Điểm báo tuần số 455 từ ngày 17/01 đến ngày 22/01/2022 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 24/01/2022, 07:52 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19/01) đưa tin, sau 02 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Kỳ họp thứ 7. Tại Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)… Đại đa số cácl ý kiến đồng tình và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng, cơ quan thẩm tra nhiều lần làm việc với cơ quan soạn thảo trước khi trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới như: Bổ sung một số danh hiệu, huy hiệu, kỷ niệm chương, xử lý vi phạm trong thi đua khen thưởng, nhằm xử lý kịp thời những vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ý kiến về việc bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ và điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (đợt 2); cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét việc đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; xem xét, quyết định việc thực hiện trang phục xét xử của Hội thẩm nhân dân; báo cáo công tác dân nguyện tháng 12/2021 của Quốc hội…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật,  Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20/01) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) cho biết, đang điều tra vụ án Buôn lậu và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí xảy ra tại khu vực Lục Lầm, phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội. Mở rộng điều tra vụ án, căn cứ tài liệu điều tra, lời khai các bị can và tài liệu khác có liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định Vũ Kiên Trung, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội đã có hành vi: Vi phạm trình tự, thủ tục đặt hàng dịch vụ công ích quy định của Nghị định 130/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ và Quyết định 77/2014/QĐ-UBND ngày 10/10/2014 của UBND thành phố Hà Nội; chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ dự toán trình Chủ đầu tư phê duyệt đặt hàng làm căn cứ thanh quyết toán trái quy định pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước. C03 đã ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với Vũ Kiên Trung, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, C03 đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó, liên quan vụ án này, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 10 bị can, trong đó có Nguyễn Xuân Hanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội; Đỗ Quang Tiến, Giám đốc Xí nghiệp cây xanh cây hoa cây cảnh thuộc Công TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Dân trí, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (21/12) đưa tin, liên quan vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Cần Thơ mà toàn bộ 6 bị cáo được tuyên vô tội, ngày 21/1, VKSND thành phố Cần Thơ thông tin cho biết: Ông Huỳnh Văn Ri, Viện trưởng VKSND thành phố Cần Thơ đã ký ban hành quyết định kháng nghị và đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử lại theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ, bản án ngày 7/1 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (42 tuổi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nông thủy sản Tây Nam), Phạm Tường Thi (42 tuổi, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Tiến), Nguyễn Văn Đạt (39 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Tân Tiến), Lê Thanh Hải (58 tuổi, nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh Cần Thơ), Trần Huy Liệu (50 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Cần Thơ), Bùi Tuấn Anh (47 tuổi, nguyên Trưởng phòng Tín dụng Agribank chi nhánh Cần Thơ) vô tội trong vụ án "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng" là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không đánh giá đầy đủ, toàn diện chứng cứ, tài liệu đã được thu thập trong vụ án. Theo quyết định kháng nghị, Hội đồng xét xử TAND thành phố Cần Thơ đã nhận định không đúng với quy định pháp luật theo Nghị quyết số 3 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Thiệt hại trong vụ án được xác định kể từ thời điểm tội phạm hoàn thành và đã được ngăn chặn thời điểm tháng 6/2016, sau khi đối trừ giá trị tài sản đảm bảo với vốn và lãi đã gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam số tiền hơn 303 tỷ đồng. Quyết định kháng nghị của Viện trưởng VKSND thành phố Cần Thơ  nêu rõ: Không thể căn cứ vào biến động của giá trị tài sản đảm bảo trong tương lai để xác định có hay không có thiệt hại như Hội đồng xét xử đã đưa ra. Hội đồng xét xử cho rằng chủ thể chứng minh thiệt hại trong vụ án hình sự là bị hại là vi phạm quy định Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Lao Động, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (21/12) dẫn nguồn tin từ Công an tỉnh Phú Yên cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh đã thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp và tạm giữ đối với 3 đối tượng có hành vi lừa đảo số tiền hơn 20 tỷ đồng. Ba đối tượng bị tạm giữ để điều tra về hành vi lừa đảo gồm: Nguyễn Thị Mỹ Trang, sinh năm 1982 (trú thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An); Trần Thị Kim Xuân, sinh năm 1981 và Trần Thị Hường, sinh năm 1975 (cùng trú thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An). Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, từ năm 2019, do mất khả năng trả nợ, cần có tiền trả nợ và sử dụng cá nhân nên Nguyễn Thị Mỹ Trang nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng  cách tung thông tin huy động vốn đầu tư kinh doanh vào công ty bia, nước giải khát không có thật để nhiều người tin tưởng, chuyển tiền vào các tài khoản đứng tên Trang. Sau khi có 6 bị hại đưa tiền, vàng và chuyển tiền vào tài khoản, Nguyễn Thị Mỹ Trang rút toàn bộ số tiền trên sử dụng, trả nợ cá nhân. Trần Thị Hường, Trần Thị Kim Xuân và một số đối tượng khác có vai trò giúp sức cho Trang đưa thông tin không có thật để bị hại tin tưởng chuyển tiền cho công ty Trang …cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh phú Yên đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Thanh Niên, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Lao Động, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21/01) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử công khai đối với Nguyễn Bảo Tiên (sinh năm 1986, nơi cư trú Phường 4, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) về tội “Tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” quy định tại điều 117 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2015) và tội “Chiếm đoạt, tàng trữ trái phép vật liệu nổ” quy định tại Điều 305 Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2015). Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Tiên đã thành khẩn khai báo, nhận tội và ăn năn hối cải. Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Tàng trữ, phát tán, tuyên truyền tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và 1 năm tù giam về tội “Chiếm đoạt, tàng trữ trái phép vật liệu nổ”.  Tổng hình phạt tù mà bị cáo Nguyễn Bảo Tiên phải nhận là 6 năm 6 tháng tù giam. Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên, Nguyễn Bảo Tiên theo dõi các trang báo nước ngoài và thường xuyên chia sẻ, đăng tải các bài viết có nội dung xuyên tạc, chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ tháng 8 - 10/2019, Nguyễn Bảo Tiên đã 5 lần, nhận 6 kiện hàng là các cuốn sách “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực” và “Chính đề Việt Nam” của “Nhà xuất bản tự do” có nội dung xuyên tạc, tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối tượng này đã 4 lần gửi 46 bưu phẩm, trong đó đã gửi thành công 24 bưu phẩm; 1 bưu phẩm đã gửi nhưng không có người nhận; đang làm thủ tục gửi 21 bưu phẩm thì bị Công an thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) phát hiện bắt giữ. Khám xét nhà ở của Nguyễn Bảo Tiên, lực lượng chức năng phát hiện 22 bưu phẩm với 38 cuốn sách được cất giấu. Ngày 20/4/2021, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Phú Yên còn phát hiện Nguyễn Bảo Tiên cất giấu 1 quả lựu đạn. Đối tượng này khai nhận khi được trưng tập tham gia diễn tập quân sự vào tháng 4/2008, đã lén lút lấy 1 quả lựu đạn có kíp nổ dùng trong huấn luyện quân sự mang về nhà.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (22/01) đưa tin, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm, chúc tết, tặng quà các công nhân, người lao động, gia đình chính sách, thương binh, liệt sỹ các tỉnh thành trên cả nước. Tại Lâm Đồng, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và đoàn công tác đến thăm, trao quà Tết tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo, công nhân lao động, gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, lực lượng tuyến đầu chống dịch tại tỉnh Lâm Đồng. Đoàn đã đến thăm và chúc Tết tại huyện Bảo Lâm, Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Đồng; thăm hỏi, động viên và trao quà Tết tặng các hộ gia đình khó khăn, gia đình bị ảnh hưởng dịch Covid-19, gia đình chính sách tại huyện Đơn Dương và Lạc Dương. Cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm hỏi, động viên lực lượng y tế tại Bệnh viện Nhi Lâm Đồng. Tại đây, Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã tặng quà động viên lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 và trao hai máy thở do quỹ Vì tầm vóc Việt tài trợ tặng địa phương Lâm Đồng. Dịp này, đồng chí Phan Đình Trạc cùng đoàn công tác đã trao 1.000 phần quà trị giá 1 tỷ đồng; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Lao động tỉnh trao 470 phần quà tặng các gia đình chính sách, hộ nghèo, gia đình khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn và các lực lượng tuyến đầu chống dịch tại Lâm Đồng. Tại Long An, đồng chí Phan Đình Trạc đến thăm và chúc Tết Công ty cổ phần Sản xuất Thép Vina One. Tại đây, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã gửi tặng 200 phần quà Tết cho công nhân, lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đoàn công tác đã làm việc và chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An. Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Đình Trạc chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An đã thực hiện thành công mục tiêu kép; đồng thời gửi lời chúc mừng năm mới Nhâm Dần 2022. Dịp này, đồng chí Phan Đình Trạc trao tặng cho Long An 500 phần quà Tết để tặng cho hộ nghèo, người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tổng trị giá 500 triệu đồng. Chiều cùng ngày, đoàn công tác đã đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (Long An) và đến thăm, tặng quà Tết cho đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp Mười; tặng quà Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An. Tại những nơi đến thăm, đồng chí Phan Đình Trạc đã thăm hỏi, động viên nhân dân, công nhân lao động chăm lo phát triển kinh tế, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong cuộc sống; động viên và chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, Thanh tra,  Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (22/01) đưa tin, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng cùng các thành viên đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 đến thăm, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng năm 2021, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và chúc Tết tại tỉnh Thanh Hóa. Đại tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh: Thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần, trách nhiệm và khát vọng vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước; mong Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa không ngừng phát huy những tiềm năng, lợi thế, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị khóa XII để Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới phía bắc của Tổ quốc. Cùng với việc tập trung xây dựng lực lượng vũ trang Thanh Hóa chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa trong năm 2022 cần bám sát quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và cấp ủy, chính quyền địa phương; rà soát, điều chỉnh kế hoạch công tác sát với tình hình thực tiễn; phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng quân sự, công an, biên phòng để hoàn thành tốt các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trên địa bàn. Trước mắt phải rà soát phương án, kế hoạch trực sẵn sàng chiến đấu dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, chăm lo, làm tốt công tác chính sách, hậu phương quân đội, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để hoàn thành kế hoạch tuyển quân năm 2022... Chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa; chúc Thanh Hóa cùng lực lượng vũ trang tỉnh giành được nhiều thắng lợi mới, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2022.
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17/01) đưa tin, các đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo; Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đồng chủ trì Hội thảo quốc gia về "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với Chủ đề "Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, nền tư pháp nước ta đã có một bước tiến dài trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước và lợi ích hợp pháp của các tổ chức. Những nguyên tắc đặc trưng giá trị cốt lõi của nền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ bản đã được định hình những khó khăn, vướng mắc, hạn chế bất cập trong quá trình cải cách tư pháp cũng đã được chỉ rõ. Sau khi nghe nhiều ý kiến tham luận và thảo luận, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các nhà khoa học và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật và tư pháp đều thống nhất nhận thức rằng, cải cách tư pháp là một trong những trọng tâm của Đề án xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bởi trong hệ thống cơ quan tư pháp, Tòa án có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ quan thực hiện quyền tư pháp đã được Hiến định, là biểu tượng của công lý, công bằng, lẽ phải, là nơi thể hiện rõ nét nhất bản chất của nhà nước pháp quyền. Do đó, trọng tâm của cải cách tư pháp vẫn nên tập trung cải cách tổ chức và hoạt động của Tòa án để Tòa án thực sự là trung tâm thực hiện quyền tư pháp. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, chặt chẽ của Đảng, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo, vì thế phải có quyết tâm chính trị cao để vượt qua thách thức, loại bỏ định kiến, rào cản nhận thức và tư tưởng cục bộ, kiên quyết, kiên trì cải cách vì một nền tư pháp công bằng, công lý, phục vụ nhân dân.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Người Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Dân trí, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18/01) đưa tin, Ban Chỉ đạo Trung ương ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức Hội nghị về công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự và chỉ đạo hội nghị. Tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương và đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân trong công tác giám định, định giá tài sản tham nhũng qua đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng này. Trong 47 vụ án, 46 vụ việc hiện Ban Chỉ đạo đang trực tiếp theo dõi, nhiều vụ án, vụ việc phải trưng cầu giám định, yêu cầu định giá. Hiện nay còn 40 quyết định trưng cầu giám định, yêu cầu định giá thực hiện chậm tiến độ, có khó khó khăn, vướng mắc. Nhiều vụ án, vụ việc hết thời hạn điều tra nhưng chưa có kết quả giám định, định giá phải tạm đình chỉ xác minh vụ việc, tạm đình chỉ điều tra vụ án. Phát biểu kết luận, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh phải nâng cao chất lượng, tiến độ công tác giám định, định giá để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực được hiệu quả. Đây là thước đo trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng cơ quan, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đồng chí đề nghị khẩn trương hoàn thiện thể chế liên quan, đầu tư nhân lực cũng như tăng cường trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan hữu quan cho công tác này.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Đại đoàn kết, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (18/01) cho biết, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa có Văn bản số 71 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; hướng dẫn các bộ, ngành và UBND 61 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương giao Thanh tra bộ, ngành, tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch  Covid 19 và báo cáo kết quả thanh tra về Thanh tra Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thanh tra chính phủ nêu rõ: Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Chính phủ, Thủ tướng chính phủ giao cho Thanh tra chính phủ và ngành thanh tra. Do đó, để thực hiện thanh tra đầy đủ nội dung, kịp thời, đúng pháp luật, thống nhất về thời gian, thời điểm thanh tra trên phạm vi cả nước, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch  Covid 19. Khẩn trương nắm tình hình, xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, ra quyết định thanh tra, phê duyệt kế hoạch và triển khai thanh tra ngay trong tháng 1/2022; tùy theo quy mô, tính chất phức tạp, các bộ ngành địa phương có thể thành lập 1 hoặc nhiều đoàn thanh tra. Thanh tra Chính phủ đề nghị: Kết thúc thanh tra, kịp thời ban hành kết luận thanh tra, trong đó, phải kết luận rõ vi phạm pháp luật, dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng (nếu có), nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật. Tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra gửi Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/3/2022 để tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra trên phạm vi cả nước để trình Thủ tướng Chính phủ. Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Công tác đôn đốc, tổng hợp kết quả thanh tra chuyên đề mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vaccine, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Công lý, Tiền Phong, Trang thông tin điện tử Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20/01) đưa tin, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) họp phiên thứ 21 để đánh giá công tác năm 2021, cho ý kiến về chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì phiên họp. Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Năm 2021, mặc dù trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp; nhiều thành viên mới được bổ sung, nhưng Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, xử lý nghiêm mọi sai phạm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả rõ rệt, có mặt cao hơn năm trước, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ” của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất Kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tiêu cực theo Quy định số 32, ngày 16/9/2021 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 03, ngày 1/12/2021 của Bộ Chính trị thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, với 19 nhóm nhiệm vụ; phân công cụ thể cho các cấp ủy, tổ chức đảng và các thành viên Ban Chỉ đạo; xác định rõ lộ trình, thời gian thực hiện, trong đó nhấn mạnh công tác hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cũng tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo; Kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 9 vụ án, 4 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo quy định của pháp luật. Chiều cùng ngày, Ban Nội chính Trung ương, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, toeei cực đã tổ chức họp báo, thông báo kết quả, nội dung phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo.
 
Các đồng chí chủ trì cuộc họp
Các đồng chí chủ trì cuộc họp
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, VnExpress, VietNamNet, Tiền Phong, Thanh Niên, Đại đoàn kết, Tuổi trẻ, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21/01) dẫn nguồn tin từ Tổng cục Hải quan cho biết, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã nhập khẩu 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, bị can Phan Quốc Việt - nguyên Giám đốc điều hành Công ty Công nghệ Việt Á (mã số thuế 0304851147) có 5 chi nhánh và đồng đứng tên giám đốc trên 11 công ty khác, song chỉ có Công ty Việt Á hoạt động nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng máy móc, thiết bị dụng cụ y tế, nhập khẩu chất thử thí nghiệm dùng trong thủy sản, mồi phản ứng PCR, phụ kiện dùng trong phòng thí nghiệm... Báo cáo cho biết, từ tháng 9 đến tháng 12/2021, Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã nhập khẩu 3 triệu que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 chủng loại Novel Coronavirus 2019-nCoV Antigen Test (Colloidal Gold), mới 100% từ Trung Quốc với giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21,56 nghìn đồng/test), với tổng trị giá 64,68 tỷ đồng. Trong 5 năm (từ 2017-2021), Công ty Việt Á có tổng kim ngạch nhập khẩu là 286 tỷ đồng. Trong đó, que test nhanh thành phẩm, hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm là 162 tỷ đồng (gồm 64,68 tỷ đồng que thử thành phẩm, 74 tỷ đồng hóa chất, chất thử, chất chuẩn dùng trong phòng thí nghiệm và 23 tỷ đồng dụng cụ dùng trong phòng thí nghiệm) và 123 tỷ đồng máy móc, thiết bị các loại phục vụ việc xét nghiệm, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Hiện Tổng cục Hải quan đang phối hợp các Cơ quan chức năng để xác minh, điều tra 7 công ty có liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á bao gồm: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Kỹ thuật - Technimex, Công ty cổ phần vật tư khoa học Biomedic, Công ty cổ phần kỹ thuật và sinh học ứng dụng Việt Nam, Công ty TNHH thiết bị khoa học Lan Oanh, Công ty TNHH thương mại Việt Hoàng Long, Công ty TNHH thiết bị khoa học sinh hóa Vina, Công ty cổ phần công nghệ TBR.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Dân trí, Đài TNVN, Đài TNVN, TTXVN (21/01) đưa tin, Cơ quan điều tra của Bộ Công an xác định, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang đã thông đồng với Công ty Việt Á trong việc đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 nhằm mục đích hưởng lợi bất chính. Ngày 21/01, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đang điều tra vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan. Quá trình điều tra mở rộng vụ án, C03 xác định ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang đã có hành vi thông đồng, cấu kết với ông Phan Huy Văn, Giám đốc Công ty Phan Anh (có trụ sở tại TP Bắc Giang); Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á và các đối tượng liên quan vi phạm các quy định của Luật đấu thầu khi tổ chức đấu thầu mua kit xét nghiệm Covid-19 do Công ty Việt Á sản xuất, tổng giá trị hơn 148 tỷ đồng. Ông Phan Huy Văn và bà Phan Thị Khánh Vân (chị ruột Phan Huy Văn) còn thỏa thuận, nhận hơn 44 tỷ đồng tiền % ngoài hợp đồng do Công ty Việt Á chuyển, Phan Thị Khánh Vân đã chi một phần tiền cho ông Lâm Văn Tuấn. Căn cứ kết quả điều tra, C03 đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lâm Văn Tuấn; Phan Huy Văn và Phan Thị Khánh Vân về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời, C03 đã có lệnh khám xét đối với Lâm Văn Tuấn và Phan Huy Văn. Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
 
    Báo Nhân dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Công Lý, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21/01) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Vĩnh Long cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Vũ Phương, sinh năm 1979, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng thương mại và khách sạn Trường Huy, ngụ tại phường Trường An, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2015 đến tháng 10/2017, Phạm Vũ Phương đã có hành vi nhờ người thân đứng tên thành lập tổng cộng 14 doanh nghiệp để xin vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Quá trình làm hồ sơ vay vốn tại ngân hàng, Phương đã nâng khống báo cáo tài chính của các doanh nghiệp để vay vốn; lập khống tổng cộng 186 hợp đồng mua và bán vật liệu xây dựng mục đích lập phương án vay vốn ký 97 hợp đồng tín dụng để được giải ngân tổng số tiền 1.142 tỷ 150 triệu đồng (gồm khoản vay có tài sản bảo đảm và khoản vay không có tài sản bảo đảm). Sau đó các chủ doanh nghiệp đều chuyển vào tài khoản cá nhân của Phạm Vũ Phương và Phương đã rút tiền mặt sử dụng không đúng mục đích. Sau khi vay, Phương không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng tín dụng, không hợp tác với ngân hàng để xử lý nợ và hiện không còn khả năng thanh toán, chỉ trông chờ vào việc bán tài sản bảo đảm để trả nợ. Tính đến ngày 25/12/2021, Phương đã chiếm đoạt 155 tỷ 982 triệu đồng.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (18/12) đưa tin, một cựu điều tra viên của Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) đã bị kết án 11 năm tù vì nhận 11,5 tỷ Rp (802.000 USD) tiền hối lộ. Stepanus Robin Pattuju là một cảnh sát được biệt phái sang KPK. Theo Hội đồng Thẩm phán tại Tòa án Chống tham nhũng Jakarta, cựu điều tra viên KPK Stepanus Robin Pattuju bị kết tội nhận tiền từ một số cá nhân, là đối tượng điều tra tham nhũng của Ủy ban, để đổi lại việc hủy bỏ vụ án đối với họ. Ngoài án tù, Stepanus được lệnh phải hoàn trả 2,3 tỷ Rp cho ngân khố nhà nước trong vòng 1 tháng sau khi kết án cuối cùng và có giá trị ràng buộc. Nếu không thực thi, các cơ quan chức năng sẽ thu giữ tài sản của Stepanus, Hội đồng Thẩm phán cho biết. Stepanus bị đưa vào danh sách tình nghi tham nhũng từ tháng 4 năm ngoái vì cáo buộc nhận hối lộ từ một Thị trưởng ở Bắc Sumatra - người bị truy tố trong một vụ tham nhũng. Theo hồ sơ vụ án, Thị trưởng thành phố Tanjungbalai M Syahrial đã đến gặp Stepanus để đề nghị giúp hủy bỏ một vụ án tham nhũng tại chính quyền thành phố. Stepanus được cho là đã nhận 1,3 tỷ Rp từ Syahrial. Đáng chú ý trong đó là vụ việc liên quan đến chính trị gia cấp cao của Đảng Golkar và là cựu Phó Chủ tịch Hạ viện Azis Syamsuddin. Theo cáo trạng, khi biết mình cùng tòng phạm Aliza Gunado - một thành viên khác của Đảng Golkar - bị tình nghi có liên quan đến một vụ án tham nhũng tại tỉnh Trung Lampung hồi năm 2017, ông Azis đã tìm cách lọt khỏi danh sách tình nghi của KPK. Azis đã đưa hối lộ 3,09 tỷ Rupiah (213.880 USD) và 36.000 USD vào năm 2020 cho điều tra viên Stepanus và luật sư Maskur Husain trong nhiều đợt, từ tháng 8/2020 đến tháng 3/2021.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV họp Phiên thứ 7 
    - Hội thảo quốc gia về "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045
    - Hội nghị về công tác giám định, định giá tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo
    - Phiên họp thứ 21 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
    - Bắt tạm giam Giám đốc CDC Bắc Giang
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.