Đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Việt Nam
Thứ Ba, 29/10/2019, 20:20 [GMT+7]
Ngày 28-10, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã chủ trì buổi làm việc với các chuyên gia quốc tế đánh giá việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.
Cùng tham dự có ông Felipe Freitas Falconi, bà Tanja Santucci, đại diện cho Ban Thư ký Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), các chuyên gia quốc tế đến từ Indonesia và Honduras, cùng sự tham gia của đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.
Phát biểu khai mạc các phiên làm việc đánh giá về thực thi UNCAC đối với Việt Nam, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm cho biết, Việt Nam đã ký kết UNCAC từ năm 2003 và chính thức phê chuẩn, tổ chức thực thi UNCAC từ năm 2009. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các quy định của UNCAC, các Nghị quyết của Hội nghị quốc gia thành viên UNCAC, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên nhất là việc nội luật hóa quy định của UNCAC và thực hiện Nghị quyết về cơ chế đánh giá.
Hoạt động đánh giá thực thi UNCAC đã tạo cơ hội để Việt Nam rà soát chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tăng cường thực thi, nội luật hóa các yêu cầu của Công ước. Trên cơ sở nội dung rà soát, đánh giá, phân tích, và những khuyến nghị của chuyên gia quốc tế, Việt Nam đã thực hiện sửa đổi, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng như: sửa đổi Bộ Luật hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Tố cáo đặc biệt là sửa đổi toàn diện, ban hành Luật phòng, chống tham nhũng... Đồng thời, các cơ quan chức năng Việt Nam đã tăng cường thực thi pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Cũng trong thời gian này, Quốc hội Khóa XIV của Việt Nam đang họp Kỳ họp thứ 8, trong đó có nội dung nghe Chính phủ báo cáo, trả lời chất vấn về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019. Trong năm 2019, với nỗ lực của các cấp, các ngành, vai trò, trách nhiệm của xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát, đôn đốc, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh; chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghiêm túc; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được tổ chức bài bản, chặt chẽ hơn; công tác phòng ngừa tham nhũng được mở rộng và có sự điều chỉnh phù hợp để khắc phục hạn chế, yếu kém, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện; công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được đẩy mạnh, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân sai phạm, trong đó có nhiều công chức cấp cao; việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả tích cực và có sự tiến bộ rõ nét.
Triển khai Kế hoạch tổ chức đánh giá quốc gia về thực thi UNCAC theo Chu trình đánh giá thứ II, Chính phủ Việt Nam đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan hoàn tất dự thảo Báo cáo quốc gia về việc thực thi Chương II và Chương V của UNCAC. Đến nay, sau khi nhận được ý kiến phản hồi của các chuyên gia quốc tế về dự thảo báo cáo Báo cáo, các cơ quan, bộ, ngành của Việt Nam cũng đã khẩn trương chuẩn bị bổ sung thông tin, tài liệu để làm việc với các chuyên gia, với mong muốn qua chuyến đánh giá thực địa lần này sẽ tiếp tục làm sáng tỏ thêm những nỗ lực, kết quả thực tế mà Việt Nam đã đạt được trong thực thi UNCAC.
Dự kiến các phiên làm việc, đánh giá sẽ diễn ra từ 28-30/10 tại Hà Nội và Quảng Ninh.
P.V