Hòa Bình: Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Trung ương về Chiến lược cải cách tư pháp

Thứ Tư, 28/09/2022, 06:45 [GMT+7]
    Thực hiện Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp các cấp ủy, các cơ quan nội chính trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. 
    
    Trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc, cấp ủy cơ quan tư pháp đã phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành giữa Tòa án nhân dân hai cấp với cơ quan Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra cùng cấp từ giai đoạn điều tra, khởi tố đến giai đoạn xét xử, đảm bảo việc thu thập, đánh giá chứng cứ đầy đủ, khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật trong các vụ án hình sự. Đối với các vụ việc dân sự, hành chính, các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường phối hợp trong công tác lập hồ sơ vụ án, đánh giá tài liệu nhằm đưa ra phán quyết công bằng, khách quan giữa các bên đương sự; phối hợp trong tổ chức và tham gia phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; việc trả hồ sơ điều tra bổ sung được thực hiện đúng quy định pháp luật. Thường xuyên chỉ đạo thực hiện tốt việc phối hợp liên ngành trong công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm; trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân; trả lời các văn bản trao đổi nghiệp vụ của các cơ quan hữu quan.
 
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại huyện Lạc Thủy
Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại huyện Lạc Thủy
    Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức 257 phiên tòa rút kinh nghiệm; ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là trích xuất, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh khi xét hỏi, tranh tụng tại phiên tòa nhằm nâng cao chất lượng, kỹ năng xét hỏi, luận tội, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm việc buộc tội có căn cứ vững chắc, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.
 
    Tòa án nhân dân tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết xét xử kịp thời, không để án quá hạn luật định. Việc thực hiện tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được chú trọng, nâng cao. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa luôn đảm bảo cho những người tham gia tố tụng được trình bày, cung cấp chứng cứ, tài liệu, phát biểu ý kiến về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án. Thẩm phán xét xử căn cứ vào kết quả tranh tụng các bên và trên cơ sở xem xét toàn diện, khách quan các chứng cứ, tài liệu của vụ án để đưa ra phán quyết khách quan, công bằng, đúng pháp luật... Tòa án nhân dân hai cấp đã tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, hàng năm mỗi thẩm phán đều đăng ký ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm. Việc tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm sau phiên tòa được thực hiện nghiêm túc.
 
    Bên cạnh đó, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp luôn được các cơ quan tư pháp quan tâm, trú trọng, đầu tư. Công tác tuyển dụng, quy hoạch, bố trí sử dụng, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đảm bảo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự theo quy định của pháp luật và của ngành. Ngoài việc thực hiện công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ theo Kế hoạch của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao luôn chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, gắn liền với thực tiễn, qua đó nâng cao năng lực, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp.
 
    Trong 2 năm qua, Ban pháp chế của Hội đồng nhân dân tỉnh thực hiện 08 cuộc giám sát chuyên đề đối với hoạt động của các cơ quan Tư pháp, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh lựa chọn nội dung và tiến hành giám sát theo đúng quy định. Giai đoạn 2020 - 2022, ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp trong tỉnh đã tổ chức giám sát 726 cuộc, 356 văn bản kiến nghị; Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh triển khai thực hiện ký kết các quy chế phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành trong tỉnh; tham gia Hội đồng xét đặc xá cho phạm nhân do Trại tạm giam của Công an tỉnh quản lý theo Quyết định của Chủ tịch nước. 
 
    Thường xuyên phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự và tổ chức thi hành án tại các cơ quan tiến hành tố tụng. Định kỳ hăng năm, Ban Thường trực ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh duy trì thường xuyên công tác kiểm sát trực tiếp nhà tạm giữ, trại tạm giam do Công an tỉnh quản lý, từ năm 2020 đến tháng 7/2022 đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tiến hành kiểm sát 17 lần.
Đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 84-KL/TW, công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết vụ án, vụ việc trên địa bàn tỉnh luôn đạt và vượt chỉ tiêu theo Nghị quyết, Chỉ thị của cấp trên giao; chất lượng giải quyết án được nâng cao, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ án bị trả để điều tra bổ sung; án bị hủy, sửa hoặc kéo dài thời gian giải quyết do nguyên nhân chủ quan; tỷ lệ hòa giải, đối thoại trong giải quyết án dân sự, hành chính được nâng cao; các nguyên tắc giải quyết, xử lý đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Chất lượng công tác tổ chức, bộ máy cán bộ và đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp được quan tâm thường xuyên, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Đoàn Cần
.