Điểm báo tuần số 458 từ ngày 07/02 đến ngày 13/02 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 14/02/2022, 08:27 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07/02) đưa tin, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022 với công an các đơn vị, địa phương, các học viện, trường Công an nhân dân, các bệnh viện trực thuộc Bộ Công an, để đánh giá tình hình công tác bảo đảm an ninh trật tự dịp Tết Nguyên đán và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm sau Tết. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm đề nghị công an các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai ngay công tác trọng tâm theo chương trình, kế hoạch trong quý I năm 2022 với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra… Tập trung chủ động nắm tình hình; bảo vệ tuyệt đối an toàn các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng, văn hóa, an ninh mạng, an ninh thông tin và truyền thông, an ninh xuất nhập cảnh; phối hợp thực hiện chính sách an sinh xã hội, an dân, hỗ trợ người dân quay trở lại các thành phố, các khu công nghiệp để làm việc, sinh sống. Đồng chí nhấn mạnh, cần đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án dư luận xã hội quan tâm, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; điều tra, xử lý nghiêm những hành vi phạm tội liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; tập trung giải quyết các băng, ổ nhóm tội phạm; tấn công, trấn áp có hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là các loại tội phạm hoạt động mạnh sau dịp Tết như đánh bạc, “tín dụng đen”, trộm cắp, cướp tài sản, tội phạm ma túy, tội phạm giết người…
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Công lý, Tiền Phong, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07/02) dẫn nguồn tin từ luật sư của Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch VTC Online), Nam đã quay trở lại nhà tù để thi hành nốt 20 tháng tù còn lại của bản án hình sự trong vụ Tổ chức đánh bạc và đánh bạc, liên quan đường dây Đánh bạc nghìn tỷ Rik Vip/Tip Club. Trước đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có quyết định giám đốc thẩm, hủy hai quyết định giảm án phạt tù trái quy định đối với Phan Sào Nam. Về phần thi hành án dân sự, luật sư cho hay, đến nay Phan Sào Nam đã nộp hơn 1.384 tỷ đồng và số tiền còn phải nộp là khoảng 10 tỷ đồng. Trước khi quay lại trại giam, Nam đề nghị luật sư phối hợp với gia đình và các cơ quan thi hành án dân sự để bán đất và chung cư nhằm thi hành án xong phần dân sự. Trước đó, vào tháng 3/2019, Phan Sào Nam bị cấp xét xử phúc thẩm tuyên án 5 năm tù về các tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền; thời hạn tính từ ngày bị bắt là tháng 10/2017. Về dân sự, Nam phải nộp hơn 926 tỷ đồng, tịch thu sung quỹ nhà nước hơn 548 tỷ đồng; tổng các khoản thi hành án là hơn 1.475 tỷ đồng. Sau bản án, Phan Sào Nam chấp hành hình phạt tại Trại giam Quảng Ninh. Tháng 4/2020, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận đề nghị của trại này về việc giảm án phạt tù 19 tháng cho Nam... Đến tháng 2/2021, TAND tỉnh Quảng Ninh lần thứ hai chấp nhận đề nghị của trại về việc giảm hết thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại cho Nam là 3 tháng 7 ngày. Ngày 6/2, Phan Sào Nam ra trại sau 2 lần liên tiếp được giảm án, sớm hơn 22 tháng 7 ngày so với thời hạn. Kháng nghị của Viện KSND cấp cao nêu rõ: Theo luật và Thông tư liên tịch số 02/2013, phạm nhân lĩnh án 5 năm được giảm án khi chấp hành được 1/3 thời hạn phạt tù và phải có ít nhất 6 tháng hoặc 2 quý liền kề xếp loại thi đua từ khá trở lên. Tuy nhiên, Phan Sào Nam chỉ được xếp loại khá quý III/2019, còn quý IV/2019 xếp loại trung bình.
 
Phan Sào Nam trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. (Ảnh: sggp.org.vn)
Phan Sào Nam trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ. (Ảnh: sggp.org.vn)
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/02) đưa tin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký các quyết định của Thủ tướng Chính phủ thi hành kỷ luật đối với ông Cao Minh Quang, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế. Theo đó, tại Quyết định 151/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đối với ông Cao Minh Quang, do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Tại Quyết định 152/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Buộc thôi việc đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, do đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong công tác; Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Trước đó, sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy ông Cao Minh Quang khi giữ các chức vụ Đảng ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế đã vi phạm các nguyên tắc của Đảng, quy chế làm việc của Ban Cán sự đảng Bộ Y tế, Quy định những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lưu hành thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ, để nhiều cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, xử lý hình sự, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước và xã hội, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, ngành y tế và cá nhân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Cao Minh Quang. Đối với ông Trương Quốc Cường, với cương vị Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế và Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý dược các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020, Cục trưởng Cục Quản lý dược (từ ngày 1/8/2007 đến ngày 20/11/2016), cùng chịu trách nhiệm về vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021; đồng chí đã vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng, vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm pháp luật trong cấp phép cho thuốc giả nguồn gốc, xuất xứ lưu hành, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, gây bức xúc xã hội, làm giảm uy tín tổ chức Đảng, ngành y tế và cá nhân. Căn cứ các quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm; xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Trương Quốc Cường.
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Giao thông, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/02) đưa tin, Công an xã Thông Nguyên đã bắt giữ thành công đối tượng có lệnh truy nã toàn quốc là Nguyễn Văn Trình khi đang lẩn trốn tại nhà bạn gái mới quen trên địa bàn xã. Sau khi bắt giữ thành công Nguyễn Văn Trình (sinh năm 1992, thường trú tại phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương) là đối tượng có lệnh truy nã toàn quốc, Công an xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) đã tiến hành bàn giao cho Công an tỉnh Nghệ An để giải quyết theo quy định. Trước đó, tối 7/2, qua công tác xác minh và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, Công an xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang) đã bắt giữ thành công đối tượng có lệnh truy nã toàn quốc là Nguyễn Văn Trình khi đang lẩn trốn tại nhà bạn gái mới quen trên địa bàn xã Thông Nguyên. Được biết, Nguyễn Văn Trình (sinh năm 1992), thường trú tại phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương) là đối tượng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An ra quyết định truy nã toàn quốc số 01 ngày 31/12/2021 về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức". Đối tượng đã bỏ trốn vào ngày 9/9/2021.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Dân trí, TTXVN (10/02) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an thực hiện Quyết định số 18,19/QĐ-VPCQCSĐT của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an về phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm tại 9 dự án đất đai, đầu tư phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Quá trình xác minh, điều tra, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ban hành Quyết định khởi tố vụ án hình sự  và Quyết định khởi tố bị can đối với 5 bị can. Các bị can gồm: Nguyễn Ngọc Hai, sinh năm 1962, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, trú tại tỉnh Bình Thuận; Lương Văn Hải, sinh năm 1960, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, trú tại tỉnh Bình Thuận; Hồ Lâm, sinh năm 1960, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, trú tại tỉnh Bình Thuận; Lê Nguyễn Thanh Danh, sinh năm 1980, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận, trú tại tỉnh Bình Thuận; Ngô Hiếu Toàn, sinh năm 1977, Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận, trú tại tỉnh Bình Thuận. Cả 5 bị can đều bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3, Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Dự án Khu thương mại dịch vụ và dân cư Tân Việt Phát 2 (3 lô đất số 18, 19, 20), thuộc quỹ đất hai bên đường 706B (nay là đường Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Thông) phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 5) phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã thi hành các Quyết định, Lệnh trên để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, VnExpress, VietNamNet, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (10/02) đưa tin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” chủ trì Phiên họp thứ nhất. Ngày 25/10/2021, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 40-QĐ/TW thành lập Ban Chỉ đạo “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” nhằm kiểm điểm, đánh giá toàn diện tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết trong 10 năm qua; đồng thời đánh giá những ưu điểm, kết quả nổi bật, những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và những bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Nghị quyết; góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, lực lượng vũ trang đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đến năm 2035 và những năm tiếp theo. Để việc tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI nghiêm túc, thực chất, thiết thực, đúng thời gian; theo nhiệm vụ được phân công Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng các văn bản trình Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Đề án gồm: Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo; Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo; Hướng dẫn tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; Đề cương tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI. Về phạm vi, phương pháp tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI được thực hiện từ cấp huyện ủy, quận ủy tới tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Quân ủy Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, ngoài nội dung tổng kết theo hướng dẫn chung của Ban Chỉ đạo, nội dung tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; quy định hình thức, phương pháp, thành phần, thời gian tổ chức tổng kết đối với từng cấp…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (08/02) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 08/02/2022 về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, cơ quan, địa phương tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng của các ngành, các cấp và thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là các ngành, lĩnh vực, địa phương có dấu hiệu vi phạm, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực, tham nhũng, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo; khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch. Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài. Thực hiện nghiêm chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kết luận, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã và đang thành lập 3 Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra trực tiếp tại Bộ Y tế, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, thuốc chữa bệnh phục vụ phòng, chống dịch"…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Người Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Dân trí, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (09/02) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Xuân Quyết (SN 1960, ngụ phường Dương Đông, TP. Phú Quốc (Kiên Giang) 14 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, năm 2007, Nguyễn Xuân Quyết có thửa đất và hoa màu trên đất với diện tích trên 15.000 mét vuông tại ấp Rạch Vẹm, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc (nay là TP. Phú Quốc). Đến năm 2014, UBND huyện Phú Quốc quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất nói trên đồng thời bồi thường, hỗ trợ hoa màu trên đất, Quyết đồng ý và đã nhận tiền bồi thường xong. Giữa năm 2017, đất Phú Quốc được thổi lên rất cao, do có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác nên tháng 11/2017, Quyết bán miếng đất hơn 15.000 mét vuông nói trên cho Lê Văn Đông (ở khu phố 8, phường Dương Đông) với số tiền trên 2,1 tỷ đồng. Đến năm 2019, ông Đông làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phát hiện thửa đất đã bị nhà nước thu hồi. Biết bị lừa, Đông làm đơn tố cáo hành vi gian dối của Quyết đến cơ quan chức năng. Sau đó, Quyết bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cho đến ngày đưa ra xét xử.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Đại Đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Thanh Niên, VnExpress, VnExpress, Thanh tra, Công luận, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (09/02) cho biết, Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Ngụy Thị Khanh (46 tuổi, trú tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi trốn thuế, quy định tại điều 200 Bộ luật hình sự. Theo công an, thời điểm bị bắt, bà Khanh là Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID. Hiện công an đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của bà Khanh để xử lý theo quy định. Theo tìm hiểu, Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID được thành lập năm 2011. Đây là một tổ chức khoa học và công nghệ. Trung tâm này chuyên nghiên cứu, cung cấp các giải pháp năng lượng bền vững cho cộng đồng và tích cực tham gia tư vấn, góp ý về các lĩnh vực quy hoạch năng lượng, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch và cung cấp nước sạch.
 
    Báo Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11/02) đưa tin, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ việc Công ty cổ phần Y tế Đức Minh nhập khẩu số lượng "khủng" bộ test COVID-19 và hầu hết các bộ test được công ty này bán lại với giá cao gấp đôi so với với giá nhập khẩu. Công ty này có tổng kim ngạch nhập khẩu trong 2 năm 2020-2021 là 4.381 tỷ đồng. Đáng chú ý, các mặt hàng nhập khẩu chính của công ty trong 2 năm nói trên gồm bộ test bệnh truyền nhiễm và hô hấp khác, với tổng kim ngạch nhập khẩu là 902 tỷ đồng; máy móc và các bộ phận phục vụ xét nghiệm, với tổng kim ngạch nhập khẩu là 42 tỷ đồng; bộ test COVID-19 với tổng kim ngạch nhập khẩu là 3.437 tỷ đồng. Trong đó, bộ test COVID-19 có bộ thành phẩm test COVID-19 nhanh tại chỗ, gồm khay thử, nắp lọc, tăm bông, ống nghiệm lấy mẫu dung dịch để phục vụ test tại chỗ; bộ thành phẩm test dùng cho máy PCR tại các bệnh viện, cơ sở y tế, gồm hóa chất, sinh phẩm, tăm bông, nắp lọc, ống nghiệm lấy sau khi lấy mẫu dung dịch đưa vào máy PCR để phân tích kết quả xét nghiệm. Các test COVID-19 nói trên được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Cụ thể: 1,1 triệu test dùng cho máy PCR được nhập khẩu từ Tây Ban Nha, giá khai báo trung bình từ 106.000-130.000 đồng/test, trị giá 121 tỷ đồng; 8.2 triệu test dùng cho máy PCR được nhập khẩu từ Hàn Quốc, giá khai báo trung bình từ 96.000-150.000 đồng/test, trị giá 806 tỷ đồng. 41 triệu test nhanh tại chỗ được nhập khẩu từ Hàn Quốc, giá khai báo trung bình khoảng 3,8-5,6 USD/test (khoảng 86.000-130.000 đồng/test), với tổng trị giá hơn 2.509 tỷ đồng. Qua xác minh ban đầu, Công ty Đức Minh nhập khẩu, kinh doanh bộ test COVID-19 hoàn chỉnh, phân phối cho các cơ sở y tế, BVĐK, các công ty trên toàn quốc. Số lượng khách hàng cụ thể là 26 đơn vị mua test PCR và 586 đơn vị mua test nhanh với giá bán theo hóa đơn.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (11/02) đưa tin, tổng cộng 181 cán bộ của Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung ương (CAPF) đang phải đối mặt với cáo buộc tham nhũng và 1.439 người khác có liên quan đến các vụ án hình sự, thông tin từ Bộ Nội vụ Ấn Độ. Trong số 181 cán bộ CAPF đối mặt với các vụ án tham nhũng, 78 người từ lực lượng bảo vệ biên giới Sashastra Seema Bal (đây là 1 trong 5 Lực lượng Cảnh sát vũ trang Trung ương thuộc quyền quản lý hành chính của Bộ Nội vụ). Tham nhũng hiện vẫn đang là mối lo ngại lớn của Ấn Độ. Năm 2021, với số điểm 40, Ấn Độ xếp thứ 85 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận tham nhũng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố hồi cuối tháng 1 vừa qua. Báo cáo của TI nêu bật mối lo ngại về rủi ro đối với các nhà báo điều tra và nhà hoạt động chống tham nhũng - những người từng là nạn nhân của các cuộc tấn công bởi cảnh sát, các băng nhóm tội phạm và các quan chức địa phương tham nhũng.
 
    Báo Thanh tra (12/02) đưa tin, Tân Hoa xã dẫn nguồn từ SPP cho biết, trường hợp của Gan Rongkun - người từng là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Tỉnh ủy Hà Nam - đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Thường Châu, tỉnh Giang Tô, chuyển hồ sơ đến Tòa án Nhân dân cấp thành phố. Cáo trạng buộc tội Gan Rongkun lợi dụng chức vụ của mình tại Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Hải quan Bắc Kinh, cũng như ảnh hưởng của mình ở các tỉnh Hồ Bắc, Hắc Long Giang và Hà Nam để trục lợi cho người khác và nhận lại những khoản tiền và quà tặng khổng lồ. Các công tố viên đã thông báo cho bị cáo về quyền tố tụng của mình, thẩm vấn và nghe ý kiến của luật sư bào chữa, SPP cho biết.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Kỷ luật Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế
    - Thủ tướng ban hành Chỉ thị yêu cầu quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ sau Tết
    - Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận
    - Hội đồng Quốc phòng và An ninh họp Phiên thứ nhất
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.