Điểm báo tuần số 454 từ ngày 10/01 đến ngày 16/01/2022 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 17/01/2022, 08:47 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11/01) đưa tin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương dự và chỉ đạo Hội thảo khoa học "Cải cách tư pháp tại tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam" do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức. Tại Hội thảo, Chủ tịch nước nhấn mạnh công cuộc đổi mới, phát triển của đất nước đã đặt ra cho nền tư pháp những yêu cầu mới nên Tòa án và cả nền tư pháp phải tiếp tục cải cách nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn. Khẩn trương, đồng bộ, xác định rõ lộ trình, kế hoạch thực hiện. Trước mắt cần phân định rõ quyền quản lý hành chính của tòa án để đảm bảo quyền độc lập giữa các cấp tòa án, đổi mới, hoàn thiện thủ tục tố tụng tư pháp chuyên nghiệp và xây dựng chế độ xét xử độc lập công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận công lý, tăng quyền của tòa án trong xét xử các vụ án xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật,  Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11/01) đưa tin, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Thị Thanh Tuyền (nguyên Chánh Thanh tra Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh) 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí" quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. Bị cáo Tuyền bị xét xử về những sai phạm khi giữ chức Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Củ Chi. Hội đồng xét xử nhận định, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí là đúng người, đúng tội, không oan sai. Các bị cáo đã lợi dụng việc được giao, quản lý, sử dụng ngân sách để trong việc đầu tư, sửa chữa bảy trường học trên địa bàn huyện Củ Chi không đúng quy định pháp luật, gây thất thoát cho ngân sách 17,7 tỷ đồng. Ngoài bị cáo Tuyền, Hội đồng xét xử cũng tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thị Loan (nguyên Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Củ Chi) 3 năm tù; Lê Vũ Hồng Hạnh (Giám đốc Công ty Đông Phương) 3 năm tù; Phan Văn Duyệt (Phó Giám đốc Công ty Đông Phương) 5 năm tù; Phan Văn Bình Tâm (Giám đốc Công ty tư vấn xây dựng Tâm Phú Tài, em trai của bị cáo Duyệt) 4 năm tù, cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015. Trong vụ án này, đối với 6 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng của 7 trường học trên địa bàn huyện Củ Chi, Cơ quan điều tra xác định có thiếu sót, sai phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng khi sử dụng Ngân sách Nhà nước, có dấu hiệu phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí". Tuy nhiên, Cơ quan điều tra đánh giá, do họ không có chuyên môn về đầu tư xây dựng, chưa được cơ quan quản lý đào tạo nghiệp vụ và pháp luật về lĩnh vực này, có thái độ thành khẩn khai báo, hậu quả vụ án phần lớn đã được khắc phục nên Cơ quan điều tra không đề nghị xử lý hình sự.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Đại biểu nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12/01) đưa tin, sau hơn bốn ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và tâm huyết, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã bế mạc. Việc quyết định triệu tập kỳ họp này là quyết định rất quan trọng, trong khi cả nước đang nỗ lực không ngừng để vượt qua những thách thức, khó khăn trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Kỳ họp bất thường được tổ chức cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội trong thực hiện nhiệm vụ của mình với đất nước, luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi quyết sách. Kỳ họp với bốn nội dung quan trọng được Chính phủ nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua đã đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân về những quyết sách trong thời điểm dịch Covid-19. Tại các phiên làm việc, các đại biểu Quốc hội đã nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết, tập trung phân tích, làm rõ nhiều vấn đề, nội dung liên quan trực tiếp đến các nghị quyết, công việc được Chính phủ trình và đề xuất đó là căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách và tổng thể các chính sách, sự phù hợp các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương Đảng, các nghị quyết của Quốc hội; các quan điểm, định hướng lớn cần quán triệt để bảo đảm giữ vững ổn định nền kinh tế… đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2021-2025. Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng sự cần thiết và những nội dung sửa đổi, bổ sung; Quốc hội đã dành thời gian cho ý kiến về từng chính sách, nhất là các chính sách lần đầu tiên được áp dụng thí điểm nhằm góp phần khơi dậy tiềm năng, tạo động lực để xây dựng và phát triển …
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (12/01) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội chính Đảng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc. Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021 của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Nội chính Đảng. Đồng chí lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của ngành Nội chính đảng vẫn còn một số tồn tại: tính nhạy bén, chủ động, quyết liệt, bản lĩnh của một số ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy chưa cao; có lúc, có nơi có biểu hiện chùng xuống, thụ động, thiếu tự tin trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tính cụ thể, chiều sâu, chất lượng, khả năng phát hiện vấn đề mới để tham mưu, đề xuất của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Những tồn tại này cần phải được nghiêm túc rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động của ngành nội chính Đảng trong thời gian tới. Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, ngành nội chính Đảng cần tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, chủ trương, định hướng lớn của Đảng về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Nhất là, tập trung nghiên cứu, tham mưu xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; Đề án về nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; Đề án nghiên cứu, đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…Ngành phải tích cực, chủ động, sâu sát, quyết liệt hơn nữa trong tham mưu chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực, theo đúng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, không để “chững lại, hay chùng xuống”, “không vì có dịch Covid-19 mà ngừng lại, không xử lý”. Đặc biệt là, tập trung tham mưu chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, thanh tra, điều tra xử lý nghiêm các sai phạm liên quan vụ án Kit xét nghiệm của Công ty Việt Á và các vụ, việc liên quan lĩnh vực y tế đã được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp của Ban Nội chính Trung ương và các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy năm 2022. Tham mưu chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, như: lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch Covid-19; mua sắm thiết bị dạy học, sách giáo khoa; quản lý sử, dụng đất đai; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; các dự án mua sắm lớn từ ngân sách nhà nước...Chủ động nắm chắc tình hình, phối hợp tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là về an ninh biên giới, an ninh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, an ninh tôn giáo, an ninh nông thôn; hoạt động chống phá của các thế lực thù dịch, phản động; hoạt động của các loại tội phạm nguy hiểm; những bức xúc, khiếu kiện đông người kéo dài, phức tạp... không để phát sinh “điểm nóng”, bị động, bất ngờ. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ ngành nội chính Đảng thật sự “Trung thành, liêm chính, bản lĩnh, tận tụy, sáng tạo”, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai, dám nghĩ, dám làm, dám tham mưu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Nội chính Đảng
Các đồng chí chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành Nội chính Đảng
    Báo Công an nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh (13/01) dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Bình Dương cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển địa ốc Đông Bình Dương - đóng trên đường Huỳnh Thúc Kháng, khu phố 3, phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Liên quan đến vụ án, Cơ quan cảnh sát điều tra cũng khởi tố bị can đối với Nguyễn Trung Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển địa ốc Đông Bình Dương để điều tra. Công an xác định, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản do bị can Nguyễn Trung Nghĩa đã thực hiện thông qua việc ký hợp đồng, thu tiền để chuyển nhượng đất tại ấp Quân Y, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hiện nay, cơ quan cảnh sát điều tra đang tìm thêm các bị hại.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Công lý, Tiền Phong, Trang thông tin điện tử Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (13/01) đưa tin, trong hai ngày 12 và 13/01/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII đã họp Kỳ thứ 11. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung và quyết định thi hành kỷ luật: Cảnh cáo các đồng chí: Võ Thành Thống, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố; Lê Văn Tâm, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố và cảnh cáo Đảng ủy Sở Y tế thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2015-2020. Khiển trách Ban cán sự đảng UBND thành phố Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 và các đồng chí: Nguyễn Văn Hồng, Thành ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Hồ Văn Gia, Giám đốc Sở Tư pháp, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Lê Dương Cẩm Thúy, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ.Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí: Lương Tấn Thành và Hồ Phương Quỳnh, Cán bộ Ban Quản lý dự án các công trình y tế, Sở Y tế thành phố Cần Thơ.UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí: Bùi Thị Lệ Phi, nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế; Cao Minh Chu, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế thành phố Cần Thơ. Cảnh cáo Ban Thường vụ Đảng ủy BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 và các đồng chí: Thượng tá Nguyễn Hùng Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng; Đại tá Đinh Quốc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Đại tá Nguyễn Văn Tiến, Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khiển trách các đồng chí: Đại tá Bùi Nam Đĩnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy; Đại tá Đào Quang Hiển, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng; Đại tá Trần Văn Trường, Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Đại tá Nguyễn Quốc Hùng, Đảng ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khai trừ ra khỏi Đảng đồng chí Trung tá Lương Văn Hoan, Chi ủy viên Phòng Hậu cần, Trưởng Ban Tài chính, BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. UBKT Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Đại tá Phạm Văn Phong, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đồng chí Lương Thanh Hải, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An do đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước trong thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu.UBKT Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm; đồng chí Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng cùng tập thể Ban cán sự đảng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch khắc phục kịp thời những vi phạm, khuyết điểm, hạn chế đã được chỉ ra; báo cáo kết quả về Ủy ban Kiểm tra Trung ương; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu và các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm các kết luận của UBKT Trung ương; tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm để xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (13/12) đưa tin, Công an tỉnh Hà Nam cho biết, Công an thị xã Duy Tiên vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, triệt phá thành công vụ án sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, bắt giữ đối tượng Nguyễn Hoàng Huy, sinh năm 1995, trú tại xã An Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, là đối tượng thiết lập sàn giao dịch số MKC. Đối tượng Nguyễn Hoàng Huy là lập trình viên đã thiết lập sàn giao dịch tiền ảo Market Pr09.com phát hành đồng tiền ảo MKC rồi bán, bàn giao cho đối tượng khác quản trị điều hành. Tại Cơ quan Công an, Huy khai nhận thiết lập sàn giao dịch số này theo yêu cầu của đối tượng quản trị, điều hành là quảng bá sản phẩm có nguồn gốc từ Vương quốc Anh, có giấy phép hoạt động, đồng thời tạo chu kỳ 15 ngày tăng giá đồng MKC một lần để thu hút, lôi kéo nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư mua đồng MKC thì toàn bộ số tiền đầu tư sẽ bị khóa, không rút ra được. Quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định trong 2 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2021), sàn đã thu hút hơn 2.000 nhà đầu tư với số tiền hơn 10 tỷ đồng. Ngoài ra, đối tượng Huy còn khai nhận đã thiết lập 8 sàn giao dịch tiền ảo khác bán cho các đối tượng khác điều hành để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư. Đây là sàn giao dịch tiền số thứ hai bị Công an thị xã Duy Tiên triệt phá trong thời gian qua.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (14/12) đưa tin, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Trần Phương Bình (nguyên Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB) và các đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỷ đồng. Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định việc tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. Bị cáo Bình không có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt, cũng chưa hoàn trả hết số tiền đã chiếm đoạt của DAB nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo Bình, tuyên y án sơ thẩm. Hội đồng xét xử cũng tuyên bác toàn bộ các kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, chỉ chấp nhận một phần kháng cáo của Công ty Vĩnh Thái là người có quyền và nghĩa vụ liên quan và sửa một phần bản án sơ thẩm về phần này. Trước đó, vào ngày 27/11/2020, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Trần Phương Bình mức án tù chung thân.  
 
    Báo Thanh Tra, VnExpress, Dân Việt, Tiền Phong, Dân Trí (15/1) đưa tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật với ông Sùng Minh Sính, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang. Ông Sùng Minh Sính với cương vị là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang các nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 đã vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng, quy định về những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương; vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài chính; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, mất đoàn kết nội bộ, một số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật. Vi phạm của ông Sùng Minh Sính đã gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, cơ quan và cá nhân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm, kết quả kiểm điểm; căn cứ Quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức Đảng và đảng viên vi phạm, Ban Bí thư thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang các nhiệm kỳ 2015-2020, 2020-2025 đối với ông Sùng Minh Sính. Trước đó, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang đã xem xét, biểu quyết đề nghị Tỉnh ủy thực hiện quy trình xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật đối với Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Sùng Minh Sính. Ông Sính được xác định có vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc sinh hoạt Đảng, vi phạm nghiêm trọng trong việc chỉ đạo, quản lý, sử dụng kinh phí của cơ quan, gây thất thoát với số tiền lớn, làm phát sinh đơn tố cáo, gây mất đoàn kết nội bộ kéo dài. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Chi ủy Chi bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020… 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Dân Trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (15/12) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với Lê Mạnh Hà (sinh năm 1970, trú tại thôn 23, xã Kim Phú, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) về tội làm, tàng trữ, phát tán tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015. Quyết định khởi tố vụ án đã được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn. Theo tài liệu điều tra, bị can Lê Mạnh Hà đã biên soạn, đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội Youtube, Facebook... nhiều bài viết, video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, xúc phạm lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phao tin bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân... Khám xét nơi ở của Lê Mạnh Hà, Cơ quan An ninh điều tra thu giữ nhiều tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi phạm tội. Hành vi của Lê Mạnh Hà đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nên cần phải được nghiêm trị.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Người Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Dân trí, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (11/01) đưa tin, Công an tỉnh Hà Giang vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành bắt tạm giam 2 bị can nguyên là cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang. Hai bị can là Nguyễn Văn Chiến, sinh năm 1975, trú tại tổ 8, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang, nguyên Trưởng Phòng Tổng hợp, Ban Nội chính Tỉnh ủy và Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh năm 1987, trú tại tổ 20, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang, nguyên là kế toán Ban Nội chính Tỉnh ủy. Cả 02 bị can bị khởi tố về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2015 đến năm 2019, với nhiệm vụ được giao, các đối tượng đã lập khống chứng từ để thanh toán tiền làm thêm giờ, tiền tiếp khách và công tác phí không đúng quy định, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, VnExpress, VietNamNet, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12/01) dẫn nguồn tin từ Đại tá Nguyễn Văn Thông, Trưởng Phòng Tham mưu Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đang tạm giữ Lê Quyết Tiến, chuyên viên Sở Xây dựng và Nguyễn Hoàng Khánh, chuyên viên Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang. Hai công chức này bị cơ quan điều tra tạm giữ vì có liên quan đến hành vi nhận hối lộ, quy định tại điều 354 Bộ Luật hình sự năm 2015. Theo thông tin ban đầu, ngày 05/01, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã bắt quả tang 2 công chức này đang nhận 30 triệu đồng của 1 doanh nghiệp tại 1 quán nước trên địa bàn thành phố Rạch Giá để làm khống hồ sơ về năng lực thi công công trình cho doanh nghiệp này. Tuy nhiên, trước khi chung tiền, chủ doanh nghiệp đã báo cho công an. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã gửi thông báo vụ việc đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan, nơi cư trú và gia đình của 2 công chức này; đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ, đề xuất xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đại đoàn kết, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (12/01) cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về công tác phòng, chống tham nhũng trong khối cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương. Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn và ảnh hưởng lớn đến công tác phòng chống tham nhũng, song công tác phòng, chống tham nhũng trong khối các cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương luôn được lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, liên tục, tổng thể và thực hiện quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào kết quả phòng chống tham nhũng của cả hệ thống chính trị…Tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý, cần phát huy vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong khối Chính phủ và chính quyền địa phương; phối hợp tốt giữa các cơ quan của Chính phủ, của các cấp chính quyền với các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, cơ quan kiểm tra của Đảng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, Thường trực Chính phủ sẽ họp hằng tháng, Chính phủ sẽ họp hằng quý để nghe báo cáo tình hình và tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, bố trí nguồn lực phù hợp, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả, mạnh mẽ hơn theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Báo Công an nhân dân, Lao Động, Công Lý, Tiền Phong, Tuổi trẻ, TTXVN (12/01) cho biết, Thường trực Huyện ủy Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) đang chỉ đạo UBND huyện xem xét xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với công chức Trưởng Thị Tiến Lên (sinh 1987, ở khu phố 6, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước) là cán bộ Địa chính - Xây dựng thuộc UBND xã Cà Ná nhận hối lộ để làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật cán bộ, công chức về hành vi phạm pháp luật hình sự như thông báo số 275 ngày 31/12/2021 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thuận Nam. Thường trực Huyện ủy Thuận Nam yêu cầu, UBND huyện khẩn trương chỉ đạo UBND xã Cà Ná tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan đến việc không kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của công chức Trưởng Thị Tiến Lên trong thời gian dài. Đảng ủy xã Cà Ná phải tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể Đảng ủy và trách nhiệm người đứng đầu về việc không kịp thời kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý, phòng ngừa tham nhũng. Trước đó, ngày 27/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Thuận Nam đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” và “Đưa hối lộ” xảy ra tại UBND xã Cà Ná; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can đối với Trưởng Thị Tiến Lên về tội “Nhận hối lộ” được quy định tại Điều 354, Bộ luật Hình sự; quyết định khởi tố bị can Nguyễn Văn Thành (sinh 1982, ở thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) về tội “Đưa hối lộ” quy định tại Điều 364, Bộ luật Hình sự.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh tra, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet (12/01) cho biết, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Lê Kim Phương (37 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) về tội “Tham ô tài sản”. Theo truy tố, từ năm 2015 đến 2017, công an quận 3 được cấp kinh phí mua nhiên liệu xăng, dầu từ nguồn ngân sách kinh phí thường xuyên, kinh phí trật tự an toàn giao thông. Kinh phí do UBND quận 3 cấp, hỗ trợ và phải thực hiện thủ tục thanh quyết toán qua Kho bạc quận theo quy định. Công an quận đã ký hợp đồng mua sắm xăng dầu của Doanh nghiệp tư nhân thương mại Nguyễn Văn Quang. Sau khi hoàn tất thủ tục mua bán, hai bên chỉ ký biên bản giao nhận phiếu xăng dầu. Thực tế, lượng xăng dầu vẫn để tại trạm xăng dầu K24, cán bộ công an quận có thể dùng các phiếu này đến nhận xăng dầu bất kỳ lúc nào. Thời gian này, Phương nguyên là kế toán của Công an quận 3 đã nhiều lần liên hệ phía doanh nghiệp ký các biên bản giao nhận phiếu cấp xăng dầu nhưng không nhận phiếu mang về đơn vị để cấp phát sử dụng mà nhận tiền mặt. Tổng cộng Phương ký nhận hơn 75 lít xăng, 11.600 lít dầu, trị giá gần 1,4 tỷ đồng. Đến cuối năm 2017, Công an quận 3 phát hiện vụ việc nên tiến hành kiểm tra, xác minh và báo công an thành phố để điều tra, xử lý. Tại CQĐT và tại phiên tòa, bị cáo Phương đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, đồng thời khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt được. Xét thấy, bị cáo thành khẩn khai báo, đã khắc phục được toàn bộ hậu quả nên HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phương 8 năm tù. Đồng thời, HĐXX cũng xem xét trả lại cho bị cáo 100 triệu đồng do đã bồi thường hơn số tiền chiếm đoạt.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, VnExpress, VietNamNet, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/01) dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam 3 đối tượng lợi dụng tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa ùn ứ để thu lợi bất chính. Cụ thể: Lâm Văn Hưởng (sinh năm 1983), Nông Tuấn Anh (sinh năm 1992), cả hai đều là cán bộ Đội trật tự đô thị huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) bị khởi tố về hành vi “nhận hối lộ”. Đinh Văn Thìn (sinh năm 1978), trú tại xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, nghề nghiệp tự do, bị khởi tố về hành vi “đưa hối lộ”. Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng tình trạng xe xuất khẩu hàng hóa ùn ứ ở bãi trung chuyển chờ xuất khẩu đã thông đồng tìm những xe đã được cấp phiếu xếp xe xuất khẩu hàng hóa nhưng do hàng bị hỏng hoặc quay đầu, đổi đầu container để đưa những xe mới đến thay vào vị trí xe cũ với giá từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/xe. Hiện đã làm rõ các đối tượng thu lợi bất chính hơn 500 triệu đồng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đại đoàn kết, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/01) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Việt Á, Bệnh viện Thủ Đức và Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng và dịch vụ Nam Phong. Cơ quan chức năng cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng: Phạm Vũ Phong, Giám đốc Công ty Nam Phong về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Đưa hối lộ”; khởi tố Trương Thị Bảo Trân, nhân viên Bệnh viện Thủ Đức về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Nhận hối lộ”, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú do Trân đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi và đã nộp toàn bộ số tiền nhận hối lộ để khắc phục hậu quả. Thông tin ban đầu, cơ quan chức năng xác định, từ tháng 2 đến 9/2021, thông qua Công ty Nam Phong, Bệnh viện Thủ Đức đã mua kit test của Công ty Việt Á sản xuất với tổng số tiền gần 39 tỷ đồng (đơn giá 470.000 đến 509.250 đồng/kit) theo một gói thầu với hình thức chào hàng cạnh tranh và 37 gói thầu với hình thức mua sắm chỉ định thầu rút gọn. Việc mua sắm này, Công ty Nam Phong được chiết khấu từ 30% đến 40% (tương đương gần 11 tỷ đồng). Để hợp thức hóa cho hồ sơ chỉ định thầu, Bệnh viện Thủ Đức yêu cầu và hướng dẫn Công ty Nam Phong làm 3 bảng báo giá, gồm: 1 bảng báo giá của Công ty Nam Phong; 2 bảng báo giá còn lại, Phạm Vũ Phong nhờ người quen và người thân gửi báo giá có giá cao hơn đơn giá của Công ty Nam Phong. Hành vi này của các đối tượng gây thiệt hại tài sản nhà nước gần 11 tỷ đồng. Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, VnExpress, VietNamNet, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/01) đưa tin, Công an thành phố Kon Tum vừa khởi tố bị can và bắt tạm giam bà Hồ Thị Hạnh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Kon Tum để điều tra hai hành vi “Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, trong quá trình đăng ký đất đai, công chứng các hợp đồng, giao dịch về đất đai, nhà ở, cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Kon Tum và người dân đã phát hiện hai trường hợp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu giả mạo mang tên bà Hồ Thị Hạnh. Phát hiện vụ việc, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum đã thu giữ các bộ hồ sơ liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có dấu hiệu làm giả. Sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh gửi văn bản đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra của Công an tỉnh phối hợp để điều tra, làm rõ. Sau khi vụ việc được phát hiện, người đứng tên hai sổ đỏ trên là bà Hồ Thị Hạnh đã rời khỏi nơi cư trú, đồng thời không đến Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Kon Tum để làm việc dù đang giữ chức vụ Phó Giám đốc của đơn vị này. Đến tháng 8/2021, Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum đã thi hành kỷ luật cách chức đối với bà Hạnh.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh Niên, VietNamNet, Đài TNVN (15/01) đưa tin, một toà án quân sự tại Myanmar đã xử nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi 5 tội danh liên quan tới tham nhũng, trong đó có việc thuê và mua máy bay trực thăng. Bà San Suu Kyi đã bị bắt giam kể từ biến cố chính trị tại Myanmar vào tháng 2/2021. Hiện tại, nhà cựu lãnh đạo 76 tuổi đang phải đối mặt với nhiều cáo buộc của chính quyền quân sự liên quan tới các tội hình sự, tham nhũng và vi phạm luật bí mật nhà nước. Nếu bị kết tội ở tất cả các cáo buộc, bà San Suu Kyi có thể phải đối diện với mức án hơn 100 năm tù. Theo nguồn tin từ báo chí Myanmar, bà San Suu Kyi vào ngày 14/1 vừa qua đã bị cáo buộc thêm tội danh liên quan tới việc thuê, bảo trì và mua trực thăng. Cựu Tổng thống U Win Myint bị cáo buộc tương tự. Hai cựu lãnh đạo này dự kiến sẽ bị truy tố vì không tuân theo các quy định tài chính gây thất thoát cho nhà nước khi đã thuê và mua trực thăng cho cựu bộ trưởng văn phòng chính phủ Win Myat Aye. Chiếc trực thăng đã được sử dụng từ năm 2019 đến năm 2021 và chỉ được bay có 84 giờ trên tổng số 720 giờ thuê. Bà San Suu Kyi cũng bị kết án 3 tội danh liên quan đến nhập khẩu và sở hữu bộ đàm trái phép cũng như vi phạm các quy định về phòng dịch Covid-19. Với 3 tội danh trên, bà San Suu Kyi đã chịu thêm 4 năm tù. Trước đó, bà đã từng giành giải Nobel Hoà bình cũng bị kết án 2 năm tù vì tội kích động chống lại quân đội. Bà San Suu Kyi dự kiến vẫn sẽ bị quản thúc tại gia cho tới khi các vụ kiện khác được tiến hành.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV
    - Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong khối cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương
    - Ngành Nội chính Đảng tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022
    - Khởi tố 2 đối tượng liên quan vụ mua sắm kit test của Công ty Việt Á
                                                                         BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.