Bắc Kạn: Tổ chức hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới
Thứ Sáu, 27/09/2019, 10:43 [GMT+7]
Ngày 26-9, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật mới. Các đồng chí Lý Quang Vịnh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ; Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tới dự.
Tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; lãnh đạo UBND, cán bộ tư pháp các huyện, thành phố và báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh đã được nghe giới thiệu những nội dung mới, cơ bản của 05 văn bản luật và nghị định là: Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 ngày 15-11-2018; Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 ngày 19-11-2018; Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19-11-2018; Luật Phòng, chống tham nhũng số 36/2018/QH14 ngày 20-11-2018 và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24-6-2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quang cảnh Hội nghị |
Trong đó, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước quy định bí mật nhà nước là thông tin quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mật có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc. Theo quy định của Luật thì bí mật nhà nước có 3 thuộc tính cơ bản: Thứ nhất, bí mật nhà nước là thông tin quan trọng; thứ hai, là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc; thứ ba, phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định tại Luật này. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hình thức chứa đựng bí mật nhà nước bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác. Để phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước và có căn cứ để xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, Luật quy định một điều (Điều 5) về các hành vi bị nghiêm cấm, đáng chú ý như: Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước; thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu; truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu; đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông...
Hội nghị cũng giới thiệu Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018. Trong đó, Luật có một số điểm mới nổi bật quan trọng để bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ, hiệu quả trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng, cụ thể: Mở rộng đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập. Những người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được Luật này quy định tại Điều 34. Theo đó, các đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập không còn được gói gọn ở “một số cán bộ, công chức” như quy định tại Luật cũ, mà được mở rộng hơn, theo đó đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập gồm. Thêm một số loại tài sản, thu nhập phải kê khai; kê khai không trung thực có thể bị buộc thôi việc. Cơ quan xảy ra tham nhũng, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm Điều 72 của Luật này quy định về trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách như sau: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ tham nhũng; cấp phó phải chịu trách nhiệm trực tiếp nếu xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình được giao trực tiếp phụ trách; người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới.
Phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán. Điều 60 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đề cập đến việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán. Theo đó, Cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Kiểm toán nhà nước ra quyết định thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng khi có căn cứ theo quy định của Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán nhà nước. Từ đó, Luật đưa ra thẩm quyền của cơ quan thanh tra, Kiểm toán nhà nước trong thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng tại Điều 61. Và việc xử lý vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, Điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định rõ ràng và cụ thể.
Việc xử lý người có hành vi tham nhũng được quy định chi tiết tại Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 như sau: Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác; Người có hành vi tham nhũng quy định tại Điều 2 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; - Trường hợp người có hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì bị xem xét tăng hình thức kỷ luật; Người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; Người bị kết án về tội phạm tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức mà bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật thì đương nhiên bị buộc thôi việc đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân thì đương nhiên mất quyền đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo đó, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật. Thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra phải được khắc phục; người có hành vi tham nhũng gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019.
Sau đợt tập huấn, các học viên tiếp tục quán triệt, triển khai đến các cán bộ, đảng viên, công nhân viên trong cơ quan, đơn vị, địa phương mình, để sớm đưa nội dung các luật được giới thiệu tại hội nghị vào cuộc sống.
Hồng Hà