Điểm báo tuần số 459 từ ngày 14/02 đến ngày 20/02/2022 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 21/02/2022, 10:20 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/02) đưa tin, liên quan đến vụ án sai phạm tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan, sau bản án sơ thẩm tuyên ngày 08/01/2022, có 11/20 bị cáo kháng cáo. Cụ thể, bị cáo Tất Thành Cang (Cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020) kháng cáo các nội dung trong bản án sơ thẩm liên quan đến ông; đồng thời, bị cáo Cang cho rằng hình phạt 10 năm tù như án sơ thẩm là quá nặng. Tám bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, gồm: Bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị SADECO), Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng giám đốc SADECO), Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy), Huỳnh Phước Long (đại diện vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO), Trần Công Thiện (đại diện vốn của IPC tại SADECO), Trần Đăng Linh (nguyên Phó Tổng giám đốc SADECO), Vũ Xuân Đức (nguyên Phó tổng giám đốc IPC), Đỗ Công Hiệp (nguyên kế toán trưởng SADECO). Bị cáo Nguyễn Trường Bảo Khánh (thành viên Hội đồng thành viên Công ty IPC) xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo. Bị cáo Nguyễn Văn Minh (nguyên Trưởng ban Kiểm soát Công ty SADECO) kháng cáo xin xem xét lại tội danh và mức án đối với bị cáo. Bị hại là Công ty SADECO cũng kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm buộc các bị cáo Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm bồi thường số tiền 2,8 tỷ đồng, hủy bỏ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần thứ 13 ngày 7/12/2017 của SADECO (đăng ký tăng vốn điều lệ từ 170 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng). SADECO yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp với số vốn điều lệ là 170 tỷ đồng…
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật,  Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/02) đưa tin, Công an Bình Thuận vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với 05 bị can nguyên là những dân quân tự vệ để điều tra về các hành vi cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật. Các bị can bị bắt gồm: Trần Ngọc Đức (31 tuổi), Lê Ngọc Qua (27 tuổi), Lê Nhật Hải (21 tuổi), Nguyễn Minh Tiến (26 tuổi), Nguyễn Quang Minh (23 tuổi), cùng ngụ ở phường Phú Thủy, TP Phan Thiết. Theo điều tra ban đầu, chiều chiều 31/8/2021, các bị can trên là dân quân tự vệ thuộc phường Phú Thủy đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát người dân chấp hành các quy định Chỉ thị 16 trong phòng chống dịch COVID-19 tại địa bàn phường. Các bị can phát hiện anh Trần Văn Trí (36 tuổi) không mang theo giấy tờ tùy thân, vi phạm Chỉ thị 16 nên đưa về trụ sở làm việc. Tại đây, anh Trí có lời lẽ không hay và không làm chủ được bản thân nên các bị can đã dùng gậy đánh gây thương tích. Đến tối cùng ngày, anh Trí mới được cả nhóm cho về nhà. Do vết thương quá nặng nên đến rạng sáng hôm sau, anh Trí tử vong tại nhà. Cơ quan điều tra xác định ngoài gây thương tích cho nạn nhân, nhóm dân quân tự vệ trên giữ anh Trí từ 17h đến 21h là trái quy định pháp luật. Theo chính quyền địa phương, nạn nhân cũng từng có nhiều tiền án và nghiện ma túy.
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (14/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận (PC01) vừa bắt giữ đối tượng Phạm Quốc Hội (sinh năm 1967, ngụ TP.Phan Thiết) khi đang lẩn trốn tại TP.Hồ Chí Minh. Hội là đối tượng đang bị Công an tỉnh Bình Thuận ra quyết định truy nã về tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Theo hồ sơ, năm 2019, ông N.T.S thông qua giới thiệu đã gặp đối tượng Phạm Quốc Hội để nhờ giúp việc xin giấy phép xây dựng khách sạn tại tỉnh Khánh Hòa. Đối tượng Hội tự nhận là sĩ quan quân đội, cấp hàm Trung tướng đang công tác tại tỉnh Khánh Hòa và có quan hệ xã hội rộng. Sau khi thoả thuận, Hội nhận giúp xin giấy phép xây dựng và các thủ tục khác có liên quan với tổng chi phí là 3,6 tỉ đồng. Ông S đã 3 lần giao tiền cho Hội với tổng số tiền trên 2,5 tỉ đồng và làm hợp đồng ủy quyền cho đối tượng này đại diện đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để làm các thủ tục. Khoảng 3 tháng sau, ông S nhiều lần gọi điện hối thúc tiến độ xin phép xây dựng nhưng không liên lạc được với Hội. Sau khi biết Hội không có mặt tại địa phương, không công tác tại quân đội như đã giới thiệu, ông S đã gửi đơn tố giác tội phạm đến Công an tỉnh Bình Thuận. Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, đối tượng đã lợi dụng danh nghĩa cán bộ cấp cao của Quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cơ quan điều tra, Công an Bình Thuận đã truy tìm và bắt được đối tượng Hội. Hiện vụ việc đang được PC01 Công an Bình Thuận tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (15/02) cho biết Tòa án Nhân dân TP Phan Thiết (Bình Thuận) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 10 bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai Phan Thiết và Chi cục thuế Phan Thiết về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cả 10 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” nhưng mức độ hậu quả gây ra khác nhau nên được xếp vào các điểm, các khoản khác nhau trong điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo cáo trạng, từ tháng 3/2016 đến tháng 12/2018, UBND TP Phan Thiết đã ban hành 166 quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất ở nông thôn đối với 166 thửa tại 3 xã Thiện Nghiệp, Phong Nẫm và Tiến Lợi. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xác định thông tin khu vực, vị trí đối với các thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng đất để chuyển cho Chi cục Thuế TP Phan Thiết xác định nghĩa vụ tài chính, các cá nhân thuộc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phan Thiết, gồm: Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc; Nguyễn Hữu Hoành là Phó Giám đốc cùng các nhân viên Nguyễn Thị Hoàng Oanh, Lê Thị Thanh Hạnh, Tạ Thị Thanh Huyền, Nguyễn Hồ Luân đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Việc này dẫn đến xác định sai thông tin khu vực, vị trí đối với 46 thửa đất xin chuyển mục đích sử dụng đất, gây thiệt hại tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ phải nộp cho ngân sách Nhà nước tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Trong đó, Nguyễn Hữu Hoành chịu trách nhiệm về thiệt hại số tiền hơn 5,66 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hoàng Oanh là hơn 3,05 tỷ đồng; Tạ Thị Thanh Huyền gần 1,1 tỷ đồng; Lê Thị Thanh Hạnh là 602 triệu đồng; Nguyễn Ngọc Hải hơn 381 triệu đồng và Nguyễn Hồ Luân hơn 377 triệu đồng. Các cá nhân thuộc Chi cục thuế Phan Thiết, gồm: Bạch Dân Vinh, Phó Chi cục trưởng; Trần Văn Đông là Đội trưởng; Nguyễn Ngọc Quang là Phó đội trưởng, Đỗ Lễ là nhân viên Đội Trước bạ - Thu khác đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, thiếu kiểm tra, kiểm soát hồ sơ dẫn đến tính tiền sử dụng đất không đúng, gây thiệt hại cho Ngân sách nhà nước gần 3,6 tỷ đồng. Trong đó, Bạch Dân Vinh chịu trách nhiệm về thiệt hại đối với số tiền hơn 3,58 tỷ đồng; Trần Văn Đông hơn 3,43 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Quang hơn 3,3 tỷ đồng và Đỗ Lễ hơn 292 triệu đồng. Hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của đơn vị, gây thiệt hại đến nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Do đó, cần xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự nhằm răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 5 ngày.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/02) đưa tin, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngày 15/2, tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra vụ án nghiêm trọng làm 2 người tử vong, 1 người bị thương nặng. Vào khoảng 9 giờ 45 phút ngày 15/2, đối tượng Lê Văn Hữu (sinh năm 1981, trú tại xóm Tân Tiến, xã Dân Tiến) dùng súng bắn ông Lê Văn T. và vợ là bà Phạm Thị Đ. (cùng sinh năm 1971, trú xóm Tân Tiến). Sau khi gây án, đối tượng Lê Văn Hữu đã dùng súng tự sát. Hậu quả, ông Lê Văn T. và đối tượng Lê Văn Hữu tử vong, bà Phạm Thị Đ. bị thương nặng hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo xã Dân Tiến cho biết: "Nghi phạm dùng súng bắn từ tầng 2 sang nhà hàng xóm, sau đó dùng súng tự sát. Ngay sau vụ việc, chúng tôi đã phối hợp với phía công an để phong tỏa hiện trường, điều tra làm rõ vụ việc". Theo lực lượng chức năng, giữa đối tượng Lê Văn Hữu và những người liên quan có phát sinh mâu thuẫn cá nhân. Gia đình nạn nhân đang trong quá trình xây dựng tường rào trước nhà thì xảy ra vụ việc nêu trên. Hiện, Công an huyện Võ Nhai và lực lượng Công an tỉnh Thái Nguyên đang tích cực điều tra làm rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định pháp luật.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động, VietNamNet, Pháp luật Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (16/02) đưa tin, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022. Đây là phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật lần thứ 2 trong năm 2022. Trước đó, ngay trong tháng 1/2022, Chính phủ đã tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, cho ý kiến đối với 8 dự án, đề nghị xây dựng luật. Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 2/2022 tập trung xem xét, thảo luận, quyết định đối với đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và 8 dự án luật, đề nghị xây dựng luật. Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: Tiếp tục quan tâm công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo đảm xứng tầm với một trong ba đột phá chiến lược, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục tập trung, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát các luật, nghị định, thông tư liên quan tới lĩnh vực quản lý, phát hiện các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề phát sinh cần điều chỉnh, tích cực chuẩn bị các hồ sơ, dự thảo, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định của Đảng, Nhà nước. Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, bảo đảm việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đúng quy định, trình tự, thời hạn và nâng cao chất lượng. Các cơ quan tiếp tục quan tâm về chế độ, chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất… cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Thanh tra,  Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (17/02) đưa tin, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành bế mạc Phiên họp thứ 8. Sau 2,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch, chương trình đề ra. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, về công tác lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ tịch Quốc hội lưu ý cơ quan trình và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng các dự án Luật này trước khi trình Quốc hội; đồng thời, khẩn trương chuẩn bị các tài liệu liên quan để thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sắp tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, thông qua tại Kỳ họp thứ 4. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần bảo đảm chất lượng, nếu khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà chưa đủ điều kiện thì vẫn phải lùi lại. Chính phủ cần tập trung làm rõ những vấn đề được cơ quan thẩm tra nêu ra và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp tháng 3 tới trước khi trình Quốc hội. Tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 1/2022 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, Báo cáo công tác dân nguyện trình Phiên họp tháng 3/2022 cần bám sát với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”, trong đó, chú ý những nội dung đang nổi lên, vấn đề được nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở hơn 1.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ đã đề xuất và hơn 500 vụ việc có liên quan đến trật tự, an toàn do Bộ Công an thống kê, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ban Dân nguyện làm đầu mối, phối hợp với các cơ quan hữu quan để thống kê, lập hồ sơ, đề xuất với Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị Quốc hội đưa vào diện theo dõi của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát việc thực hiện trong nhiệm kỳ này. Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Việc thành lập các phường, thị xã Phổ Yên và thành lập thành phố Phổ Yên sẽ tạo điều kiện phát huy những thuận lợi hiện có để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phía Nam tỉnh Thái Nguyên và là cửa ngõ giao thương kinh tế, văn hóa của tỉnh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thông qua Nghị quyết này cũng có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết chuyên đề về việc quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị bền vững của Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn dài hạn đến năm 2045. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ của Ban Công tác đại biểu. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Công tác đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng và tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để tiếp thu, giải trình đầy đủ, làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban; chế độ làm việc của Ban; nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban, Phó Trưởng Ban… Đồng thời, giao cho Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ban Công tác đại biểu tiếp thu các ý kiến thảo luận để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là một vấn đề rất quan trọng, nằm trong danh mục 107 đề án và các nhiệm vụ lớn thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 161/2021/QH14 của Quốc hội khóa XIV. Do đó, Chủ tịch Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các đơn vị liên quan tiếp thu tối đa để hoàn thiện với chất lượng cao nhất dự thảo Nghị quyết này…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can để điều tra về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ, địa chỉ tại số 2, ngõ 9, phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê chuẩn. Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bắc Ninh đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở, chỗ làm việc của các bị can là thành viên của Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà và xây dựng Tây Hồ gồm: Tân Tú Hải (61 tuổi, ở quận Đống Đa, thành viên Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc); Đặng Quang Tuấn (51 tuổi, ở quận Cầu Giấy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị); Phan Việt Anh (46 tuổi, ở quận Ba Đình, nguyên Phó Tổng Giám đốc) và Chu Thị Ngọc Ngà (60 tuổi, ở quận Tây Hồ, Trưởng ban Kiểm soát). Theo thông tin ban đầu, sai phạm của các đối tượng có liên quan đến địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Lực lượng chức năng Công an tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ vụ án.
 
    Báo Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Lao Động, Thanh Niên, VietNamNet, Dân trí, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/02) đưa tin, Công an tỉnh Vĩnh Long đã quyết định tống đạt khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Trần Anh Tuấn (sinh năm 1982) - Giám đốc Công ty Cổ phần khảo sát và xây dựng công trình Thịnh Phát (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo hồ sơ, ngày 27.9.2018, Ban Quản lý dự án Lưới điện miền Nam ký hợp đồng tư vấn giám sát thi công xây dựng phần móng thuộc Công trình phân pha dây dẫn đường dây 110kV Vĩnh Long - Vũng Liêm, có giá trị hợp đồng trên 417 triệu đồng với Công ty Cổ phần khảo sát và xây dựng công trình Thịnh Phát do Trần Anh Tuấn làm Giám đốc. Do Công ty không đủ điều kiện nhân lực nên Trần Anh Tuấn đã dùng thủ đoạn gian dối, sử dụng chứng chỉ hành nghề giám sát không rõ nguồn gốc, làm khống hợp đồng lao động với 2 cán bộ giám sát xây dựng để đủ điều kiện tham gia dự thầu và được chỉ định thầu. Quá trình thực hiện hợp đồng tư vấn giám sát, Trần Anh Tuấn không thực hiện công việc giám sát công trình theo quy định mà chỉ căn cứ vào số liệu, hình ảnh của các đơn vị thi công cung cấp để hợp thức hóa việc giám sát và nghiệm thu công trình. Trần Anh Tuấn đã quyết toán số tiền thực hiện hợp đồng trên 167 triệu đồng, số còn lại chưa quyết toán thì bị Cơ quan điều tra phát hiện. Do công trình không được giám sát nên các đơn vị thi công đã "rút ruột" công trình, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng. Hiện, vụ việc vẫn đang được Cơ quan Công an hoàn tất hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đại đoàn kết, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17/02) cho biết, quá trình điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái), ngày 16/2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Yên Bái đã ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bị can Nông Ích Chấn, sinh năm 1972, trú tại tổ 7, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Trước đó, ngày 12/10/2021, Công an tỉnh Yên Bái ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Trần Quốc Dương, sinh năm 1975, công chức địa chính xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ; Trần Đăng Khôi, sinh năm 1979, Chủ tịch Hội nông dân huyện Văn Chấn; Trần Đăng Khánh, sinh năm 1980, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Văn Chấn, về tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, từ năm 2019 đến năm 2020. Quá trình điều tra xác định, trong quá trình khảo sát, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để Công ty TNHH tư vấn đầu tư thương mại Thiên Hà thực hiện Dự án trang trại nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất tại thôn Suối Quẻ, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn (nay thuộc thị xã Nghĩa Lộ) từ năm 2019 đến năm 2020, 3 bị can đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao làm trái công vụ với mục đích vụ lợi. Hiện vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, VnExpress, VietNamNet, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18/02) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) đang thụ lý điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Căn cứ kết quả điều tra, làm rõ dấu hiệu sai phạm tại các dự án sử dụng đất của VEAM, C03 đã khởi tố các bị can: Lâm Chí Quang, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị; Nguyễn Thanh Giang, nguyên Tổng giám đốc và Đào Huấn Ngữ, nguyên Giám đốc Công ty Đúc số 1 về cùng tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí. Cơ quan điều tra xác định các bị can trên đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, sử dụng khu đất diện tích gần 9.000 m2 tại số 220 đường Bình Thới, phường 14, quận 11, TP Hồ Chí Minh. Hành vi của các bị can đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Hiện C03 đang điều tra mở rộng vụ án để thu hồi tài sản thất thoát cho Nhà nước. Trước đó, bị can Lâm Chí Quang cùng hàng chục người khác là nguyên lãnh đạo của VEAM đã bị C03 khởi tố trong vụ án khác vì có nhiều quyết định, chủ trương đầu tư trái quy định gây thiệt hại tài sản của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. Trong số đó có Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng giám đốc VEAM; Vũ Từ Công, nguyên Phó tổng giám đốc VEAM và Nguyễn Mạnh Chung, nguyên Giám đốc Công ty TNHH máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC). 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Công lý, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thừa Thiên Huế đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Giám đốc và Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với 2 bị can là: Hoàng Văn Đức, sinh năm 1970, trú tại phường Vỹ Dạ, TP Huế-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Hà Thúc Nhật, sinh năm 1983, trú tại phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà là Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã được Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng cấp ký ngày 17/2. Trước đó, qua điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát hiện sai phạm liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, vật tư hóa chất, quần áo bảo hộ phòng, chống dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn tỉnh. Quá trình điều tra xác minh, lực lượng Công an phát hiện đối tượng Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã vi phạm quy định về đấu thầu trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế gây thiệt hại tài sản của nhà nước. Khám xét tại nhà và nơi làm việc của các bị can, lực lượng Công an thu giữ nhiều tài liệu, tiền mặt liên quan đến vụ án. Hiện, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thừa Thiên Huế đang tiếp tục tiến hành điều tra, mở rộng vụ án.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Dân trí, Đài TNVN, Đài TNVN, TTXVN (19/02) đưa tin, Cơ quan điều tra Bộ Công an mới có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải cung cấp danh sách chi tiết chuyến bay "giải cứu" công dân về nước để phục vụ điều tra vụ án nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao. Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay "giải cứu" (không trả phí) và chuyến bay "combo" (có trả phí) đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào? Căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ Giao thông Vận tải xét, duyệt cấp chuyến bay và các quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "combo", "giải cứu" như thế nào?Cơ quan điều tra đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất, hạ cánh) và các doanh nghiệp đã được Bộ Giao thông vận tải cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", "combo"; Danh sách công dân từ nước ngoài về trên các chuyến bay "giải cứu" và hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay, điều kiện để công dân về nước trên các chuyến bay này cũng được yêu cầu làm rõ. Bộ Công an còn đề nghị cung cấp danh sách cá nhân tại Bộ Giao thông Vận tải làm nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay "combo", "giải cứu". Trước đó, ngày 28/1, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hương Lan (48 tuổi, Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao) cùng 3 người tại Bộ này là Đỗ Hoàng Tùng (42 tuổi, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự); Lê Tuấn Anh (40 tuổi, Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (35 tuổi, Phó trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao). Cả 4 người đều bị điều tra tội "Nhận hối lộ". Các bị can này bị cáo buộc có hành vi "trục lợi cá nhân" khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (15/02) đưa tin, các nhà chức trách Ả Rập Saudi đã bắt giữ 11 người vì tội rửa tiền trị giá hơn 2,6 tỷ USD trong một vụ án tham nhũng mới. Cơ quan Công tố xác nhận, Đơn vị Điều tra tội phạm kinh tế đã tiến thành các cuộc điều tra, qua đó cho thấy những sai phạm của một nhóm người bao gồm 2 công dân Ả Rập Saudi và 9 người nước ngoài có liên quan đến cáo buộc rửa tiền. Thông qua hành vi khai thác một số thực thể thương mại, những người này đã nhận và chuyển các khoản tiền không rõ nguồn gốc từ tài khoản ngân hàng của mình với tổng trị giá hơn 10 tỷ SR (2,66 tỷ USD). Cuộc điều tra đã kết thúc và vụ việc được đưa ra tòa án. Một phán quyết sơ bộ đã được ban hành. Theo đó, các bị cáo sẽ bị phạt tù tổng cộng 52 năm. Ngoài ra, phải chịu các khoản tiền phạt lên tới 62,5 triệu SR và bị tịch thu tiền cũng như tài sản từ các danh mục đầu tư là 1,6 triệu SR. Lệnh trục xuất khỏi Vương quốc cũng đã được ban hành với các bị cáo nước ngoài. Lệnh này sẽ bắt đầu sau khi họ mãn hạn tù. Các công dân Ả Rập Saudi trong nhóm phạm tội cũng bị cấm xuất cảnh trong thời hạn tương tự như thời gian bị giam giữ. Chỉ trong tháng 1 vừa qua, Cơ quan Công tố Ả Rập Saudi đã thực hiện gần 100.000 thủ tục pháp lý. Trong đó bao gồm 31.231 vụ do các ngành công tố xử lý, 27.542 vụ án hình sự...
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Bị cáo Tất Thành Cang kháng cáo 
    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp Phiên thứ 8
    - Dùng súng bắn 2 người thương vong tại Thái Nguyên
    - Khởi tố nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VEAM
    - Bắt tạm giam Giám đốc và Kế toán trưởng CDC Huế
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.