Bộ Giao thông vận tải: Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác thanh tra đối với các dự án đầu tư xây dựng

Thứ Sáu, 29/04/2016, 12:38 [GMT+7]
    Theo Quy định về nội dung, trình tự, thủ tục thanh tra dự án đầu tư xây dựng do Thanh tra Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Quyết định số 07/QĐ-TTr ngày 06-4-2016, thì mục tiêu chính là nhằm tạo sự thống nhất, nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác thanh tra đối với các dự án đầu tư xây dựng. 
 
    Quy định áp dụng với các cuộc thanh tra đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu hoặc vốn vay của Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải. Quy định này quy định chi tiết về căn cứ pháp lý, nội dung và phương pháp tiến hành các nội dung thanh tra, kiểm tra đối với các dự án đầu tư xây dựng ở các giai đoạn từ: Chuẩn bị đầu tư; thực hiện đầu tư; thiết kế xây dựng; thi công xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; giám sát thi công; quản lý tiến độ; quản lý hợp đồng... đến hoàn thành đưa vào sử dụng.
 
Một cuộc họp của Bộ Giao thông - Vận tải về kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc đến năm 2020
Một cuộc họp của Bộ Giao thông - Vận tải về kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc
đến năm 2020
    Trước khi tiến hành thanh tra, các đơn vị thanh tra phải thu thập các thông tin cần thiết, như: Tên dự án, quy mô đầu tư, địa điểm xây dựng, thời gian khởi công, hoàn thành; cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư, hình thức quản lý dự án, cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng; tổng mức đầu tư, tổng dự toán, cơ cấu nguồn vốn; tỷ lệ hoàn thành khối lượng xây lắp, giá trị giải ngân, tình hình quyết toán dự án hoàn thành (nếu có). Các đơn vị thanh tra còn phải thu thập các nội dung thông tin về: Tổng quan về chất lượng, tiến độ của dự án; tình hình thanh tra, kiểm toán đối với dự án, kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý về thanh tra, kiểm toán (nếu có) từ chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, các đơn vị tham gia thực hiện dự án và qua thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng.
 
    Trưởng đoàn thanh tra sẽ phải chủ trì xây dựng Kế hoạch tiến hành thanh tra và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định tại Điều 18 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16-10-2014 của Thanh tra Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động, quan hệ của Đoàn thanh tra và trình tự thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra. Căn cứ mục tiêu, yêu cầu và tính chất đặc thù của từng cuộc thanh tra, từng dự án cụ thể, trên cơ sở kết quả khảo sát, thu thập, nắm bắt thông tin và đặc biệt là nhận định những vấn đề nổi cộm, có dấu hiệu sai phạm, Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm đề xuất nội dung thanh tra và phương pháp tiến hành thanh tra bảo đảm tính tập trung, phù hợp, trọng tâm, trọng điểm...
Thanh An
;
.