Kiểm soát bằng được quyền lực trong công tác cán bộ

Thứ Năm, 26/09/2019, 14:31 [GMT+7]
    Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QÐ/TW, ngày 23-9-2019 một lần nữa cho thấy quyết tâm của Ðảng là phải kiểm soát bằng được quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền - một vấn đề bức xúc lâu nay xã hội quan tâm, lo ngại. Ðặc biệt, khi toàn Ðảng ta đang tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp và tiến tới Ðại hội lần thứ XIII thì Quy định nêu trên càng có ý nghĩa thiết thực và là công cụ sắc bén, là cái “lồng” cơ chế để “nhốt” quyền lực, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong công tác cán bộ.
 
    Tình trạng lợi dụng quyền lực nói chung, trong công tác cán bộ nói riêng được Ðảng ta cảnh báo từ lâu và có những giải pháp ngăn chặn, nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn, thậm chí ở một số lĩnh vực có lúc, có nơi diễn ra tinh vi, nghiêm trọng hơn. Từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII đến nay, gần 70 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao, một số trường hợp bị phạt tù vì nhiều nguyên nhân, nhưng không thể không nói đến việc quản lý còn nhiều kẽ hở, quyền lực chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc lợi dụng quyền lực trong quản lý kinh tế, sử dụng tài sản công để lại hậu quả nặng nề, nhưng không nguy hại bằng lợi dụng quyền lực trong công tác cán bộ, bởi nó có thể làm cho đội ngũ cán bộ dần dần trở nên què quặt, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ngày càng yếu kém; làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, thui chột động lực phấn đấu, cống hiến của những cán bộ có năng lực tốt, phẩm chất đạo đức trong sáng. Nếu tình trạng này không sớm được ngăn chặn thì nguy cơ thật khôn lường, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
 
Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng
Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Ðảng
    Ðảng ta đã có nhiều nghị quyết, quy định về công tác cán bộ và quá trình đổi mới thực hiện nhiệm vụ then chốt này đã đạt được những kết quả đáng kể, song một số yếu kém chậm được khắc phục; chưa có biện pháp hữu hiệu để kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền và những tiêu cực trong công tác cán bộ; thiếu chặt chẽ, hiệu quả trong phối hợp kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm,... Vì thế mới có tình trạng cán bộ vi phạm vẫn được đưa vào quy hoạch, được bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn, “nâng đỡ hotgirl không trong sáng”, thậm chí “cả họ làm quan” xảy ra ở một số nơi.
 
    Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói như vậy và thực tế cũng đã chứng minh điều ấy. Công tác cán bộ là công việc hệ trọng của Ðảng, trong những năm gần đây, nhất là nhiệm kỳ Ðại hội XII, cùng với việc ban hành các nghị quyết về công tác cán bộ, Ðảng có nhiều quy định cụ thể hóa các nghị quyết, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ. Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QÐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền là sự tiếp nối tư tưởng chỉ đạo, quyết tâm cao của Ðảng, là yêu cầu cấp bách đối với công tác cán bộ hiện nay.
 
    Ðể Quy định này cùng với các văn bản khác về công tác cán bộ sớm được hiện thực hóa trong cuộc sống, nhất là quá trình chuẩn bị, tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu, các cơ quan, cá nhân làm công tác cán bộ cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, đồng thời nêu cao trách nhiệm của mình trong từng việc, từng bước, từng khâu của công tác cán bộ. 
 
    Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền; nhận diện rõ, đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền. Các tổ chức đảng chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự đối với cán bộ, đảng viên để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền. Việc phân công, phân cấp cần gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, nhất là tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm. 
 
    Nguyên tắc là mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; thực hiện công khai, minh bạch tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự; cung cấp, trao đổi thông tin và giải trình khi có yêu cầu; có cơ chế và tạo mọi điều kiện để nhân dân giám sát cán bộ và công tác cán bộ một cách hiệu quả nhất; đặt công tác cán bộ trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, người đứng đầu; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; cấp trên tăng cường kiểm tra cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên; thực hiện giám sát dọc, giám sát ngang; xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác cán bộ; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân sai phạm.
 
    Với sự chỉ đạo quyết tâm của Trung ương Ðảng, chúng ta kỳ vọng, tin tưởng, Quy định 205-QÐ/TW của Bộ Chính trị cùng với các nghị quyết, quy định khác về công tác cán bộ sẽ được thực hiện nghiêm túc. “Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính” như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu trong bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng”.
                                                                                     Văn Bắc
(Báo Nhân Dân)
.