Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật

Thứ Ba, 11/04/2023, 13:54 [GMT+7]
    Vừa qua, tại tỉnh Bắc Giang, Ủy ban Tư pháp Quốc hội tổ chức Hội thảo “Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật”.
 
    Dự Hội thảo có các đồng chí: Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; đại diện Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước; các thành viên Ủy ban Tư pháp; cố vấn khu vực về phòng, chống tham nhũng, Cơ quan Phòng, chống ma tuý và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) Khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương.
 
    Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nghiêm Xuân Hưởng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.
 
Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo
    Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Trong những năm qua, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được tăng cường và đạt nhiều kết quả hết sức quan trọng. Hệ thống pháp luật được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm tính thống nhất, khả thi, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
    Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, thực tiễn công tác xây dựng pháp luật cũng cho thấy, chất lượng xây dựng một số văn bản chưa cao, vẫn còn tư duy nhiệm kỳ, cài cắm lợi ích cục bộ của bộ, ngành, địa phương vào dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các quy định của Đảng nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật còn chưa đầy đủ, thiếu cụ thể, nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau; quá trình thực hiện có lúc còn chưa nghiêm, ý thức, trách nhiệm của một số cấp ủy đảng, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên có chức năng tham mưu, đề xuất trong công tác xây dựng pháp luật chưa cao. Do đó, Kết luận số 19-KL/TW, ngày 14/10..021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã chỉ rõ “Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật”. 
 
Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
    Trong năm 2022, Ủy ban Tư pháp được giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật, dự kiến sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua trong năm 2023. Hội thảo lần này sẽ góp phần làm rõ hơn về thực trạng, nhận diện các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng pháp luật và xây dựng cơ chế thực chất, hiệu quả để phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác này. 
 
    Đại diện cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam Nguyễn Nguyệt Minh chia sẻ chủ đề của hội thảo “Phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật” cũng là vấn đề được Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) quan tâm. Tổ chức Minh bạch quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về thực trạng vận động hành lang đã thao túng các quyết sách của một số lãnh đạo ở châu Âu dẫn đến tình trạng tham nhũng nghiêm trọng. Tiêu cực tham nhũng trong vận động hành lang cản trở sự tham gia của các bên liên quan khác trong xây dựng chính sách, làm sói mòn lòng tin của công chúng đối với những người hoạch định chính sách và ra quyết định.
 
    Hiện nay Quốc hội cùng các cơ quan Bộ, ngành của Việt Nam đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm tăng cường công khai minh bạch trong công tác xây dựng pháp luật, trong quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Giữa phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực có mối liên hệ khá gần gũi. Ở Việt Nam vấn đề này được nhắc đến ngày càng nhiều ngày càng được Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm. Với chức năng của mình UNODC đã và đang cùng với các cơ quan của Việt Nam hỗ trợ công tác xây dựng pháp luật, chính sách nhằm hoàn thiện các luật như Bộ luật hình sự; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Phòng, chống rửa tiền…tổ chức các chương trình đào tạo tập huấn tăng cường minh bạch, liêm chính. Tuy nhiên phía trước còn rất nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu đề ra.
 
    Các đại biểu có nhiều tham luận tập trung vào: Cơ chế phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, tham mưu xây dựng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp và thông qua hoạt động thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; kinh nghiệm quốc tế liên quan đến cơ chế phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi lợi ích nhóm, cục bộ, tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, tham gia ý kiến đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội; kiến nghị và giải pháp...
 
    Thông qua Hội thảo góp phần giúp Ủy ban Tư pháp cụ thể hóa nhiệm vụ tham mưu giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; dự kiến trình Bộ Chính trị xem xét, thông qua trong năm 2023.
                                                                                                  Bắc Văn
.