Tọa đàm: Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thứ Năm, 19/05/2022, 14:02 [GMT+7]
    Ngày 19/5/2022, Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức Tọa đàm chuyên sâu lần thứ sáu với chủ đề "Mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trì Tọa đàm.
 
Quang cảnh Tọa đàm
Quang cảnh Tọa đàm
    Tham dự có các đồng chí: Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Nguyễn Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập xây dựng Đề án; các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và thành viên Tổ Biên tập xây dựng Đề án.
 
    Phát biểu tại Tọa đàm, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án khẳng định, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ là một phương thức vận hành tổng thể rất đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam, được ghi nhận lần đầu tiên trong Văn kiện của Đại hội V của Đảng (năm 1982), được nhắc lại trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng (năm 1986); đến Đại hội XIII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ". Nội hàm của cơ chế này phản ánh rõ nét những giá trị, đặc trưng cơ bản nhất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam về chủ quyền nhân dân, tính chính danh của Nhà nước và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. 
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát biểu
    Tuy nhiên, khi giải quyết mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong điều kiện mới thì chúng ta đang có lúng túng. Trong thực tiễn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập mà nếu không sớm được giải quyết sẽ làm hạn chế việc thực hiện vai trò, trách nhiệm của từng thành tố trong mối quan hệ này, đó là: Sự chồng chéo, trùng giẫm giữa hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng với hoạt động quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện pháp luật của chính quyền các cấp; tính hình thức của cơ chế Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, nhất là dân chủ trực tiếp. 
 
    Đồng chí đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung, như: Nhận thức rõ về nội hàm mối quan hệ, bản chất, nguyên tắc, cơ sở phân định vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý Nhà nước, vai trò làm chủ của Nhân dân giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; thực trạng nhận thức và giải quyết mối quan hệ này thời gian qua, những hạn chế, bất cập; vấn đề đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, nhất là đối với các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đối với lực lượng vũ trang… đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; vấn đề đổi mới tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; vấn đề đổi mới quản trị quốc gia, nâng cao năng lực quản trị nhà nước tốt…; vấn đề hoàn thiện cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, quản lý xã hội, kiểm soát quyền lực Nhà nước; đổi mới cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện đầy đủ, thực chất hơn; đổi mới tổ chức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
 
    Tại Tọa đàm, các ý kiến cơ bản đồng tình về tính thống nhất của các chủ thể trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ; tính thống nhất đó thể hiện ở mục tiêu và lợi ích của các chủ thể này đều vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của Nhân dân; các đại biểu cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế và các thiết chế, đồng thời đổi mới hoạt động các chủ thể này để đảm bảo trong thực tế hiệu lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của Nhân dân, nhất là các thiết chế để điều chỉnh chiều quan hệ ngược lại trong mối quan hệ này… 
 
    Đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, đây là mối quan hệ hai chiều, biện chứng chặt chẽ, tương hỗ, giám sát và kiểm soát lẫn nhau chứ không phải là mối quan hệ một chiều và không đặt vấn đề chủ thể nào cao hơn chủ thể nào trong mối quan hệ này. Đây là Tọa đàm cuối cùng trong Kế hoạch tổ chức 06 cuộc tọa đàm chuyên sâu của Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án. Đồng chí Phan Đình Trạc ghi nhận, cảm ơn các ý kiến phát biểu sâu sắc, trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết của đại biểu dự các buổi tọa đàm và đề nghị Ban Biên tập Đề án tiếp thu đầy đủ, chọn lọc để bổ sung, hoàn thiện Đề án trình Ban Chỉ đạo theo kế hoạch đã đề ra.
Đặng Phước – Anh Hưng
.