Hải Dương: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

Thứ Năm, 19/09/2019, 07:01 [GMT+7]
    Ngày 17-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội”.
 
    Theo Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tại Hải Dương, qua 5 năm triển khai, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Hội thảo nhằm đánh giá đúng thực tế; tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Các cơ quan nhà nước đã phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tổ chức 480 cuộc giám sát tại 649 đơn vị với các nội dung giám sát tập trung vào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của nhà nước; chế độ chính sách, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức 10 hội nghị phản biện đối với 16 dự thảo văn bản của tỉnh liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân. Hàng năm, đoàn đại biểu Quốc hội, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã làm tốt việc tổ chức hội nghị đánh giá quy chế phối hợp…
 
    Bên cạnh một số kết quả đạt được, công tác giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Ở một số nơi, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế nên chưa quan tâm tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chưa chủ trì được các cuộc giám sát độc lập; việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát chưa kịp thời; năng lực tổ chức giám sát đầu tư cộng đồng còn hạn chế; việc phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền cùng cấp chưa chặt chẽ; năng lực của cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò của Ban tư vấn, của đội ngũ cán bộ, chuyên gia có năng lực…
 
    Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền tại Hải Dương, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp giám sát và chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy tốt dân chủ trong nhân dân. Các cấp đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền đối với việc tạo điều kiện đảm bảo cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát phản biện xã hội; góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; nghiêm túc xử lý, giải quyết các kết quả kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội.
                                                                                         Thùy Linh
.