ngày 01-6-2016), “Gắn biển xanh cho xe Lexus, nghĩ về bổn phận và công bộc” (Tuổi trẻ Online ngày 02-62016), “Tại sao trắng lại biến thành xanh?” (Tuổi trẻ Online ngày 12-6-2016), “Bí thư Hậu Giang xin rút kinh nghiệm vụ “hóa kiếp” xe Lexus” (Tuổi trẻ Online ngày 13-6-2016), “Nhập nhằng biển trắng, biển xanh” (Nhân Dân điện tử)… Tại thời điểm đó, ông Trịnh Xuân Thanh và lãnh đạo tỉnh Hậu Giang giải thích, do địa phương còn khó khăn, chưa thể bố trí xe nên ông Thanh mượn của bạn chiếc xe hơn 5 tỷ đồng này (vốn mang biển kiểm soát 29A-79093) mang từ Hà Nội vào để đi lại, phục vụ công tác. Được sự đồng ý của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hậu Giang, Phòng Cảnh sát giao thông (PC67) Công an tỉnh Hậu Giang đã tạm cấp biển số xanh cho ô tô cá nhân của ông Thanh, tuy nhiên, sau khi có dư luận, đến ngày 31-5-2016, ông Thanh đã trả lại biển số xanh 95A-0699 và thay vào biển số trắng 29A-790.93.
Không chấp nhận sự giải thích của tỉnh Hậu Giang cũng như việc trả lại biển số xe của ông Trịnh Xuân Thanh một cách dễ dàng như vậy, các cơ quan báo chí đã nhập cuộc để điều tra, làm rõ sự việc. Lúc này, nhiều chuyện động trời khác về sự vi phạm pháp luật cũng như quá khứ “oai hùng” cùng một “di sản” thua lỗ của ông Thanh đã được báo chí từng bước làm rõ, đưa ra ánh sáng.
Thứ nhất, đối chiếu các quy định pháp luật thì Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh không thuộc diện được sử dụng ôtô biển xanh đưa đón, chỉ được sử dụng ôtô phục vụ công tác chung tại cơ quan.
Thứ hai, theo quy định của Luật giao thông đường bộ, các nghị định hướng dẫn cũng như Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04-4-2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì mỗi xe ô tô khi đủ điều kiện lưu hành chỉ được cấp một biển số. Trong trường hợp phương tiện được mua bán, phải sang tên đổi chủ, đổi biển số theo quy định. Việc Công an tỉnh Hậu Giang cấp thêm một biển số xe mà không thực hiện các thủ tục mua bán, cho tặng là sai trình tự thủ tục về đăng ký xe.
Thứ ba, cũng không có quy định nào của Bộ Công an về cấp biển số xanh cho xe tư nhân, việc một số người có trách nhiệm ở tỉnh Hậu Giang nói cấp tạm thời biển số xanh cho chiếc xe ông Thanh sử dụng là vi phạm pháp luật.
Thứ tư, trong suốt thời gian từ năm 2007 đến 2013, khi ông Trịnh Xuân Thanh làm Tổng Giám đốc Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) - Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, rồi Chủ tịch Hội đồng quản trị, PVC lỗ hơn 3.262 tỷ đồng.
Thứ năm, dù lãnh đạo doanh nghiệp làm ăn thua lỗ nhưng PVC vẫn được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2011, ông Thanh được bổ nhiệm làm Phó Chánh văn phòng Bộ - Trưởng đại diện Văn phòng miền Trung của Bộ Công thương tại Đà Nẵng vào tháng 9-2013, rồi Vụ trưởng - Trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công thương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Với sự vào cuộc quyết liệt của báo chí, hàng chục bài báo trên các báo lớn đã giúp mở rộng dư luận, đặc biệt sau bài “Xe tư nhân gắn biển số xanh và di sản của Phó chủ tịch Hậu Giang” (Thanh niên ngày 03-62016), ngày 09-6-2016, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Công an, Ban cán sự đảng các bộ Công Thương, Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Tỉnh ủy Hậu Giang và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam khẩn trương kiểm tra, xem xét, kết luận những nội dung mà báo đã nêu và coi đây là việc cần làm ngay.
Lúc này, báo chí đã phối hợp, góp phần thúc đẩy các cơ quan chức năng phải vào cuộc một cách nghiêm túc và quyết liệt hơn nữa. Báo chí và dư luận bàn nhiều đến tư cách Đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh khi mà trong kỳ bầu đại biểu Quốc hội khóa 2016-2021, ông Thanh đã trúng cử với tỷ lệ phiếu cao nhất tỉnh (đạt 75%). Với việc sử dụng nhiều thể loại, từ tin đến phỏng vấn, điều tra, tham vấn ý kiến của các luật sư, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, cựu quan chức trong nhiều lĩnh vực, ý kiến của nhân dân,… báo chí đã cung cấp cho công chúng một cái nhìn đa chiều về tư cách cán bộ, đảng viên, đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh. Ngày 15-7-2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tiến hành bỏ phiếu biểu quyết và kết quả là 100% thành viên nhất trí việc không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV của ông Trịnh Xuân Thanh.
Tại kỳ họp lần thứ VI từ ngày 06-9 đến 08-9-2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh vì những khuyết điểm, vi phạm là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước. Sau đó, Ban Bí thư biểu quyết bằng phiếu kín, đồng ý 100% kỷ luật khai trừ khỏi Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh. Ngày 16-9-2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự với ông Trịnh Xuân Thanh. Xác định bị can Trịnh Xuân Thanh đã bỏ trốn, Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế.
Tuy nhiên, không thể dừng lại ở mức độ chỉ xử lý ông Trịnh Xuân Thanh, nguyện vọng chính đáng của hàng triệu người dân và dư luận mong muốn phải đi tới cội nguồn, ngóc ngách của vụ việc này, động chạm tới tổ chức và cá nhân đã để cho ông Thanh dễ dàng lách qua các cửa hẹp mà “vượt vũ môn”. Báo chí đã theo sát các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc, thông tin kịp thời những kết quả để giúp công chúng biết, hiểu, nắm được chi tiết diễn biến của vấn đề, cùng chia sẻ với sự chỉ đạo kiên quyết trong chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, không chịu bất cứ sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Đồng thời, báo chí cũng thúc đẩy các cơ quan điều tra, cơ quan pháp luật khẩn trương giải quyết, xét xử vụ việc. Báo chí cũng đấu tranh đòi hỏi các cơ quan quyền lực của Nhà nước phải tôn trọng quyền được thông tin của nhân dân, cung cấp thông tin minh bạch trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội đặc biệt trong vấn đề tài chính, sử dụng tài sản công, tiền thuế của người dân, bổ nhiệm cán bộ… Từ sự việc của Trịnh Xuân Thanh, dư luận nhìn nhận và đặt ra nhiều vấn đề trong giai đoạn hiện nay: Nạn tham nhũng “khủng” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; nạn chạy chức, chạy quyền; quy trình bổ nhiệm cán bộ, vai trò của hệ thống chính trị các cấp… Đó đều là những thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.
Cuối cùng thì những người theo dõi vụ Trịnh Xuân Thanh cũng đã có được câu trả lời, dù sự việc vẫn đang tiếp tục. Với quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm” của Đảng và Nhà nước nhằm làm trong sạch bộ máy, liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, xử lý và đề nghị thi hành kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp và tổ chức đảng. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra, xử lý với quan điểm, thái độ cương quyết, không dung tha cho những hành vi tham nhũng, rồi đây sẽ còn nhiều điều được đưa ra trước ánh sáng, có thể sẽ còn có cán bộ tiếp tục phải kiểm điểm, nhận kỷ luật, thậm chí nhận hình phạt theo quy định của pháp luật. Sau nửa năm làm nóng dư luận, báo chí đã khiến vụ Trịnh Xuân Thanh trở thành một trong những câu chuyện được thảo luận, bàn tán nhiều nhất nơi các cơ quan, công sở, từ nông thôn đến thành thị. Qua khảo sát, có hàng nghìn bài báo về vụ việc này cho thấy sự vào cuộc rất lớn của báo chí, sự dấn thân của nhà báo, sự lên tiếng mạnh mẽ của các chuyên gia và dư luận xã hội giúp cho các cơ quan chức năng và nhân dân có cái nhìn tổng thể, toàn diện. Vụ việc cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các vị lão thành, nguyên tướng lĩnh và đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, lực lượng trí thức trong và ngoài nước.
Vẫn biết đây là cuộc đấu tranh phức tạp, dai dẳng, vô cùng khó khăn trong mỗi con người, trong nội bộ mỗi cơ quan, tổ chức, liên quan đến lợi ích chằng chịt nhưng không thể không làm nếu muốn nhân tố mới thực sự có chỗ đứng, xã hội ngày càng tốt đẹp, niềm tin vào Đảng vững bền. Nhưng để cuộc chiến chống tham nhũng có thể đi đến hồi kết, nếu chỉ một cá nhân hoặc báo chí đơn độc đều không thể có kết quả, như trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm ngày 06-82016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cử tri nói là mong Tổng Bí thư đánh trống liên hồi, làm đến cùng, nhưng một mình Tổng Bí thư vào cuộc chưa đủ, toàn dân, cả hệ thống phải cùng làm”.
Đối với nhiều người, vụ việc Trịnh Xuân Thanh đang dần đi đến hồi kết. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả bộ máy chính quyền, sự theo dõi và giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, sự bám sát diễn biến của hàng trăm cơ quan báo chí, sự quan tâm của nhân dân cả nước, chắc chắn vụ việc sẽ được tiếp tục điều tra, xử lý triệt để, những kẻ có tội sẽ phải trả giá… Nhưng với mỗi nhà báo, nhất là những người trực tiếp theo dõi, đưa tin, viết bài về vụ Trịnh Xuân Thanh thì vụ việc này hoàn toàn chưa kết thúc, thậm chí nó mới chỉ bắt đầu…
PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
;