Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân

Thứ Bảy, 05/02/2022, 05:23 [GMT+7]
    Việc thực hiện Quy định số 11-QÐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác xây dựng Đảng của tỉnh Hà Tĩnh; vừa giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dân, tạo sự ổn định xã hội, vừa xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa  Đảng với Nhân dân, nêu cao vị trí, vai trò và củng cố uy tín của Đảng. Tạp chí Nội chính có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Báu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh về vấn đề này
 
    Phóng viên: Xin đồng chí cho biết việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QÐi/TW có ý nghĩa như thế nào trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân?
 
    Đồng chí Trần Báu Hà: Như chúng ta đã biết, những năm qua, Đảng tiếp tục tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm ngăn chặn các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; đấu tranh không khoan nhượng với tệ quan liêu, tham nhũng. Niềm tin vào Đảng được vun đắp từ lòng tin của nhân dân. Tuy vậy, thực tế hiện nay, đời sống người dân vẫn còn những khó khăn; có những bức xúc của người dân có lúc, có nơi chưa được giải quyết dứt điểm; tình hình tiêu cực, tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp. Muốn phát hiện, phòng chống các tiêu cực, tham nhũng, một trong những giải pháp hữu hiệu đó là Đảng phải nghe dân phản ánh, kiến nghị để có giải pháp khắc phục. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”… Muốn biết “việc hại”, “việc lợi” cho dân thì Đảng phải nghe dân. Đảng muốn lãnh đạo thì phải lắng nghe nhân dân, lắng nghe bằng nhiều cách, nhiều phương pháp, trong đó có tiếp dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân.
 
    Tôi cho rằng, quá trình tổ chức lãnh đạo, Đảng ta khẳng định vai trò, vị trí của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng bằng các quy định hết sức quan trọng, thể hiện cụ thể tính ràng buộc trách nhiệm. Quy định số 11-QĐi/TW do Bộ Chính trị ban hành đã tiếp tục khẳng định điều đó. Bởi vậy, quy định này rất quan trọng, cần thiết trong bối cảnh hiện nay đối với cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.
 
Đồng chí Trần Báu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh
Đồng chí Trần Báu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh
    Phóng viên: Được biết trong quá trình triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong đó tổ chức tiếp dân theo hình thức 3 trong 1 “Đồng chí Bí thư cấp ủy, đồng chí Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND” cùng một phiên”. Xin đồng chí cho biết cụ thể hơn về
cách làm này?
 
    Đồng chí Trần Báu Hà: Ngay sau khi Quy định số 11- QĐi/TW ban hành, Hà Tĩnh là một trong các tỉnh triển khai thực hiện đầu tiên trong cả nước. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành Công văn 1505- CV/TU, ngày 08/5/2019 về việc quán triệt, đôn đốc thực hiện Quy định 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị; Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành quy định tạm thời tiếp dân “3 trong 1” (đồng chí Bí thư, đồng chí Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND cùng chủ trì tiếp) bước đầu đạt hiệu quả trong chỉ đạo, xử lý các kiến nghị của công dân. Sau hơn một năm triển khai quy định tạm thời để phát huy hơn nữa hiệu quả quy định tiếp dân “3 trong 1” Ban Nội chính Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 02/QĐ/TU, ngày 27/5/2021 về tiếp dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Theo đó, các phiên tiếp dân được triển khai nghiêm túc, tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đối với quy định tiếp “3 trong 1”, các lãnh đạo địa phương được nghe bao quát hơn, nắm được những vụ việc trên địa bàn nên thống nhất trong điều hành, tập trung chỉ đạo xử lý, đôn đốc kịp thời; nhờ đó, tiến độ giải quyết đơn thư, vụ việc nhanh hơn.
 
    Quy định tiếp “3 trong 1” giúp cho việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW cơ bản giải quyết nhanh gọn, dứt điểm các vụ việc, nhất là tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; một số phường, xã bước đầu có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tiếp dân theo quy định; một số phòng, ban đã tập trung tham mưu, xử lý hiệu quả các vụ việc được giao. Đặc biệt, việc tiếp dân theo Quy định số 11-QĐi/TW đã nâng cao trách nhiệm, năng lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là các đồng chí chủ trì trong việc giải quyết các vụ việc, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, góp phần ổn định tình hình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các chỉ tiêu phát triển. Quy định tiếp dân “3 trong 1” đã cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, sâu sát hơn, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Trong đó, Đảng có sự phối hợp, chia sẻ với chính quyền nhiều hơn; chính quyền giải quyết trực tiếp và có sự thống nhất của Đảng nên xử lý nhanh hơn; huy động được các cấp ngành vào cuộc; gắn trách nhiệm cho người đứng đầu nên việc điều hành hợp lý và tạo được sự lan tỏa từ tỉnh, đến huyện và xã. Tạo thuận tiện cho công dân trong việc đăng ký để được trực tiếp phản ánh, kiến nghị với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.
 
    Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật trong thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW thời gian qua của tỉnh Hà Tĩnh?
 
    Đồng chí Trần Báu Hà: Từ tháng 3/2019 đến nay, theo Quy định số 11-QĐi/TW, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã  tiếp dân 24 phiên định kỳ và 03 phiên chuyên đề. Sau mỗi kỳ tiếp dân đều có Thông báo ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gửi các cơ quan chức năng và người dân được biết, thực hiện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết 43 vụ việc, đến nay đã giải quyết xong dứt điểm 36 vụ việc, còn 05 vụ việc các cơ quan chức năng đang tiếp tục tham mưu giải quyết. Nổi bật: Đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm 03 vụ việc liên quan đến chế độ chính sách đối với người có công; 09 vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng phức tạp, tồn đọng, kéo dài; 03 vụ việc liên quan đến công tác chậm thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật... 
 
    Trực tiếp kiểm tra, đối thoại với công dân một số xã tại huyện Kỳ Anh, huyện Hương Khê, huyện Đức Thọ… liên quan đến ô nhiễm môi trường, xử lý rác thải, bồi thường giải phóng mặt bằng... Để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, việc thực hiện kết luận, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tại các phiên tiếp dân, Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Nội chính Tỉnh ủy thành lập Tổ công tác trực tiếp kiểm tra tại 06 đơn vị cấp huyện, 11 đơn vị cấp xã. Sau kiểm tra đã ban hành thông báo để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của cơ sở trong công tác tiếp dân, đối thoại với dân và xử lý các kiến nghị, phản ánh của người dân. Các huyện, thành, thị ủy kịp thời triển khai thực hiện Quy định 11-QĐi/TW và các quy định của tỉnh nhằm tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân (đến nay có 10/13 huyện, thành, thị ủy đã ban hành quy định riêng về tiếp dân “3 trong 1”, 03 huyện triển khai theo quy định của tỉnh). Nhiều huyện đã ban hành Chỉ thị để tăng cường giải quyết các đơn thư, vụ việc nhất là các vụ việc phức tạp, tồn đọng. Nhờ làm tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân, nhiều đơn thư, vụ việc đã được giải quyết ngay từ cơ sở.
 
    Ngoài việc tiếp dân định kỳ, đồng chí bí thư và các đồng chí trong thường trực cấp ủy các huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố và nhân dân để lắng nghe, giải đáp các ý kiến phản ánh, chỉ đạo kịp thời cơ quan chức năng xem xét giải quyết dứt điểm các vụ việc.
 
    Phóng viên: Xin đồng chí cho biết về những chuyển biến tích cực trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân từ khi triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW trên địa bàn tỉnh ta?
 
    Đồng chí Trần Báu Hà: Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, với sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy các cấp trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, đặc biệt là sự vào cuộc của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã góp phần hạn chế các vụ việc công dân khiếu nại kéo dài, giảm đáng kể các vụ việc khiếu kiện trên địa bàn toàn tỉnh; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị được nâng lên. Nhiều vụ việc đã được giải quyết ngay từ khi mới phát sinh, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Ngoài việc tiếp dân theo định kỳ, khi trên địa bàn phát sinh các vụ việc khiếu nại phức tạp cần phải giải quyết, người đứng đầu cấp ủy các cấp đã trực tiếp đến tận nơi để tiếp, đối thoại với người dân, kịp thời giải quyết vụ việc, không để xảy ra “điểm nóng” hay bức xúc kéo dài.
 
    Cũng thông qua việc tiếp dân theo Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, giúp người đứng đầu cấp ủy các cấp nắm toàn diện, có hệ thống khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn để kịp thời xử lý, giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền, chỉ đạo địa phương, cơ quan có thẩm quyền giải quyết, phối hợp giải quyết; lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền chấp hành quy định về công tác tiếp dân, đối thoại với dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
 
    Công tác tổ chức tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từng bước đi vào nền nếp. Chất lượng, tiến độ giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ngày càng bảo đảm về trình tự, thủ tục và nội dung; công tác phối hợp trong xử lý, giải quyết giữa các cấp, các ngành được tăng cường. Nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài được tập trung giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, người đứng đầu cấp ủy các cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
 
    Phóng viên: Thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung triển khai những giải pháp nào để nâng cao hơn nữa việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW, thưa đồng chí?
    Đồng chí Trần Báu Hà: Để công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân của tỉnh Hà Tĩnh thời gian tới đạt được kết quả cao hơn nữa, Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:
 
    Một là, tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. 
 
    Hai là, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị trong việc tiếp, đối thoại trực tiếp với công dân, giải quyết những phản ánh, kiến nghị của công dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc mới phát sinh từ cơ sở, không để nảy sinh các “điểm nóng”, các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, khiếu kiện vượt cấp.
 
    Ba là, Ban Nội chính Tỉnh ủy tổng hợp danh sách các vụ việc phức tạp, tồn động, kéo dài trên địa bàn để tham mưu, chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan theo thẩm quyền nhanh chóng giải quyết dứt điểm từng vụ việc. 
 
    Bốn là, chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh giao các cơ quan chuyên môn triển khai phần mềm dùng chung cập nhật, theo dõi liên thông việc tiếp nhận xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân từ tỉnh đến cơ sở để bảo đảm thông tin kịp thời, chính xác phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ công tác này.
 
    Năm là, chỉ đạo thường trực các huyện, thành, thị ủy, thủ trưởng sở, ngành, ngoài việc tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc thuộc thẩm quyền đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo nhưng chưa giải quyết dứt điểm, cần tổ chức kiểm tra, xác minh, có phương án xử lý; tiếp tục chỉ đạo tự kiểm tra, rà soát các vụ, việc tồn đọng khác ở địa phương đã được các cơ quan cấp trên chỉ đạo giải quyết (bao gồm Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các cơ quan tư pháp) nhưng đến nay chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp kéo dài.
 
    Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi người đứng đầu cấp ủy trong việc chấp hành quy định về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát và tham mưu, giải quyết dứt điểm các vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài.
 
    Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thu Huyền
(Thực hiện)
.