Vĩnh Phúc: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ

Thứ Tư, 23/02/2022, 19:20 [GMT+7]

    Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo quyết liệt; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hàng năm tại các cơ quan, đơn vị đã đi vào kỷ cương, nền nếp. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương trên địa bàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền chưa chú trọng đẩy mạnh công tác nên hiệu quả còn hạn chế.

    Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra và tự kiểm tra nội bộ hiệu quả còn thấp; đa số các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý qua tin báo tội phạm và giải quyết đơn thư tố cáo của công dân; kết quả công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng chưa tương xứng với tình hình. Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo về công tác PCTN của một số ít đơn vị còn chậm, nội dung báo cáo sơ sài, chất lượng thấp; khó khăn cho việc tổng hợp, đánh giá về kết quả PCTN.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2020; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát năm 2020; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2021
    Những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại xuất phát từ nguyên nhân chủ quan như: Hệ thống văn bản pháp luật về PCTN; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội còn có những sơ hở, bất cập trong quy trình quản lý, tạo kẽ hở cho hành vi tham nhũng, nhất là các cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; thu - chi ngân sách; đầu tư, mua sắm công; quản lý doanh nghiệp Nhà nước... nên còn tiềm ẩn tham nhũng trong nhiều lĩnh vực.
 
    Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân chủ quan là một số đơn vị, địa phương chưa phát huy mạnh vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCTN; công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và quán triệt, tuyên truyền pháp luật về PCTN cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (CBCCVC) chưa được thường xuyên; còn có CBCCVC biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục hành chính, gây dư luận xấu về tình trạng “tham nhũng vặt”…
 
    Để khắc phục tồn tại, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện trong năm 2022 là tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về công tác PCTN. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành gắn với cuộc vận động thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và tiếp tục đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.
 
    Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh phải xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra nội bộ; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện và xử lý tin báo, tố giác tội phạm tham nhũng, đẩy mạnh hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, để xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ án tham nhũng phát sinh trên địa bàn.
Theo thanhtra.com.vn
.