Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và công tác bầu cử

Thứ Hai, 23/05/2016, 13:58 [GMT+7]
    Là lãnh tụ của dân tộc, người khai sinh nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền và Quốc hội nói chung, công tác bầu cử nói riêng.
 
    Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Ngày 31-12-1945, Người đã viết bài nhan đề “Về ý nghĩa Tổng tuyển cử” đăng trên Báo Cứu quốc, nêu rõ: “Tổng tuyển cử là tự do bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết”.
 
    Tại cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (Quốc hội khoá I) năm 1946, thủ đô Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử. Gần đến ngày bầu cử, có 118 vị là Chủ tịch Ủy ban Hành chính và đông đảo đồng bào ở Hà Nội đã đề nghị cụ Hồ Chí Minh không phải ra ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới; ủng hộ và suy tôn vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh là Chủ tịch Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đi bầu cử (Ảnh tư liệu)
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đi bầu cử (Ảnh tư liệu)
    Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo nhân dân ta. Mặc dù vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư cảm tạ và đề nghị đồng bào cho Người thực hiện quyền và nghĩa vụ của người công dân. Bức thư có đoạn viết: “Tôi rất cảm động thấy toàn thể đồng bào ngoại thành Hà Nội đã có lòng quá yêu tôi mà quyết nghị tôi không phải ứng cử trong kỳ Tổng tuyển cử sắp tới. Nhưng tôi là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt qua thể lệ Tổng tuyển cử đã định. Tôi đã ứng cử ở thành phố Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào khác nữa…”.
 
    Lúc 15h ngày 5-01-1946, tại khu Việt Nam học xá (nay là Đại học Bách Khoa, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh của hơn hai vạn đồng bào Hà Nội ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội. Tại cuộc mít tinh, Người nói: “Làm việc bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ lợi ích chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không bầu. Ngày mai, không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy”.
 
    Đúng 8h ngày 6-01-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I ở phòng bỏ phiếu đặt tại số 10 phố Hàng Vôi (nay là Lý Thái Tổ). Sau đó, Người đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thụy Khuê, làng Hồ Khẩu và Ô Đông Mác. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khoá I, Người đã trúng cử với số phiếu rất cao.
 
    Khi kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khoá I tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Chính phủ kháng chiến, Người phát biểu: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác, thì tôi phải gắng làm, cũng như mọi người lính vâng lệnh Quốc dân ra trước mặt trận…”.
 
    Là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Quốc hội khoá I đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ cộng hòa. Do điều kiện đất nước bị chia cắt, nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội khoá I kéo dài từ tháng 1/1946 đến tháng 5/1960.
 
    Tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 12, Quốc hội khoá I (ngày 15-4-1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và phát biểu khẳng định: “Quốc hội ta là Quốc hội dân chủ đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á, cũng là Quốc hội đầu tiên của các nước thuộc địa cũ được độc lập tự do”.
 
    Người chỉ rõ những cống hiến của Quốc hội trong suốt 14 năm qua và khẳng định: “Quốc hội ta đã hết lòng vì dân, vì nước, đã làm tròn một cách vẻ vang nhiệm vụ của những người đại biểu của nhân dân”. Người cảm ơn Quốc hội khóa I và tin chắc rằng: “Quốc hội khóa II của chúng ta sẽ đưa hết tinh thần và lực lượng để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà để thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
 
    Ngày 24-4-1960, phát biểu tại cuộc mít tinh của nhân dân thủ đô chào mừng các vị ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội ra mắt cử tri thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên tính chất dân chủ của Luật Bầu cử, giá trị cao quý của lá phiếu cử tri và tin tưởng rằng những cử tri sáng suốt sẽ bầu ra được một Quốc hội có những đại biểu thật xứng đáng.
 
    Người thay mặt các ứng cử viên hứa với đồng bào: “Những người được cử vào Quốc hội khoá II sẽ luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”.
 
    Sự tôn trọng, dân chủ, nghiêm túc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện ở cả những việc làm rất nhỏ của công tác bầu cử. Đồng chí Hoàng Hữu Kháng, cận vệ của Bác Hồ, sau này là Cục trưởng Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Bộ Công an) kể lại: Chiều 27-4-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử HĐND cấp huyện và xã. Người bỏ phiếu tại hòm phiếu số 6, tiểu khu 1, khu phố Ba Đình, Hà Nội đặt tại Nhà thuyền (Hồ Tây). Khi Bác đến, tổ bầu cử có ý cho mọi người dừng lại để Bác bầu cử trước.
 
    Thấy vậy, Người nói: “Ai đến trước, bầu trước; Bác đến sau, Bác chờ”. Sau đó, Người đã gương mẫu chờ đến lượt mình mới lấy lá phiếu và bầu cử. Nghĩa vụ là vậy, còn về “quyền” Bác cũng kiên quyết thực hiện đúng quyền của mình. Bác yêu cầu đưa lý lịch những người ứng cử để lựa chọn. Một nhà báo định chụp ảnh, Người đã lấy tay che lá phiếu và ngăn lại: “Không ai được vào đây. Đây là phòng viết phiếu kín của cử tri, phải tôn trọng cử tri, phải tôn trọng tự do và bí mật của công dân!”.
 
    Sau khi bỏ phiếu xong, ra về đến Phủ Chủ tịch, Bác xuống xe quay sang hỏi đồng chí Hoàng Hữu Kháng: “Chú có biết vì sao Nguyễn Hải Thần bị nhân dân khinh ghét không?”. Năm 1945, mỗi lần Nguyễn Hải Thần đi đâu bọn lính bảo vệ ông ta ngồi trên xe đều lăm lăm súng lưỡi lê tuốt trần và còn đặt khẩu đại liên diễu võ giương oai, rất lố lăng. Nghe Bác hỏi, đồng chí Hoàng Hữu Kháng chột dạ và cảm thấy cuộc bảo vệ hôm đó có điều gì sơ suất khiến Bác không hài lòng. Sau này đồng chí bảo vệ tiếp cận ngồi cùng xe Bác nói lại, khi Bác đến nơi bỏ phiếu, thấy vắng cử tri, Bác không vui. Bác muốn như mọi người dân bình đẳng khi đi thực hiện quyền làm chủ của mình.
 
    Ôn lại những câu chuyện về Bác, chúng ta càng thấy rõ hơn tâm huyết và tầm nhìn xa trông rộng của Bác; Người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho một xã hội bình đẳng, dân chủ và dày công vun đắp, xây dựng một Nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân.
                                                                                             Đức Qúy   
                                                                                   (Báo Công an nhân dân)
;
.