Tòa án nhân dân tối cao: Hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải cách tư pháp
Thứ Năm, 31/03/2022, 16:37 [GMT+7]
Tòa án nhân dân tối cao vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về cải cách tư pháp; Hội đồng Thẩm phán đối thoại, giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong công tác xét xử. Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và hơn 12 ngàn Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký tại gần 800 điểm cầu trong cả nước.
Quang cảnh Hội nghị |
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giới thiệu về định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam, một số nội dung cải cách tư pháp, khẳng định cải cách tư pháp có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là bảo vệ quyền con người. Nội dung cải cách tư pháp bao gồm 05 vấn đề lớn: Sự cần thiết phải cải cách tư pháp; quan điểm mục tiêu cải cách tư pháp; nhiệm vụ và giải pháp; lộ trình thực hiện và các nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp. Trong đó, Chánh án đặc biệt quan tâm tới nội dung xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; vị trí, vai trò của Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
Những năm qua công tác cải cách tư pháp trong Tòa án nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của Tòa án với tư cách là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 102 Hiến pháp 2013). Tuy nhiên, nền tư pháp nước ta còn tồn tại những bất cập, chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu và mong muốn của người dân. Công tác cải cách tư pháp vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và tồn tại cần được tháo gỡ. Một số nhiệm vụ do Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh đó, thực tiễn và hoạt động của Tòa án còn nhiều tồn tại như chưa thực sự độc lập; tính chuyên môn hóa, chuyên nghiệp chưa cao; cơ chế nhân dân tham gia xét xử chưa thực chất; cơ sở vật chất, chế độ chính sách, nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu… Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp để thích ứng tốt hơn với tình hình mới.
Về mục tiêu của cải cách tư pháp, cần phải xây dựng nền tư pháp độc lập, chuyên biệt, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để Tòa án hoàn thành sứ mệnh được Đảng và Nhân dân giao phó.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, cần thực hiện thành công các giải pháp, đó là: Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân, bảo vệ quyền uy tư pháp; xác định nội hàm, đặc trưng, chủ thể thực hiện quyền tư pháp; hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp; đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp; nâng cao chất lượng nhân lực của Tòa án; tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực; xây dựng Tòa án điện tử; tăng cường hợp tác quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
Xây dựng nhân lực của Tòa án trong sạch, liêm chính, vững về chính trị, giỏi nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và nhân ái. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất của Tòa án tiến tới xây dựng Tòa án điện tử, nâng cao chất lượng và uy tín để Tòa án thực sự là hiện thân của lẽ phải và công lý.
Về nội dung xây dựng Tòa án điện tử là xu thế của thế giới và việc xây dựng Tòa án điện tử góp phần nâng cao năng lực quản trị của Tòa, cung cấp các dịch vụ tư pháp công, cấp sao bản án và tài liệu có trong hồ sơ, nộp án phí và lệ phí…
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm, cần xây dựng Tòa án độc lập, theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, xác định đúng chức năng thực hiện quyền tư pháp, nâng cao uy tín và bảo vệ quyền tư pháp.
P.V