Cần Thơ: Củng cố tổ chức, hoạt động và quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng
Chủ Nhật, 08/11/2020, 07:57 [GMT+7]
Từ năm 2013 đến nay, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó chú trọng sắp xếp, tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan, đơn vị chức năng về phòng, chống tham nhũng; thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2026.
Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy định số 12-QĐ/TU ngày 27/11/2018 “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp tổ chức bộ máy hoạt động của Ban Nội chính Thành ủy Cần Thơ” (thay thế Quy định số 07-QĐ/TU ngày 16/5/2013 và Quy định số 09-QĐ/TU ngày 14/10/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy). Sau khi tiến hành sắp xếp bộ máy, cán bộ, công chức Ban Nội chính Thành ủy nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ phát huy tốt vai trò trung tâm phối hợp trong công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng của thành phố; chủ trì tổ chức họp các cơ quan chức năng để thống nhất quan điểm xử lý và giải quyết vướng mắc, kịp thời tham mưu Thường trực Thành ủy chỉ đạo những vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm về tham nhũng xảy ra trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến Dự thảo Luật PCTN vào năm 2018 |
Công an thành phố có Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu. Các quận, huyện có 06 đội; trong đó, có Đội Cảnh sát điều tra về tội phạm kinh tế và chức vụ, được tổ chức theo hướng tập trung chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế trong tình hình hiện nay. Công an thành phố đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng gồm 09 đồng chí, nâng cao chất lượng công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Cơ cấu tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân được hoàn thiện theo hướng xác định đúng, đủ thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó thực hiện tốt chức năng phòng, chống tham nhũng; thực hiện sáp nhập Phòng Tthống kê tội phạm và Công nghệ thông tin với Văn phòng tổng hợp thành đơn vị mới là Văn phòng tổng hợp; sáp nhập Phòng Kiểm sát và Giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp với Thanh tra thành đơn vị mới là Thanh tra - Khiếu tố.
Việc hoàn thiện tổ chức, bộ máy và hoạt động của Tòa án nhân dân được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW. Hiện, Tòa án nhân dân thành phố có 05 tòa chuyên trách, 02 phòng nghiệp vụ, văn phòng và 09 Tòa án nhân dân các quận, huyện (trong đó, Tòa án nhân dân thành phố có Tòa hình sự là Tòa chuyên trách, có 04 thẩm phán thực hiện xét xử các vụ án hình sự, tham nhũng, kinh tế).
Thực hiện Đề án sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố xây dựng và ban hành Đề án số 1289/ĐA-TTr ngày 06/12/2018 về việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Thanh tra thành phố. Thanh tra các ngành, các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm tình hình của cơ quan theo hướng giảm số lượng các phòng, đồng thời sắp xếp, bố trí lại vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế cho các phòng, thực hiện lộ trình tinh giản biên chế theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị chức năng luôn chủ động phối hợp trong công tác thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong tất cả các vụ án nói chung, án tham nhũng nói riêng, đảm bảo thực hiện đúng pháp luật, không để xảy ra án oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc (nay là Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị); Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng”.
Các cơ quan Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác phối hợp trong việc tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN & PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Viện kiểm sát nhân dân tối cao “Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố”; Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP-TTCP ngày 18/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Công an - Bộ Quốc phòng - Thanh tra Chính phủ “Quy định về phối hợp giữa cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thanh tra trong việc trao đổi thông tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố được phát hiện thông qua hoạt động thanh tra”; qua đó, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố, trong đó có phòng, chống tội phạm về tham nhũng.
Nguyễn Hiên