Banner

Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

Thứ Sáu, 16/07/2021, 07:37 [GMT+7]
    Vừa qua, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị “Chuyển đổi số và định hướng xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”.
 
    Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đồng chủ trì Hội nghị.
 
Ký kết Chương trình phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
Ký kết Chương trình phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp
    Theo báo cáo tại Hội nghị, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử là xu thế toàn cầu và không thể đảo ngược. Đối với Tòa án cũng vậy, xây dựng Tòa án điện tử là xu thế tất yếu trong “thời đại số” hiện nay để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và bắt kịp với nền tư pháp văn minh của thế giới. Đây cũng chính là việc thực hiện cam kết của Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tại Hội nghị Chánh án các nước ASEAN (đó là đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử). Đến thời điểm này, có rất nhiều quốc gia đã hoàn thành xong giai đoạn xây dựng Tòa án điện tử và đang trong giai đoạn xây dựng Tòa án số để tiến tới xây dựng Tòa án thông minh như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Ấn Độ, Singapore,…
 
    Thời gian qua, việc triển khai xây dựng Tòa án điện tử đã đạt được một số kết quả. Việc công khai bản án, quyết định của Tòa án và các án lệ trên Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân Tối cao được các Tòa án trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc. Hiện đã công bố được hơn 680.000 bản án, quyết định; 43 Án lệ với tổng lượng truy cập để tìm hiểu về các bản án là hơn 100 triệu lượt và hàng chục nghìn ý kiến bình luận, góp ý đối với các bản án, quyết định. Phần mềm quản lý đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được đưa vào sử dụng, bước đầu đã giúp Tòa án nhân dân Tối cao xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; việc phân công Thẩm phán được tiến hành theo phương thức tự động; Thẩm phán và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao dễ dàng theo dõi được khối lượng công việc và quá trình giải quyết đơn của từng Thẩm tra viên, đơn vị.
 
    Dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án giúp các cơ quan, tổ chức, người dân đăng ký xin cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào mà không cần phải đến trụ sở của Tòa án. Đến nay, các Tòa án đã tiếp nhận, giải quyết hơn 6.400 yêu cầu đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; Dịch vụ công gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án bằng phương tiện điện tử; Triển khai xây dựng phần mềm quản lý án tổng hợp do Tòa án tối cao Hàn Quốc tài trợ làm nền tảng cho việc phát triển hệ thống tố tụng điện tử từ năm 2019 đến nay đang trong giai đoạn hoàn thiện và thử nghiệm…
 
    Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh, để triển khai Tòa án điện tử cần có sự vào cuộc đồng bộ, không chỉ lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao mà còn có sự quyết tâm góp sức từ Tòa án nhân dân các cấp. Tòa án điện tử trở thành khát vọng của từng Thẩm phán và đây là cơ hội mở cho hệ thống Tòa án. Tòa án điện tử còn là công cụ để người dân kiểm tra lại hoạt động của Tòa án và kiểm tra lại các vụ án đã được đưa ra xét xử trước đó, từ đó, giúp người dân nhìn nhận để đưa ra các quyết định khởi kiện… 
 
    Để xây dựng thành công Tòa án điện tử thì cần có quyết tâm chính trị của lãnh đạo, Thẩm phán, công chức Tòa án nhân dân các cấp; hoàn thiện nền tảng pháp lý, trong đó ưu tiên rà soát, cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng; hạ tầng công nghệ, đội ngũ chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia quốc tế cũng như các đơn vị liên quan.
 
    Nhân dịp này, Tòa án nhân dân tối cao cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký kết Chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
                                                                           Nguyễn Toàn
                                                                   (Tòa án nhân dân tối cao)
.
.