Ninh Bình: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2022

Thứ Sáu, 11/02/2022, 10:16 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch cải cách hành chính năm 2022. Việc ban hành Kế hoạch CCHC là yếu tố quan trọng trong cải cách thể chế; tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh liên quan đến hoạt động của nền hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 
 
Giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình
Giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình
    Về cải cách thể chế: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo danh mục nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, danh mục quyết định của UBND tỉnh năm 2022 đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, thời hạn và quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh ban hành được rà soát, kiến nghị xử lý bằng các hình thức bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng quy định mới nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
 
    Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Thực hiện rà soát, đề nghị các Bộ, ngành cắt giảm, đơn giản hóa quy định và chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh; tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2025. Cập nhật, theo dõi thường xuyên, kiểm soát, tổng hợp và công khai hàng tháng kết quả giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị; tập trung kiểm tra, rà soát cắt giảm các bước thực hiện, thời gian thực hiện và chuẩn hóa quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết TTHC; đảm bảo 100% TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, đất đai, tài nguyên, xây dựng liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh được cấu hình quy trình điện tử và liên thông giải quyết trên Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.
 
    Rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đảm bảo đồng bộ, tinh gọn, hiệu quả, theo quy định. Phấn đấu mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cao hơn năm 2021.
 
    Về cải cách chế độ công vụ: Tổ chức sắp xếp, bố trí công chức theo vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức đúng quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức. Tiếp tục rà soát, phê duyệt đề án vị trí việc làm và thực hiện bố trí viên chức theo vị trí việc làm và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, được chuẩn hóa về lý luận chính trị, kỹ năng làm việc theo quy định.
 
    Cải cách tài chính công: Tiếp tục triển khai thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ.
 
    Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số: Tiếp tục triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ đã đề ra tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-¬2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh về triển khai Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính, gắn với chuyển đổi số trong hoạt động cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
 
    Trên cơ sở Kế hoạch này, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn và định hướng, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc triển khai nhiệm vụ CCHC. Phấn đấu nâng chỉ số cải cách hành chính của tỉnh giữ vững xếp hạng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước về chỉ số cải cách hành chính; đồng thời, phấn đấu nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 nằm trong nhóm 35 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao nhất cả nước.
Bích Hạnh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)
.