Cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương: Tích cực nghiên cứu, trau dồi kiến thức nghiệp vụ, đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới
Thứ Hai, 20/01/2020, 15:21 [GMT+7]
Ngày 28/12/2019, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020. Tại Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã có bài phát biểu nhằm đánh giá kết quả công tác nổi bật năm 2019 và đề ra những nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 của Ban Nội chính Trung ương. Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương trân trọng giới thiệu nội dung chính Bài phát biểu quan trọng này.
I. Về đánh giá kết quả công tác năm 2019
Năm 2019, cùng với những thành tựu chung của cả nước, với sự đoàn kết, nỗ lực rất lớn của toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, chúng ta đã hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ đã đề ra; chất lượng, hiệu quả nhiều mặt công tác được nâng lên, để lại dấu ấn tốt. Trong đó nổi bật là:
1. Chủ động tham mưu xây dựng; tích cực đôn đốc, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình công tác năm 2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương.
- Chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu, phục vụ tốt Phiên họp thứ 15, 16 của Ban Chỉ đạo, 02 Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương; khẩn trương ban hành kết luận và chủ động hơn, tích cực hơn trong đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các kết luận của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo. Nhìn lại đến nay cơ bản các nội dung trong chương trình công tác của hai Ban Chỉ đạo đã được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành theo kế hoạch, có việc vượt yêu cầu đề ra.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của Ban Nội chính Trung ương ngày 28/12/2019. |
- Công tác theo dõi, đôn đốc, tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo ngày càng bài bản, cụ thể, quyết liệt, hiệu quả hơn. Nhất là, tham mưu thực hiện tốt cơ chế giao ban hàng tuần 03 đồng chí Thường trực Ban Chỉ đạo, các cuộc họp của Ban Chỉ đạo 110; tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, giải mật tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh...; tham mưu về chủ trương, đường lối xử lý, làm rõ bản chất tham nhũng, xử lý nghiêm minh, tương đối trọn vẹn các vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã đội đặc biệt quan tâm,... (chủ trì, phối hợp tham mưu tổ chức 11 cuộc họp Ban Chỉ đạo và 30 cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo 110; 33 cuộc họp liên ngành các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; ban hành trên 100 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tham mưu đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo 07 vụ án, kết thúc theo dõi, chỉ đạo 26 vụ án, 38 vụ việc).
- Chủ trì, phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế(1), nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng; kiểm tra công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ(2); chỉ đạo kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm(3); chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN(4); phối hợp, phục vụ tốt 16 Đoàn công tác của Thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN tại 41 cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương.
2. Tập trung nghiên cứu, xây dựng 13 Đề án, chuyên đề lớn và 09 Đề tài, chuyên đề khoa học về công tác nội chính, PCTN và CCTP; trong đó, đã hoàn thành 10 Đề án, chuyên đề trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu Ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng(5), và 05 Đề tài, chuyên đề khoa học, 125 báo cáo chuyên đề về công tác nội chính, PCTN và CCTP. Nhất là, kiên trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy định số 163-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN và Quyết định số 159-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương; nghiên cứu, đề xuất mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp công tác PCTN nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.
3. Tích cực nghiên cứu, thẩm định, phát biểu ý kiến sâu, có chất lượng nhiều dự án Luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, PCTN và CCTP, nghiên cứu, tham gia ý kiến 28 dự án luật, 46 Đề án, văn bản về nội chính, PCTN và CCTP, nhất là Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật đầu tư công (sửa đổi); Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật PCTN năm 2018,... Đề án tăng cường năng lực Cơ quan điều tra và Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động điều tra; Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Đề án về tổ chức Đại hội Hội luật gia Việt Nam nhiệm kỳ 2019-2024,...
4. Chủ động tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhất là tổ chức nền nếp, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả Giao ban công tác nội chính hằng tháng ở Hà Nội, hằng quý ở phía Nam. Chủ động nắm tình hình, tham mưu Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý vụ việc người dân chiếm đất trái pháp luật tại thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum; chủ động khảo sát, tham mưu chỉ đạo những vấn đề nổi lên về an ninh trật tự khu vực biên giới Việt nam - Campuchia và các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế ở một số tỉnh phía Nam; chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc, chuẩn bị Đại hội Liên đoàn Luật sư Hà Nội.
5. Công tác theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác nội chính, PCTN và CCTP ở Trung ương và địa phương có nhiều chuyển biến. Tổ chức tốt Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2018; tổ chức 02 Hội nghị toàn quốc tập huấn nghiệp vụ công tác nội chính, PCTN và CCTP; 05 Cuộc giao ban Cụm, 20 cuộc hội thảo, tọa đàm về công tác nội chính và PCTN; phối hợp tổ chức 22 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác nội chính và PCTN cho 20 địa phương và 02 bộ, ngành Trung ương; nắm tình hình, phát hiện, tham mưu chỉ đạo xử lý 27 vụ, việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng(6); 11 vụ án, 7 vụ việc có khó khăn, vướng mắc(7) ở một số địa phương; hướng dẫn, đôn đốc thực hiện có hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về quy định người đứng đầu cấp ủy tiếp dân; Quy định số 194-QĐ/TW của Ban Bí thư Quy định phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với tỉnh ủy, thành ủy về công tác nội chính, PCTN và CCTP; xây dựng Quy chế phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng về công tác tiếp dân, xử lý đơn thư và thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý đơn thư của Ban theo quy định.
6. Tham gia về công tác cán bộ được quan tâm, diện cán bộ Ban tham gia ý kiến rộng hơn, thể hiện vai trò, trách nhiệm của Ban đối với công tác cán bộ được nâng lên, nhất là tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương; đề nghị bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm cấp tướng đối với sĩ quan cao cấp trong Quân đội, Công an và một số chức danh cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; việc điều động, bổ nhiệm, luân chuyển lãnh đạo ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy theo Quy định số 194-QĐ/TW của Ban Bí thư; lãnh đạo Ban được phân công tham gia Tổ giúp việc Tiểu Ban nhân sự Đại hội XIII của Đảng.
7. Công tác cán bộ, thi đua, khen thưởng, hợp tác quốc tế, hoạt động của Tạp chí, Văn phòng tiếp tục được quan tâm và đạt nhiều kết quả. Đã được bổ sung thêm 02 đồng chí Lãnh đạo Ban; điều động, bổ nhiệm 02 Vụ trưởng, 04 Phó vụ trưởng và tương đương, 03 cán bộ cấp phòng; tiếp nhận, tuyển dụng 05 trường hợp, trong đó có 02 sinh viên xuất sắc,... quan tâm làm tốt công tác rà soát, bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng và quy hoạch lãnh đạo Ban giai đoạn 2016-2021 và 2021-2026. Công tác đối ngoại; hoạt động thông tin, tuyên truyền của Tạp chí; công tác văn phòng, phục vụ có nhiều cố gắng, ngày càng nền nếp, hiệu quả, phục vụ tốt hoạt động của 02 Ban Chỉ đạo và của Ban.
8. Công tác xây dựng Đảng, hoạt động Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công được quan tâm và đạt nhiều kết quả; chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh. Rà soát, bổ sung quy hoạch, kiện toàn Ban Thường vụ Đảng ủy, chi ủy các chi bộ; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết Hội nghị Trung ương, Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng; công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nề nếp. Tổ chức tốt Đại hội Công đoàn, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ quan. Nội bộ đoàn kết; các đơn vị quan tâm hơn về đổi mới, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả công tác, phối hợp tốt hơn, chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Ban, tôi biểu dương các vụ, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, nhân viên của Ban đã nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác năm 2019; trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương, sự phối hợp, giúp đỡ của ban, ngành Trung ương, địa phương và các cơ quan báo chí trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của chúng ta trong năm 2019 vẫn còn một số hạn chế cần lưu ý, đó là: (1) Công tác nắm tình hình ở địa bàn vẫn còn hạn chế, chưa sâu; tính chủ động, nhạy bén trong tham mưu, đề xuất có lúc, có việc còn bị động, lúng túng. (2) Thực hiện một số nhiệm vụ còn chậm, chất lượng chưa cao, có việc còn kéo dài. (3) Phối hợp giữa các vụ, đơn vị trong một số công việc vẫn chưa tốt, nhất là trong phối hợp tham mưu, đề xuất hướng dẫn xử lý các vụ việc, vụ án ở địa phương; trình xử lý công việc có lúc chưa đúng địa chỉ. (4) Phong trào thi đua, hoạt động văn thể của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công vẫn còn những hạn chế.
Nguyên nhân: Khối lượng công việc nhiều; nhiều việc phức tạp, nhạy cảm; số lượng cán bộ, công chức còn thiếu, trách nhiệm, tâm huyết, lề lối làm việc, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn một số cán bộ, công chức còn hạn chế.
II. Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2020
1. Về công tác tham mưu, giúp việc 02 Ban Chỉ đạo
- Tham mưu xây dựng và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình công tác năm 2020 của hai Ban Chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu phục vụ tốt các cuộc họp, phiên họp của hai Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo; sâu sát, cụ thể, kiên trì hơn, kịp thời hơn, quyết liệt hơn trong tham mưu chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kết luận của đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo.
- Bám vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế và tình hình triển khai công tác CCTP, kịp thời tham mưu chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác CCTP.
- Hoàn thành Kế hoạch kiểm tra công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ. Ban hành Quy trình kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo; kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kết luận của các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo.
- Sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cho phù hợp với quy định mới của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo.
- Tổng kết nhiệm kỳ hoạt động của Ban Chỉ đạo, kết thúc hoạt động Ban Chỉ đạo 110.
2. Tập trung xây dựng 04 Đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, gồm: (1) Đề án “Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; (2) Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN”; (3) Đề án “Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”; (4) Đề án “Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ ngành Nội chính và Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”; hoàn thành 04 Đề tài, Đề án khoa học năm 2019 và triển khai 07 Đề tài, Đề án khoa học năm 2020.
3. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, thẩm định, tham mưu, đề xuất về một số vấn đề lớn trong các dự án luật, đề án, văn bản quan trọng về nội chính, PCTN và CCTP; nhất là, sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Đất đai; Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư; Luật Giám định tư pháp; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản pháp luật do các đoàn công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo kiến nghị để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN.
4. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp ở địa phương và các bộ, ngành Trung ương:
- Tập trung hướng dẫn, đôn đốc thực hiện nghiêm Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy tiếp dân và Chỉ thị số 27-CT/TW về bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng đấu tranh PCTN, khiếu nại, tố cáo để chống phá Đảng, Nhà nước. Nhất là lưu ý đến việc gây nhiễu nhân sự Đại hội Đảng các cấp.
- Chủ động nắm bắt, kịp thời tham mưu chỉ đạo xử lý các vấn đề nổi lên về an ninh trật tự; các vụ, việc sai phạm về kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, báo chí phản ánh, dư luận đặc biệt quan tâm.
- Tham mưu chỉ đạo các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, nhất là xử lý, ngăn chặn “tham nhũng vặt”.
- Tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến có chất lượng về văn kiện, nhân dự Đại hội Đảng các cấp về công tác nội chính, PCTN và CCTP; thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham nhũng.
- Khẩn trương hoàn thành tài liệu, kiện toàn báo cáo viên về tập huấn nghiệp vụ cho ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy.
5. Xây dựng Kế hoạch để triển khai thực hiện ngay Quyết định mới của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban. Nhất là rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các vụ; kiện toàn lãnh đạo các vụ, đơn vị; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức; tuyển dụng sinh viên xuất sắc, thu hút cán bộ có năng lực, kinh nghiệm từ nơi khác về Ban; sử dụng chế độ chuyên gia, cộng tác viên; rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc, quy định về công tác cán bộ, bảo đảm đúng các quy định của Đảng, Nhà nước, chặt chẽ, khoa học và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Ban.
6. Tổ chức tốt Đại hội Đảng bộ cơ quan nhiệm kỳ 2020-2025; Đại hội các chi bộ nhiệm kỳ 2020-2022. Rà soát, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm, tâm huyết và hiệu quả công tác; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ; chăm lo xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh.
7. Một số nhiệm vụ trọng tâm trước mắt: (1) Tập trung, khẩn trương chuẩn bị nội dung và phục vụ tốt 02 Hội nghị lớn: Hội nghị tổng kết công tác Ngành Nội chính Đảng năm 2019 (ngày 06/01/2020). Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo (ngày 15/01/2020). (2) Khẩn trương hoàn thành Kết luận của Ban Bí thư về tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW về Luật sư; về sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW về khiếu nại tố cáo, Chỉ thị số 35-CT/TW về kê khai tài sản; Đề án về tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP; Hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW của Ban Bí thư và hướng dẫn phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 26-CT/TW. (3) Quán triệt, thực hiện nghiêm túc quy định của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức Tết năm 2020; thăm hỏi, giúp đỡ các đồng chí ốm đau, hoàn cảnh khó khăn. Cán bộ, công chức của Ban không chúc Tết Lãnh đạo; không dùng xe công đi đền, chùa, việc riêng; Văn phòng thông báo cho các ban nội chính tỉnh uỷ, thành uỷ không chúc Tết lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương; trực Tết, nắm tình hình và kịp thời báo cáo tình hình nội chính, PCTN và CCTP trong dịp Tết theo quy định.
Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng; nhiệm vụ công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp là rất lớn, nhân dân rất kỳ vọng và quan tâm. Tôi mong các đồng chí nỗ lực, cố gắng, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, tích cực nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức nghiệp vụ, chia sẻ, hiệp đồng, phối hợp, đoàn kết chặt chẽ; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu công tác trong giai đoạn mới.
Nhân dịp năm mới 2020 và Xuân Canh Tý sắp đến, thay mặt lãnh đạo Ban, tôi xin chúc tất cả các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
(1) Kế hoạch số 192-KH/BCĐTW và Báo cáo của Ban Chỉ đạo về kiểm tra công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
(2) Kế hoạch số 222-KH/BCĐTW về kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có liên quan đến dấu hiệu tội phạm về trật tự quản lý kinh tế, chức vụ.
(3) Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang Thép Thái Nguyên; việc quản lý, sử dụng 2.200 tỷ Tập đoàn Dầu khí quốc gia trả nợ cho Vinashin và số tiền 4.190 tỷ Chính phủ tạm ứng cho Vinashin tái cơ cấu; các dự án liên quan đến Đinh Ngọc Hệ, kiểm toán Nhà máy Đạm Ninh Bình.
(4) Công văn số 219-CV/BCĐTW, ngày 17/6/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.
(5) - 10 Đề án, chuyên đề đã hoàn thành gồm: (1) Đề án về Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương trong công tác nội chính, PCTN và CCTP; (2) Đề án sửa đổi Quy định số 163-QĐ/TW, ngày 01/02/2013 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo; (3) Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 159-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương; (4) Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư”; (5) Đề án “Tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính về Chiến lược CCTP đến năm 2020”; (6) Hướng dẫn của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc”; (7) Đề án “Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; (8) Đề án “Sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; (9) Chuyên đề về “đánh giá công tác PCTN nhiệm kỳ Đại hội XII; mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp PCTN nhiệm kỳ Đại hội XIII”; (10) Chuyên đề tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW của các ban đảng, cơ quan đảng ở Trung ương.
- 03 Đề án đang xây dựng, trình Bộ Chính trị vào đầu năm 2020, gồm: (1) Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN”; (2) Đề án “Quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ ngành Nội chính và Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”; (3) Đề án “Nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”.
(6) Vụ 8 phát hiện, đề xuất chỉ đạo xử lý 17 vụ, việc; Vụ 6 phát hiện, đề xuất chỉ đạo xử lý 10 vụ, việc.
(7) Vụ 1 chủ trì, phối hợp Vụ 6, Vụ 8 tham mưu chỉ đạo xử lý 11 vụ án, 07 vụ việc có khó khăn, vướng mắc ở
địa phương.
|